1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ưu thế chiến lược của Ukraine sau khi Nga rút lui khỏi Kherson

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Việc quân đội Nga rút lui khỏi thành phố Kherson được nhận định đã mang đến một số ưu thế chiến lược cho các lực lượng Ukraine.

Ưu thế chiến lược của Ukraine sau khi Nga rút lui khỏi Kherson - 1

Binh sĩ Ukraine di chuyển trên xe tăng chiến đấu chủ lực T-64BV (Ảnh: Pinterest).

Tối 9/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ra lệnh rút các lực lượng phòng thủ của Nga khỏi thành phố Kherson sang bờ bên kia sông Dnieper. Lý giải cho quyết định này, Tướng Sergei Surovikin, Tư lệnh các lực lượng Nga tại Ukraine, cho biết quân đội Nga không còn đủ khả năng cung cấp hậu cần cho các lực lượng phòng thủ bên trong Kherson.

Theo trang Defense Express, việc Nga rút lui khỏi Kherson đã mang lại một số ưu thế chiến lược cho quân đội Ukraine.

Đầu tiên, thay vì phải duy trì một lực lượng đông đảo binh sĩ và trang thiết bị quân sự tại mặt trận Kherson để gây sức ép lên các tuyến phòng thủ của Nga, quân đội Ukraine giờ đã có thể san sẻ lực lượng cho các chiến trường trọng yếu khác như tại vùng Donbass hay Zaporizhia. Điều này được nhận định sẽ giúp quân đội Ukraine nhanh chóng đạt được mục tiêu giành lại các phần lãnh thổ đang bị quân đội Nga kiểm soát.

Bên cạnh đó, việc quân đội Nga rút khỏi thành phố Kherson cũng mang đến một lợi thế rất lớn về hỏa lực cho Kiev. Các pháo phản lực phóng loạt có tầm bắn xa như HIMARS của Ukraine giờ đây đã có thể tiến sâu hơn vào lãnh thổ tỉnh Kherson, do đó có đủ tầm bắn để tấn công các tuyến đường tiếp vận quan trọng từ bán đảo Crimea của Nga.

"Sau khi quân đội Nga rút đi, các vị trí tại hữu ngạn sông Dnieper đã mang lại cho quân đội Ukraine những lợi thế chiến lược trong việc kiểm soát các con đường tiếp vận từ bán đảo Crimea cho lực lượng Nga còn lại ở Kherson", ông Sergiy Kuzan, cố vấn cho Bộ Quốc phòng Ukraine, cho biết.

Nếu HIMARS được triển khai tới tấn công các tuyến đường tiếp vận nối liền Kherson và cả khu vực miền Nam Ukraine với bán đảo Crimea, đây sẽ là một mối lo ngại lớn cho quân đội Nga. Hàng hóa tiếp vận từ bán đảo Crimea đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì năng lực tác chiến của quân đội Nga tại các chiến trường phía Nam. Nếu các tuyến đường trên bị HIMARS phong tỏa, quân đội Nga tại các khu vực Kherson, Zaporizhia hay Melitopol sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhận viện trợ từ bên ngoài.

Ưu thế chiến lược của Ukraine sau khi Nga rút lui khỏi Kherson - 2
Binh sĩ Ukraine bên cạnh một xe bọc thép chở quân thu giữ được của quân đội Nga ở Kherson (Ảnh: Reuters).

Ngoài ra, quân đội Ukraine được cho là đã thu giữ được nhiều vũ khí do các lực lượng Nga bỏ lại sau khi rút lui. Các vũ khí hạng nặng này bao gồm các tổ hợp lựu pháo, pháo tự hành, xe tăng cùng nhiều xe bọc thép. Do kích cỡ và trọng lượng lớn, quân đội Nga đã không thể đưa số vũ khí này vượt qua các cầu phao dã chiến bắc ngang sông Dnieper. Giới chức Kiev đã nhanh chóng tuyên bố sẽ nhanh chóng sửa chữa và đưa số vũ khí này vào phục vụ trong biên chế quân đội Ukraine.

Để đối phó với kế hoạch trên của Ukraine, quân đội Nga đang khẩn trương gia cố các tuyến phòng thủ tại khu vực phía Bắc bán đảo Crimea. Các pháo phản lực phóng loạt cùng vũ khí hạng nặng cũng đã được điều ra sát tiền tuyến để đáp trả hỏa lực từ các pháo HIMARS của quân đội Ukraine.

CÁC DẤU MỐC CHÍNH TRONG XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE 

Tháng 2: Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2, đưa quân vào khu vực Đông Bắc, quanh Kiev, miền Nam và miền Đông Ukraine.

Tháng 3: Nga thu gọn mục tiêu chiến dịch quân sự vào khu vực miền Đông sau khi Ukraine phản công ở một số khu vực.

Tháng 4: Nga đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở Donbass.

Tháng 5: Nga dồn lực tại các thành phố ở Donetsk và Lugansk. Nga kiểm soát thành phố cảng Mariupol ở biển Azov.

Hai bên bắt đầu đàm phán hòa bình từ ngày 28/2 nhưng tuyên bố chấm dứt hoàn toàn vào tháng 5 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Tháng 6 - 7: Nga sử dụng ưu thế vượt trội về hỏa lực để giành quyền kiểm soát gần như hoàn toàn Lugansk và một phần Donetsk.

Ngày 3/7, Nga tuyên bố mở rộng chiến dịch quân sự ra ngoài biên giới Donbass ở miền Đông.

Tháng 8: Ukraine mở chiến dịch phản công ở Kherson ở miền Nam.

Tháng 9: Ukraine phản công bất ngờ ở Kharkov, Đông Bắc Ukraine, buộc Nga phải rút quân. Ukraine tuyên bố giành lại 3.000km2 lãnh thổ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ban bố sắc lệnh động viên một phần, có thể giúp Nga đưa thêm tối đa 300.000 quân tới Ukraine.

Tháng 10: Nga sáp nhập 4 vùng ly khai Ukraine gồm Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia.

Ngày 5/10, Ukraine phản công trên toàn tuyến, ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Nga khi Tổng thống Putin còn tại vị.

Ngày 8/10: Cầu Crimea bị tấn công. Nga cáo buộc Ukraine là thủ phạm.

Ngày 10/10, Nga mở chiến dịch tập kích quy mô lớn trên toàn lãnh thổ Ukraine, nhắm vào mục tiêu quân sự, năng lượng, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.

Ngày 9/11: Quân đội Nga tuyên bố rút lui khỏi thành phố Kherson, miền Nam Ukraine.

Theo Defense Express
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine