DMagazine

Nga tính toán gì khi quyết định rút quân khỏi chảo lửa Kherson?

(Dân trí) - Thông báo rút quân của Nga khỏi một khu vực ở vùng chiến lược Kherson gây ra nhiều luồng ý kiến khác nhau, khi giới chuyên gia đang tìm cách giải mã ý định thực sự của Moscow.

NGA TÍNH TOÁN GÌ KHI QUYẾT ĐỊNH RÚT QUÂN KHỎI CHẢO LỬA KHERSON?

Thông báo rút quân của Nga khỏi một khu vực ở vùng chiến lược Kherson gây ra nhiều luồng ý kiến khác nhau, khi giới chuyên gia đang tìm cách giải mã ý định thực sự của Moscow.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 9/11 ra lệnh rút quân khỏi thành phố Kherson từ bờ phải sang bờ bên trái sông Dnieper. Tại đây, Nga sẽ dựng một phòng tuyến mới nhằm ngăn chặn đà tiến công của quân đội Ukraine.

Kherson là khu vực có tầm quan trọng chiến lược khi là thủ phủ duy nhất trong các vùng lãnh thổ Ukraine mà Nga đang kiểm soát. Nó nằm bên sông Dnieper, gần Biển Đen, sát cạnh bán đảo Crimea.

Trước đó, giới quan sát cho rằng, Kherson là khu vực quan trọng tới mức mà nếu Ukraine giành lại được, họ sẽ tiếp cận được hầu hết các tuyến tiếp tế hậu cần quan trọng của Moscow ở khu vực miền Nam.

Thành phố Kherson nằm trong vùng Kherson - một trong bốn vùng mà Nga mới sáp nhập hồi đầu tháng trước sau khi tổ chức trưng cầu dân ý. Nga cũng tuyên bố sẽ bảo vệ các vùng lãnh thổ này bằng mọi giá.

Cách đây vài tuần, nhiều chuyên gia nhận định, Nga sẽ có ít khả năng từ bỏ Kherson và nơi đây có thể trở thành chiến địa cho một trận đánh quyết định vì cả 2 bên đều muốn kiểm soát khu vực quan trọng này.

Vì vậy, khi Nga thông báo rút quân khỏi thành phố Kherson, động thái này đã trở thành tâm điểm phân tích của giới chuyên gia về mục đích thực sự của quyết định.

Chiến thuật nghi binh?

Nga tính toán gì khi quyết định rút quân khỏi chảo lửa Kherson? - 1

Cục diện chảo lửa Kherson tính tới 9/11 (Đồ họa: Al Jazeera).

Sau thông báo của Nga, phản ứng đầu tiên của giới chức Ukraine là tỏ ra hoài nghi.

Galina Lugovaya, người đứng đầu chính quyền quân sự của Ukraine ở thành phố Kherson, đặt ra các câu hỏi về động thái của Nga.

"Họ sẽ không từ bỏ Kherson mà không chiến đấu. Đây là một cái bẫy cho quân đội Ukraine. Mọi thứ không thể diễn ra trơn tru và dễ dàng như vậy và đối thủ đang cố tạo cảm giác đó", quan chức trên cảnh báo.

Cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Mykhailo Podolyak cũng có nhận định tương tự.

"Hành động sẽ có sức nặng hơn là lời nói. Chúng tôi chưa thấy bất cứ dấu hiệu nào Nga đang rời Kherson mà không chiến đấu. Một lượng quân nhân Nga vẫn được triển khai trong thành phố, và lực lượng bổ sung đang được điều động tới. Ukraine đang giải phóng lãnh thổ dựa vào dữ liệu tình báo, không phải là những phát biểu được dàn dựng trên truyền hình", ông Podolyak tuyên bố.

Bình luận về tuyên bố của Nga, ông Zelensky cho rằng: "Không ai lại rời đi như vậy trừ khi họ cảm thấy sức mạnh. Đối thủ không tự nhiên tặng quà hay có hành động thiện chí với chúng ta. Chúng ta đang chiến đấu vì những thành quả trên chiến trường".

Trong thời gian qua, Nga từng phát đi tín hiệu về việc có thể rút quân khỏi một phần của Kherson. Quan chức thân Nga ở Kherson Kirill Stremousov - người vừa tử vong hôm 9/11 vì một tai nạn xe hơi - trước đó đã từng nói về việc Moscow sẽ tái phân bổ lực lượng ở bờ bên kia sông Dnieper.

Sau đó, Yuri Sobolevskyi, Phó chủ tịch Hội đồng khu vực Kherson của Ukraine, nói với NBC News rằng việc người Nga hạ cờ khỏi các tòa nhà hành chính Kherson có thể là một cái bẫy được lập nên để đánh lừa phía Kiev.

"Quân đội Nga đang cố gắng để thuyết phục mọi người rằng họ đang rút quân nhưng chúng tôi thấy bằng chứng cho thấy họ vẫn bám trụ lại", Natalia Humeniuk, quan chức Lực lượng Phòng vệ và Bảo vệ miền Nam Ukraine, nhận định.

"Việc Nga hạ cờ ở Kherson là nhằm đặt ra cái bẫy với lực lượng Ukraine. Trên thực tế, quân đội Nga tạo ra các phòng tuyến xung quanh thành phố, chuẩn bị cho các trận chiến trên đường phố và ẩn nấp trong các khu vực được ngụy trang như nhà dân thường Kherson. Quân đội Nga đang tìm cách thực hiện chiến thuật để lấy lại thể diện", bà Humeniuk nói.

Trong khi đó, thiếu tướng Ukraine Kyrylo Budanov nói với The Drive rằng Nga đã điều lực lượng tốt nhất đến thành phố Kherson.

"Lực lượng được huấn luyện tốt nhất và tinh nhuệ nhất của Nga đang ở Kherson. Phần lớn trong số họ là thành viên lực lượng nhảy dù, đặc nhiệm và bộ binh hải quân. Các đơn vị này là xương sống của lực lượng Nga, và Moscow cũng bổ sung thêm các tân binh mới được động viên tới Kherson", ông Budanov cho hay.

Tính toán của Nga

Nga tính toán gì khi quyết định rút quân khỏi chảo lửa Kherson? - 2

Binh sĩ Ukraine phóng hỏa lực trên tiền tuyến ở Kherson (Ảnh: Reuters).

Dù Ukraine cho rằng đây là cái bẫy của Nga đặt ra khi thông báo rút quân, một số chuyên gia nhận định, quyết định của Moscow dựa trên nhiều tính toán và cân nhắc chiến lược.

Tổng chỉ huy chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine Sergei Surovikin thừa nhận: "Quyết định rút về bờ bên trái sông Dnieper là không dễ dàng, nhưng nhờ vậy, chúng ta có thể bảo đảm tính mạng cho các quân nhân và năng lực tác chiến của quân đội Nga".

Ông Surovikin thừa nhận, Nga hiện không thể đảm bảo hoạt động tiếp tế hậu cần cho Kherson.

Trước đó, vị tướng này chưa bao giờ giấu giếm về tình hình thực sự ở chiến trường Kherson, khi cho biết tình thế tại đây "rất khó khăn". Ông cho biết, Ukraine đã liên tục tập kích cầu Antonovsky nối 2 bờ của con sông, gây khó khăn cho việc tiếp tế hậu cần từ bờ bên trái sang bờ bên phải.

Ngoài ra, Nga cũng cáo buộc Ukraine có kế hoạch tấn công nhà máy thủy điện Kakhovskaya và nếu kịch bản này xảy ra, nhiều khu vực Kherson sẽ ngập trong nước. Mặt khác, Ukraine trong thời gian qua cũng bị "tố" tăng cường tần suất pháo kích vào khu vực điểm nóng, gây ra áp lực không nhỏ lên lực lượng Nga.

Theo Sputnik, ông Surovikin nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo vệ tính mạng cho cả dân thường và quân nhân Nga, bất chấp phải đưa ra quyết định khó khăn, nên việc rút quân dường như đã là một phương án được lên kế hoạch từ trước.

Ông cho biết: "Sẽ có thêm mối đe dọa cho dân thường và quân nhân Nga hoàn toàn bị cô lập ở bờ bên phải của con sông. Vì vậy, phương án phù hợp nhất là thiết lập phòng tuyến dọc theo sông Dnieper".

Chuyên gia quân sự Scott Ritter, cựu sĩ quan tình báo Thủy quân lục chiến Mỹ, nhận định rằng, việc Nga thông báo rút quân thuần túy là một quyết định có mục đích quân sự nhằm bảo vệ tính mạng của các quân nhân Nga ở khu vực có nguy cơ bị cô lập. Ngoài ra, việc rút quân có thể cho Nga thêm thời gian để chuẩn bị nguồn lực quân sự cho việc giành lại quyền kiểm soát toàn bộ Kherson vào giai đoạn kế tiếp, ông cho hay.

Ông Ritter cho biết, Nga dường như muốn phát đi thông điệp tới người dân trong nước và thân nhân của các binh sĩ đang chiến đấu ở Ukraine rằng, chính quyền Moscow coi trọng mạng sống của họ. Điều này được xem cần thiết trong bối cảnh Nga mới huy động hơn 300.000 tân binh để tiếp viện cho tiền tuyến - động thái đã gây ra một số xáo động trong dư luận Nga.

Mặt khác, theo hãng tin Nga Sputnik, trong lịch sử, quân đội Nga và Liên Xô từng nhiều lần thực hiện rút quân chiến thuật, với quan điểm rằng, việc thắng trận chiến lớn quan trọng hơn là thắng một cuộc chiến nhỏ lẻ.

Trong cuộc chiến tranh với Thụy Điển (1700-1721), với Pháp (1812) và trong cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941-1945), các chỉ huy của Nga và Liên Xô từng lùi quân về hàng chục, hoặc hàng trăm km khi cần thiết, nhưng chưa bao giờ đánh mất mục tiêu chiến lược. 

Theo các chuyên gia, mục tiêu của Nga có thể là "câu giờ", trong bối cảnh cả Ukraine và các nước phương Tây hỗ trợ họ đang đối mặt các thách thức khác nhau. Mỹ và châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng dẫn tới lạm phát gia tăng và kinh tế suy giảm. Đã có nhiều ý kiến trái chiều trong nội bộ các nước phương Tây về việc tiếp tục duy trì tần suất và quy mô hỗ trợ cho Ukraine như hiện tại.

Mặt khác, Kiev đang đối mặt với hàng loạt thách thức khi Nga trong thời gian qua tăng cường tập kích phá hủy hàng loạt cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine như cơ sở năng lượng, quân sự, thông tin liên lạc. Áp lực lên Ukraine ngày càng gia tăng khi mùa đông sắp tới gần.

Tính toán của Nga là rút về phía bờ bên trái con sông, gia cố phòng tuyến ổn định để Ukraine không thể xuyên thủng, thay vì bám trụ ở bờ bên phải - nơi họ đối mặt với mối đe dọa bị cô lập liên tục. Nga có thể muốn kiên nhẫn chờ đợi khi sự ủng hộ của phương Tây sụt giảm khi Mỹ và châu Âu đối mặt với áp lực khủng hoảng kinh tế trong nước. Thiếu nguồn viện trợ của phương Tây có thể làm ảnh hưởng tiêu cực tới năng lực tác chiến của Ukraine, theo Sputnik. Theo giới quan sát, Nga hiện vẫn đang có nguồn lực năng lượng và thực phẩm ổn định qua mùa đông và họ vẫn đủ tiềm lực để duy trì cuộc chiến kéo dài.

Mặt khác, trong tuyên bố của ông Surovikin, ông nói rằng phía Ukraine dường như thiệt hại về nhân lực gần 7-8 lần Nga trong đợt phản công gần đây ở Kherson.

Phía Ukraine chưa lên tiếng về thông tin này, nhưng theo ông Ritter, nếu đây là sự thật, thì tỷ lệ này được xem là rất không bền vững và không thể duy trì lâu dài, trong bối cảnh Ukraine còn rất nhiều vùng lãnh thổ mà họ đang đưa vào tầm ngắm để giành lại. Vấn đề lực lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cục diện của chiến sự trong giai đoạn kế tiếp.

Bước ngoặt của cuộc chiến?

Nga tính toán gì khi quyết định rút quân khỏi chảo lửa Kherson? - 3

Xác xe tăng Nga ở Kharkov - khu vực Nga rút quân từ hồi tháng 9 (Ảnh: Reuters).

Chuyên gia Daniel L. Davis, cựu trung tá quân đội Mỹ, nhận định với chuyên trang quân sự 19fortyfive rằng, việc Nga rút quân ở Kherson được xem là bước lùi lớn trên chiến trường đối với Moscow.

Ông Ritter cũng nhận định, quyết định rút quân của Nga ở Kherson được xem là chiến thắng về mặt chính trị cho Ukraine. Việc Ukraine phản công thành công ở Kharkov trước đó, kết hợp với việc họ sẽ giành lại được thành phố thủ phủ Kherson sau 8 tháng mất vào tay Nga, có thể là thông điệp gửi tới phương Tây rằng họ có khả năng chiến thắng trong cuộc chiến với Moscow và họ cần tiếp tục nhận thêm viện trợ.  

Tuy nhiên, ông Ritter cho rằng, để được xem là chiến thắng về chính trị, Ukraine cần phải giữ được Kherson về mặt lâu dài. Ông dự đoán, Nga có thể đang chuẩn bị cho một cuộc phản công vào mùa xuân năm tới khi họ đang huấn luyện 300.000 tân binh, đồng thời thúc đẩy việc sản xuất thêm khí tài quân sự.

Thêm vào đó, ông Davis cũng đồng thuận với nhận định của phía Ukraine rằng, động thái rút quân của Nga có thể là chiến thuật nghi binh để kéo lực lượng Ukraine vào một trận địa đã được lập ra sẵn.

Điều khiến chuyên gia Davis đặt ra hoài nghi là, trong những lần rút quân trước đó, Nga thường quyết định sau khi chịu áp lực từ các cuộc phản công quy mô lớn của Ukraine. Tuy nhiên, trong lần này, chưa có một trận đánh lớn nào diễn ra và lực lượng Ukraine vẫn chưa áp sát Nga, nhưng Moscow đã thông báo sẽ rút bớt quân.

Thông qua việc rút quân có trật tự, không trong tình trạng rối loạn, Nga có thể bảo toàn được toàn bộ lực lượng chiến đấu, bố trí toàn bộ thiết bị, đạn dược, năng lượng ở các khu vực mới tại bờ còn lại. Theo ông Davis, nếu Nga gia cố phòng tuyến dọc con sông Dnieper, Ukraine sẽ khó để có thể xuyên thủng trong thời gian tới.

Nếu Nga có kế hoạch mở đợt phản công lớn vào mùa đông, việc rút quân về để bảo toàn lực lượng có thể giúp Nga gia tăng năng lực tấn công ở Donbass, Kharkov vì phòng tuyến ở Kherson tương đối vững chắc, theo chuyên gia Davis.

Sau tuyên bố của Nga, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi đây là chiến thắng cho Ukraine, nhưng ông cảnh báo rằng Nga vẫn còn tiềm lực quân sự mạnh mẽ.

"Chúng ta không nên đánh giá thấp Nga, họ vẫn có năng lực quân sự mạnh. Chúng ta đã thấy các máy bay không người lái, tên lửa Nga (tập kích cơ sở hạ tầng Ukraine). Nó cho thấy Nga vẫn có thể gây ra thiệt hại lớn", ông Stoltenberg cho hay.

Theo 19fortyfive, trong thời gian tới, khi mùa đông lạnh giá tới gần, cả Nga và Ukraine có thể tạm giảm nhịp độ tác chiến. Tuy nhiên, Nga được dự đoán vẫn tiếp tục gia tăng chiến lược tập kích ồ ạt vào mục tiêu cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine để gia tăng áp lực lên phía Kiev. 

Đức Hoàng

Theo 19fortyfive, Newsweek, Sputnik

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine