1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine: Nguy cơ thành "Hy Lạp thứ 2"

Ukraine đang trước nguy cơ "nối gót" Hy Lạp ngay trong tháng 7 này khi các cuộc đàm phán tái cấu trúc nợ kéo dài suốt thời gian qua chưa đi đến thỏa thuận tích cực nào.

Gần đây nhất, trong cuộc gặp Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các chủ nợ tại Washington (Mỹ), yêu cầu của Kiev nhằm hủy bỏ 23 tỷ USD, tức 40% trong tổng số nợ hơn 50 tỷ USD mà nước này đang "sở hữu" đã bị bác bỏ. Đại diện cho các chủ nợ vẫn bảo lưu quan điểm chỉ gia hạn chứ không xóa nợ. Điều này có thể dẫn tới việc Ukraine vỡ nợ toàn diện khi không thể thanh toán các khoản trả lãi trái phiếu vào ngày 24-7.
 
Các nhà lãnh đạo Ukraine đau đầu với khoản nợ sắp đáo hạn.
Các nhà lãnh đạo Ukraine đau đầu với khoản nợ sắp đáo hạn.

Trong khi đó, với bối cảnh hiện nay, Ukraine khó lòng có thể trông chờ nhiều từ các "cứu cánh" bên ngoài mặc dù chỉ cách đây hơn 1 tháng, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) tại Latvia, Kiev vẫn còn nhận được những hứa hẹn khá hùng hồn từ Brussels dành cho các nước tham gia sáng kiến Đối tác phương Đông (EP) của EU.

Hồi đầu năm nay, Bộ Kinh tế Đức cũng thông báo sẽ cho Ukraine một khoản tín dụng trị giá 500 triệu euro; đồng thời khẳng định sát cánh hỗ trợ quốc gia này phát triển kinh tế, chính trị theo định hướng đúng đắn.

Tuy nhiên, diễn biến theo chiều hướng xấu của cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp và nguy cơ lần đầu tiên một thành viên EU ra khỏi Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đã khiến các nhà lãnh đạo Cựu lục địa không còn nhiều tâm trí để "đèo bòng" thêm một "Hy Lạp thứ 2". Trong khi đó, hầu bao của EU, vốn đã eo hẹp nhiều do hệ lụy của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khủng hoảng nợ kể từ năm 2009, khó có thể đáp ứng đòi hỏi "cơn khát" tiền kéo dài của chính quyền Ukraine.

Thực trạng cho thấy rằng, Ukraine hiện nay như một "chiếc thùng không đáy". Bất chấp việc Ngân hàng trung ương Ukraine đã đưa ra lãi suất 30% - mức cao nhất trên thế giới - nhưng đồng nội tệ hryvnia vẫn xuống dốc không phanh. Nếu đồng nội tệ mất giá thì công cuộc trả lãi nợ nước ngoài được dự báo còn khó khăn hơn rất nhiều do phần lớn số nợ phải trả bằng ngoại tệ.

Nhiều chuyên gia kinh tế không ngần ngại đánh giá, người dân Ukraine hiện còn nghèo hơn cả giai đoạn trước khi Liên Xô sụp đổ. Ngân khố quốc gia có nguy cơ trống rỗng; trong khi đó, tiền vẫn buộc phải chi cho quân đội đang hoạt động ở miền Đông. Ngoài nuôi hơn 6 vạn quân, Kiev còn vung tiền để mua sắm những loại vũ khí hiện đại, cải thiện hỗ trợ hậu cần và huấn luyện binh sĩ theo tiêu chuẩn phương Tây với sự giúp đỡ của các cố vấn nước ngoài để đối phó với các lực lượng đòi ly khai.

Đã hơn 1 năm kể từ khi chính quyền thân phương Tây của Tổng thống Petro Poroshenko được thành lập, thế nhưng, tình hình tại Ukraine không hề được cải thiện. Việc quá trông đợi vào sự hỗ trợ từ bên ngoài đã khiến những quốc gia từng được cho là hậu thuẫn cuộc cách mạng Maidan như Mỹ và EU dần cảm thấy ngán ngẩm. Nhất là khi bất ổn trong nội bộ chính quyền Ukraine ngày càng có dấu hiệu gia tăng.

Cách đây ít ngày, Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên và Sinh thái Ukraine Igor Shevchenko còn đưa ra tuyên bố khiến nhiều người choáng váng rằng, chính Thủ tướng nước này Arseniy Yatsenyuk là lực cản, trở ngại lớn nhất đối với tiến trình cải cách tại đất nước bên bờ Biển Đen khi không hành động vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia, mà là vì lợi ích cá nhân, lợi ích của các đối tác doanh nghiệp và các đồng minh chính trị. Tuyên bố được công khai sau khi Thủ tướng A.Yatsenyuk bổ nhiệm 4 thành viên của Cơ quan Chống tham nhũng quốc gia.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây đều là các nhân vật thân cận do ông A.Yatsenyuk chọn. Điều này là trái luật, vì nhân sự Cơ quan Chống tham nhũng quốc gia phải do các tổ chức dân sự có tiếng giới thiệu.

Chưa biết, độ chính xác của những cáo buộc nói trên như thế nào, tuy nhiên, những động thái "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" trong nội các Ukraine đang gợi lại cuộc tranh giành quyền lực sau Cách mạng Cam năm 2004, đẩy Ukraine vào cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài. Kiệt quệ về tài chính, bất đồng nội bộ và xung đột ở miền Đông đang có nguy cơ "nhấn chìm" đất nước từng một thời yên bình vào thập kỷ mất mát.
Theo Quỳnh Dương
Hà Nội mới