1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Ukraine nghi ngờ tín hiệu "bật đèn xanh" đàm phán hòa bình của Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng tuyên bố của Nga về việc sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán không phù hợp với thực tế vì, Moscow đang triển khai quân dự bị ở miền Nam Ukraine.

Ukraine nghi ngờ tín hiệu bật đèn xanh đàm phán hòa bình của Nga - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

"Nga tuyên bố nước này muốn đàm phán. Nhưng nếu Nga thực sự muốn chấm dứt chiến tranh, họ sẽ không tập hợp quân dự bị ở miền Nam Ukraine ở thời điểm này", Tổng thống Zelensky nói trong bài phát biểu hôm 3/8.

Ông Zelensky kêu gọi người Ukraine tiếp tục chiến đấu.

"Chúng ta cần chiến đấu, chúng ta cần đánh bại đối thủ trên lãnh thổ của chúng ta, chúng ta cần lan truyền thông tin về các lợi thế của Ukraine và giành được thành công cũng như chiến thắng cho Ukraine", Tổng thống Zelensky nói thêm.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, những tuyên bố của Nga về việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình chỉ là biện pháp "tung hỏa mù" nhằm kéo dài cuộc chiến. Ông Kuleba cho rằng Nga vẫn đang tập trung nguồn lực vào cuộc xung đột tại Ukraine.

Chiến sự Nga - Ukraine có xu hướng leo thang gần đây và mặt trận miền Nam Ukraine bắt đầu nóng trở lại với các cuộc phản công của Kiev. Ukraine bắt đầu chiến dịch phản công mạnh ở các thành phố phía Nam khoảng vài tuần trở lại đây sau khi được tiếp nhận thêm pháo hạng nặng của phương Tây.

Tuyên bố của các quan chức Ukraine được đưa ra trong bối cảnh Nga gần đây liên tục "bật đèn xanh" cho việc nối lại các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột với nước láng giềng.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 3/8 tuyên bố Nga đã sẵn sàng cho một thỏa thuận hòa bình với Ukraine và Kiev có thể chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra bất cứ lúc nào bằng cách chấp nhận các điều kiện của Moscow.

Ông Peskov cho biết, vào cuối tháng 3, Nga và Ukraine đã gần giải quyết được những khác biệt giữa hai nước theo cách mà Nga có thể chấp nhận được, nhưng dự thảo thỏa thuận được chuẩn bị trong cuộc họp ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ rốt cuộc không được Ukraine thực hiện.

Sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder nói rằng ông Putin đã sẵn sàng để nối lại các cuộc đàm phán ngoại giao với Ukraine.

"Tin tốt là Điện Kremlin muốn một giải pháp đối thoại. Thành công đầu tiên là thỏa thuận ngũ cốc, nó có thể dần mở đường cho thỏa thuận ngừng bắn", ông Schroeder cho biết.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine lập tức bác bỏ tuyên bố của cựu Thủ tướng Đức về giải pháp hòa bình với Nga sau khi hai nước đạt được thỏa thuận ngũ cốc. Ông Podolyak nói rằng nếu muốn đàm phán hòa bình, Nga trước tiên phải ngừng bắn và rút quân khỏi Ukraine.

Trước đó, hồi đầu tháng 7, ông Podolyak đã đưa ra những điều kiện để đạt thỏa thuận hòa bình với Nga gồm: Nga phải rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, công nhận quyền chủ quyền của Ukraine, trao trả tù binh và tuân thủ cơ chế bồi thường chiến tranh.

Các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine thông qua đàm phán cho đến nay vẫn rơi vào bế tắc khi hai bên không tìm được tiếng nói chung. Tại vòng đàm phán hồi tháng 3 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Kiev đã đề xuất một thỏa thuận về các cam kết an ninh dành cho Ukraine, đổi lại nước này sẽ chấp nhận trung lập. Tuy nhiên, giới chức Nga sau đó cáo buộc Ukraine rút lại các đề xuất ban đầu.

Nga tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass - nơi có hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Lugansk.

Theo Pravda
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine