1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine khát vũ khí gì của phương Tây?

(Dân trí) - Giới chức Ukraine gần đây liên tục "bắn" tin về nhu cầu được nhận viện trợ vũ khí của phương Tây. Kho vũ khí lạc hậu cùng những diễn biến bất lợi trên chiến trường miền Đông là hai nguyên nhân chính thúc đẩy mong muốn này của Kiev.

Ukraine khát vũ khí gì của phương Tây?
Chính quyền Kiev và phương Tây đang mắc phải sai lầm chiến lược khi có ý định quốc tế hóa cuộc xung đột vũ trang ở miền Đông Ukraine (Ảnh: Independent)

Thời gian gần đây, Mỹ và Ukraine tỏ ra phối hợp rất ăn ý trong kế hoạch đưa vũ khí của phương Tây đến chiến trường miền Đông, nơi quân đội Ukraine đang chật vật chống lại các phiến quân ly khai thân Nga.

Để dọn đường cho kế hoạch này, Mỹ đã tung ra một bản báo cáo mô tả sự thiếu thốn và tụt hậu khủng khiếp của quân đội Ukraine. Báo cáo nêu rõ: “Kho vũ khí mà quân đội Ukraine đang sở hữu trên thực tế đang ở trong tình trạng cực kỳ tồi tệ”. Nhận định này hiện có sức nặng nhất định tác động mạnh tới suy nghĩ và hành động của các nhà lãnh đạo phương Tây.

Mặc dù trước đây Ukraine là một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới nhưng nước này đang thiếu trầm trọng các hệ thống chiến đấu công nghệ cao có thể sánh bằng kho vũ khí của lực lượng ly khai mà phương Tây cho là do Mátxcơva hậu thuẫn.

Theo các nguồn tin, báo cáo trên do 3 tổ chức độc lập gồm Hội đồng Đại Tây Dương, Viện Brookings và Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago phối hợp thực hiện. Mặc dù nhìn bề ngoài đây là một văn kiện độc lập, nhưng vẫn không đủ để khẳng định là hoàn toàn không có bàn tay đạo diễn hay thao túng của một số chính phủ phương Tây. Hiện tại, cả Mỹ, Canada và một số nước đang để ngỏ ý định viện trợ vũ khí cho Ukraine để giúp quân đội nước này lật ngược thế cờ bất lợi trên chiến trường miền Đông. Vì thế, sự xuất hiện của báo cáo đang đặt ra những nghi vấn nhất định khi nó được coi là “tấm thẻ bài” cho việc các nước có thể vin vào để quyết định cung cấp vũ khí cho Kiev.

Tất nhiên, để mọi việc diễn ra hoàn hảo, Ukraine và phương Tây đang phối hợp diễn cảnh “nội hô, ngoại ứng”. Gần như cùng thời điểm bản báo cáo được công bố tại Washington, tại Kiev, Ngoại trưởng Ukraine Pavio Klimkin tái khẳng định nhu cầu được nhận vũ khí hỗ trợ của phương Tây. Trong phát biểu ngày 21/2, ông Klimkin đã lặp lại tuyên bố đưa ra trước đó (hôm 4/2) rằng điều Ukraine cần nhất hiện nay là những thiết bị tối tân để phục vụ cho một cuộc chiến tranh hiện đại, ám chỉ cuộc chiến chống lại lực lượng ly khai ở miền Đông đang được trang bị nhiều vũ khí hiện đại của Nga.

Vậy những vũ khí tối tân nào đang được Ukraine mong mỏi tìm kiếm? Theo tiết lộ của Ngoại trưởng Klimkin, đó là các máy radio bảo mật, thiết bị làm nhiễu sóng radio của phe ly khai, phương tiện vận tải quân sự, máy bay do thám không người lái và các hệ thống radar định vị súng cối, rocket và hỏa lực pháo binh.

Trong số các vũ khí trên, Nhà Trắng tuy không đáp ứng tất cả nhưng cũng đang xem xét viện trợ phần lớn.

Đầu tiên là các loại tên lửa chống tăng để đẩy lui các cuộc tiến công của quân ly khai được trang bị xe thiết giáp. Những loại tên lửa chống tăng mà Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine gồm có tên lửa chống tăng hạng nhẹ M-72, tên lửa chống tăng hiện đại AT-4 có tầm bắn hiệu quả 300m và tên lửa chống tăng hạng nặng Javelin có thể bắn được các trực thăng bay thấp.

Thứ hai là hệ thống radar giúp phát hiện kịp thời cá cuộc tấn công  và tăng cường độ chính xác khi tấn công mục tiêu. Trước đó, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hệ thống radar có thể phát hiện các vụ tấn công bằng đạn pháo. Châu Âu cũng đang xem xét cung cấp thêm hệ thống radar này cho Kiev.

Thứ ba là máy bay do thám không người lái. Thiết bị này giúp Ukraine dễ dàng hơn trong việc khoanh vùng mục tiêu và theo dõi việc di chuyển quân của đối phương ở vùng địa hình bằng phẳng rộng lớn tại Đông Ukraine. Dự kiến, loại máy bay có thể được cung cấp thuộc dòng Raven, sải cách 1,4m, có thể bay nhiều giờ và truyền hình ảnh về trạm mặt đất.

Thứ tư là xe bọc thép Humvee, loại phương tiện có thể sử dụng cơ động trong mọi điều kiện địa hình và thời tiết với độ an toàn cao mỗi khi cần di chuyển giữa các vị trí trên chiến trường.

Thứ năm là hệ thống thông tin liên lạc được mã hóa và máy phá sóng liên lạc của đối phương. Hiện tại, các đơn vị quân đội Ukraine liên lạc với nhau bằng hệ thống lạc hậu và rất dễ bị phe ly khai bắt sóng các cuộc điện đàm.

Cuối cùng là hệ thống các bệnh viện dã chiến với những trang thiết bị y tế hiện đại để kịp thời cứu sống những người bị thương. Theo thống kê, có tới 70% những trường hợp binh sĩ Ukraine bị thương là do trúng rocket và hỏa lực của các tay súng ly khai.

Ngoài những vũ khí trên do Mỹ đang xem xét cung cấp, một số nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đang cân nhắc phối hợp hỗ trợ hệ thống phòng không của Ukraine. Hiện tại Ukraine đang sử dụng hệ thống phòng không từ thời Liên Xô, vì thế cần sự hỗ trợ từ các hệ thống tương thích về mặt kỹ thuật từ các nước NATO cũng sử dụng hệ thống này. Việc triển khai một hệ thống phòng không tân tiến cho Ukraine cũng là một giải pháp được đặt ra nhưng để làm được sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian.

Trong tuyên bố thẳng thắn đưa ra đầu tháng này, Ngoại trưởng Ukraine thừa nhận Kiev “không thể giành phần thắng trong cuộc chiến với Nga… mà chỉ cần không thất bại trong cuộc chiến”. Tuy nhiên, việc  quốc tế hóa cuộc xung đột vũ trang vốn đã rất khốc liệt ở miền Đông Ukraine chắc chắn không phải là lựa chọn khôn ngoan cho Kiev. Chính phủ Ukraine có thể an tâm phần nào khi nhận được viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự nước ngoài nhưng đây chỉ là cảm giác an toàn tạm thời vì Nga, với kho vũ khí thuộc hàng hiện đại nhất thế giới và lại ở vị trí sát sườn Ukraine, chắc chắn sẽ không ngồi yên để mặc Ukraine và phương Tây tùy ý cấu kết hành động.

Vậy cách thức tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay là phải nhìn nhận và đánh giá vấn đề trong khuôn khổ rộng lớn hơn. Phương Tây cần hiểu rõ mong muốn và quyết tâm chính đáng của Mátxcơva trong việc bảo vệ sức mạnh của “gấu Nga”. Ngược lại, Điện Kremlin cũng phải phát huy tối đa ảnh hưởng của mình để giúp nhanh chóng kiềm chế cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và tạo thuận lợi cho Kiev tiến hành các bước đi theo đúng thỏa thuận hòa bình Minsk 2. Bằng cách làm này, Nga sẽ khiến Mỹ và NATO không còn cớ tiếp tục can thiệp sâu vào tình hình bất ổn Ukraine và không thể áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Về phần mình, Kiev cần hành xử hết sức khôn ngoan và khéo léo trong việc cân bằng quan hệ giữa Nga và phương Tây để tránh nguy cơ trở thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa hai thế lực Đông-Tây.

Đức Vũ