1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ukraine gặp "bài toán khó" với lá chắn phòng không trong chiến sự với Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định, số lượng tổ hợp phòng không NATO chuyển cho Ukraine chưa thể bù đắp được số lượng lá chắn của Kiev bị Nga loại khỏi vòng chiến đấu trong gần 7 tuần qua.

Ukraine gặp bài toán khó với lá chắn phòng không trong chiến sự với Nga - 1

Hệ thống S-300 của Slovakia chụp năm 2009 (Ảnh: Wikipedia).

Slovakia tuần trước trở thành quốc gia đầu tiên viện trợ một hệ thống phòng không S-300 có từ thời Liên Xô cho Ukraine, trong bối cảnh giới lãnh đạo Kiev nhấn mạnh sự cần thiết của việc cần phương Tây viện trợ thêm vũ khí để có thể đối phó chiến dịch quân sự của Nga.  

Tuy nhiên, chỉ riêng hệ thống của Slovakia là không đủ để bổ sung mạng lưới phòng không đã bị phá hủy của Ukraine. Khi Kiev đang chuẩn bị đối mặt với những diễn biến chiến sự mới ở Donbass, Đông Ukraine, họ nhấn mạnh sự cần thiết của việc phải bảo vệ không phận và tầm quan trọng của sự hỗ trợ của phương Tây trong việc này.

Bộ Quốc phòng Slovakia xác nhận với Newsweek rằng, họ đã gửi một hệ thống S-300 tới Ukraine. Đây là lá chắn Slovakia được kế thừa sau khi Tiệp Khắc giải thể vào năm 1993. Việc chuyển giao được tạo điều kiện thuận lợi bởi Đức và Hà Lan.

Ukraine được cho là đã có khoảng 100 khẩu đội S-300 trước khi chiến dịch quân sự bắt đầu, gồm tổng cộng khoảng 300 bệ phóng. Các dữ liệu tình báo nguồn mở cho thấy, Kiev dường như đã mất ít nhất 21 bệ phóng - tương đương với 7 khẩu đội.

Diễn biến này khiến giới lãnh đạo Ukraine lo ngại, vì chiến sự càng kéo dài, sẽ có thêm các lá chắn phòng không bị phá hủy. Ngoài ra, Ukraine cũng đối mặt với nguy cơ cạn kiệt tên lửa để triển khai các tổ hợp nói trên.

Phía Nga tuyên bố đã phá hủy tổ hợp S-300 của Slovakia trong vụ phóng tên lửa vào mục tiêu ở Dnipro, tuy nhiên phía văn phòng Thủ tướng Slovakia Eduard Heger nói rằng đây là thông tin chưa chính xác.

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự, các quan chức Ukraine đã kêu gọi phương Tây lập vùng cấm bay trên không phận nước này nhưng bị từ chối vì NATO lo ngại đối đầu trực tiếp với lực lượng Nga. Lời đề nghị chuyển các tiêm kích MiG-29 tới Ukraine cũng bị NATO khước từ với lý do tương tự. Việc chuyển các hệ thống phòng không tầm xa có thể là phương án an toàn hơn nhằm tránh leo thang căng thẳng với Nga.

Tuần trước, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã đến Bỉ để gặp những người đồng cấp ở các nước thành viên NATO. Trong số các đề nghị về trang bị vũ khí của ông Kuleba có "hệ thống phòng không hạng nặng" như S-300.

Hy Lạp và Bulgaria cũng sở hữu các tổ hợp S-300 về lý thuyết có thể được gửi tới Ukraine. Tuy nhiên, việc này sẽ làm suy giảm khả năng sẵn sàng tác chiến của các quốc gia này. Cả Athens và Sofia đều chưa phát đi tín hiệu về việc chuyển giao S-300 của họ cho Ukraine.

Kể từ khi chiến sự nổ ra, Ukraine đã nhận được 25.000 vũ khí phòng không di động từ phương Tây, nhưng các hệ thống vác vai này không thể tiếp cận được mục tiêu ở tầm cao như S-300 và các lá chắn khác. Các vũ khí trên cũng không chặn được tên lửa đạn đạo của Nga, vốn đã phá hủy hàng loạt mục tiêu quân sự của Ukraine trong thời gian qua.  

Nhờ chiếm ưu thế trên không, máy bay Nga hoạt động áp đảo máy bay của Ukraine. Tuần trước, Lầu Năm Góc nói rằng Nga đã điều động máy bay làm 250 nhiệm vụ mỗi ngày, trong khi Ukraine chỉ có 5-10 nhiệm vụ/ngày.

Các hoạt động gần đây của Nga tập trung ở phía Đông và Nam Ukraine, nơi Nga được cho đang chuẩn bị cho "trận đánh lớn".

"Nga đã tập trung khá nhiều máy bay ở khu vực đó", Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, nói với Newsweek về khu vực phía Đông. Ông Zagorodnyuk cho biết, các hệ thống phòng không sẽ tạo ra sự khác biệt cho cán cân quân sự ở phía Đông, nếu Ukraine có thể triển khai chúng kịp thời.

Andriy Ryzhenko, cựu phó tham mưu trưởng hải quân Ukraine, nói với Newsweek rằng S-300 của Slovakia sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn, nhưng "có còn hơn không".

Ông Ryzhenko nhận định, sức mạnh không quân của Nga là vấn đề lớn nhất của Ukraine hiện tại.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm