1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine dự báo tình hình chiến sự năm 2025

Thành Đạt

(Dân trí) - Ukraine có thể sẽ cần thêm 12-15 tỷ USD hỗ trợ tài chính từ nước ngoài vì xung đột khó có thể kết thúc vào năm 2025.

Ukraine dự báo tình hình chiến sự năm 2025 - 1

Lính Ukraine khai hỏa ở Kharkov (Ảnh: Getty).

Theo Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergey Marchenko, Kiev có khả năng phải đối mặt với tình trạng bất ổn và thách thức vào năm 2025 khi nguồn hỗ trợ tài chính từ nước ngoài dự kiến tiếp tục giảm.

"Năm 2025 sẽ khó khăn hơn. Đây là năm bất ổn, năm của những quyết định có thể không hiệu quả", ông Marchenko cho biết.

Ông Marchenko tuyên bố Ukraine "sẵn sàng cho những quyết định khó khăn nhất" và nên "dựa vào chính mình", đồng thời thừa nhận để duy trì cuộc sống và có thể tiếp tục "chiến đấu", Kiev sẽ cần thêm 12-15 tỷ USD "vốn đệm" từ phương Tây vào năm 2025.

"Bây giờ chúng tôi liên tục thảo luận với các đối tác rằng chúng tôi cần thêm sự đảm bảo tài chính vì cuộc chiến sẽ tiếp tục vào năm 2025 và chúng tôi cần có một khoản đệm", Bộ trưởng Marchenko cho biết. Theo ông, các cam kết hiện tại từ các đối tác của Ukraine vẫn chưa đủ.

Trước đó, Reuters dẫn một số nguồn tin ngoại giao ngày 3/7 cho hay, các nước thành viên NATO đã nhất trí viện trợ quân sự 40 tỷ euro (hơn 43 tỷ USD) cho Ukraine trong năm tới.

Tổng thư ký NATO đã yêu cầu các đồng minh thực hiện cam kết nhiều năm để duy trì viện trợ quân sự cho Kiev ở mức tương đương kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Con số này khoảng 40 tỷ euro mỗi năm.

Theo một nhà ngoại giao, ban đầu các quốc gia thành viên không ủng hộ kế hoạch của lãnh đạo NATO về hỗ trợ Kiev nhiều năm liền, nhưng sau đó, họ chấp nhận với điều kiện đánh giá lại đóng góp của các đồng minh tại các hội nghị thượng đỉnh NATO hàng năm.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuần trước cho biết, Mỹ có thể ngừng viện trợ cho Ukraine trong tương lai, đặc biệt là khi có sự thay đổi về chính quyền. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken cũng nhắc lại thỏa thuận an ninh mà Ukraine đã ký kết với Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Mỹ là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng hồi tháng 2/2022. Hiện tại, có nhiều ý kiến lo ngại rằng Washington sẽ cắt viện trợ cho Kiev nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử.

Ông Trump nhiều lần tuyên bố có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ bằng cách buộc hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Theo kế hoạch, ông cảnh báo sẽ cắt viện trợ cho Ukraine nếu nước này từ chối đàm phán. Ngược lại, nếu Nga từ chối đàm phán, Mỹ sẽ cấp nhiều vũ khí hơn cho Ukraine.

Vào tháng 6, các đồng minh đã quyết định rằng NATO sẽ đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc điều phối cung cấp vũ khí cho Ukraine, thay thế Mỹ, để tránh những ảnh hưởng nếu ông Trump tái đắc cử.

Theo RT