1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Australia công bố gói viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Gói viện trợ mới của Australia cho Ukraine sẽ bao gồm tên lửa phòng không, vũ khí không đối đất và chống tăng, cũng như đạn pháo.

Australia công bố gói viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine - 1

Đến nay, Australia đã viện trợ hơn 1,1 tỷ USD cho Ukraine (Ảnh: ABS).

Chính phủ Australia ngày 12/7 công bố gói hỗ trợ quân sự lớn nhất từ trước đến nay của nước này cho Ukraine, trị giá gần 250 triệu USD.

Bộ Quốc phòng Australia cho biết, gói viện trợ sẽ bao gồm tên lửa phòng không, vũ khí không đối đất (bao gồm cả loại dẫn đường) và chống tăng, cũng như đạn pháo và đạn cho súng cối, đại bác và vũ khí nhỏ.

Gói viện trợ mới này nâng tổng giá trị viện trợ quân sự của Australia dành cho Ukraine hơn 2 năm qua lên hơn 1,1 tỷ USD.

Các đồng minh và đối tác đang tăng cường viện trợ cho Ukraine khi cuộc xung đột với Nga đã kéo dài hơn 2 năm. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington, Mỹ, các thành viên của NATO nhất trí cung cấp 40 tỷ euro cho Kiev trong năm 2025. Liên minh này cam kết sẽ hỗ trợ Ukraine tăng cường năng lực phòng không.

Mỹ trong tuần này công bố gói viện trợ 225 triệu USD cho Ukraine, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tiên tiến.

Gói viện trợ còn bao gồm tên lửa vác vai Stinger, đạn cho hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), đạn pháo 105mm và 155mm cùng nhiều loại đạn khác.

Tuần trước, Washington cam kết cung cấp vũ khí trực tiếp trị giá 150 triệu USD, bao gồm tên lửa đánh chặn phòng không, pháo và các loại vũ khí chống tăng. Mỹ cũng tuyên bố hỗ trợ 2,2 tỷ USD cho Quỹ Hỗ trợ An ninh Ukraine, để đặt hàng các hệ thống vũ khí dài hạn, như tên lửa phòng không Patriot và NASAMS.

Mỹ là nước viện trợ chi phí quân sự nhiều nhất cho Ukraine. Kể từ năm 2022, Washington đã cung cấp hơn 50 tỷ USD viện trợ, nhưng hoạt động này đã bị đình trệ từ cuối năm ngoái.

Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần kêu gọi các đồng minh, đối tác, đặc biệt là Mỹ, đẩy nhanh viện trợ và dỡ bỏ mọi hạn chế đối với Kiev trong việc sử dụng vũ khí để tập kích vào lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 11/7 phát tín hiệu rằng Mỹ không có kế hoạch nới lỏng các hạn chế đó.

"Chúng tôi đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ trong thời gian ngắn và gần biên giới Nga. Nếu Ukraine có khả năng tấn công Moscow, tấn công Điện Kremlin, điều đó có hợp lý không? Không", ông Biden nhấn mạnh.

Về phía Anh, Ngoại trưởng David Lammy cho biết nước này tiếp tục xem xét đề nghị của Ukraine về việc triển khai tên lửa tầm xa Storm Shadow do Anh cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga. Ngoài ra, ông không cung cấp thêm chi tiết.

Trước đó, Telegraph dẫn nguồn thạo tin cũng khẳng định Ukraine chưa nhận được sự cho phép sử dụng tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.

Theo TASS
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine