1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine đẩy Nga vào thế phòng thủ ở Biển Đen

Quốc Đạt

(Dân trí) - Những con tàu thương mại lần đầu tiên đã trở lại các cảng Ukraine tại Odesa kể từ khi giao tranh xảy ra mà không cần sự cho phép từ Nga. Điều này cho thấy thế cân bằng đã thay đổi tại Biển Đen.

Ukraine đẩy Nga vào thế phòng thủ ở Biển Đen - 1

Một buổi diễu binh của Hải quân Nga tại Sevastopol, Crimea vào tháng 7/2021 (Ảnh: Reuters).

Bằng cách dùng chiến lược giao tranh phi đối xứng, tập trung dùng xuồng tự sát và tên lửa tự chế để nhắm bắn tàu Nga ngay tại căn cứ, Ukraine đã làm suy yếu phần lớn vị thế ưu việt của đối phương.

"Để đảm bảo an ninh của chúng ta trong hiện tại và tương lai, chúng ta phải bảo vệ bờ biển của mình ngay tại bờ biển của đối thủ", Tư lệnh Hải quân Ukraine, Chuẩn đô đốc Oleksiy Neizhpapa nói trong một buổi phỏng vấn. "Đây là cách tiếp cận mà chúng tôi đang cố gắng thực hiện từng chút một".

Chiến lược phi đối xứng

Bị Hạm đội Biển Đen Nga áp đảo về số lượng gấp 12 lần, Hải quân Ukraine không phải là lực lượng đáng nói khi xung đột bùng nổ vào tháng 2/2022. Ukraine đã phải cấp tốc tự đánh chìm tàu khu trục soái hạm của mình, khi đó đang sửa chữa ở Mykolaiv, để nó không rơi vào tay đối phương.

Tại Odesa, các cảng dừng hoạt động. Đứng từ trên bờ, người dân địa phương có thể nhìn thấy tàu chiến của Nga bằng mắt thường.

Nhưng lúc này, tàu chiến Nga không còn lai vãng phần tây bắc Biển Đen do e ngại tên lửa phòng thủ bờ biển và bãi mìn dày đặc của Ukraine. Chính Hạm đội Biển Đen của Nga cũng chịu tổn thất sau các cuộc tập kích của Ukraine.

Trong những tuần gần đây, Ukraine đã tăng cường tần suất tấn công các tàu chiến Nga ở ngoài biển và tại các cảng căn cứ Sevastopol và Novorossiysk. Hôm 22/9, tên lửa Ukraine rơi xuống trụ sở Hạm đội Biển Đen ở Crimea trong vụ tấn công mà theo quan chức Kiev là đã khiến 2 vị tướng Nga bị thương nặng.

Ukraine đẩy Nga vào thế phòng thủ ở Biển Đen - 2

Khói bốc lên sau khi tên lửa Ukraine tập kích thành phố Sevastopol (Ảnh: Zuma Press).

Trước đó nữa, Ukraine tập kích tên lửa vào ụ tàu ở Sevastopol, gây thiệt hại cho 1 trong 6 tàu ngầm lớp Kilo được Nga vận hành ở Biển Đen và 1 tàu đổ bộ lớn lớp Ropucha mà Nga dự định sử dụng để đổ bộ Odesa.

Giới phân tích quân sự cho rằng, việc ụ tàu bị thiệt hại chắc chắn sẽ làm phức tạp các hoạt động của Hải quân Nga trong những tháng tới. Ngoài hải quân Ukraine, lực lượng không quân và đặc nhiệm của tình báo quân đội GUR và cơ quan an ninh SBU đều tham gia sâu vào chiến lược của Kiev ở Biển Đen.

Một số loại xuồng tự sát tầm xa do Ukraine tự sản xuất cũng đã mang lại năng lực tấn công mới vào thời điểm Kiev không thể triển khai các tàu chiến thông thường cỡ lớn.

"Rõ ràng các phương tiện không người lái là thứ gây ra căng thẳng cho đối phương, khiến họ không cảm thấy an toàn ngay tại chính cảng căn cứ", Chuẩn tướng Neizhpapa nói.

Rắc rối của Nga

Căng thẳng ở Biển Đen bước vào giai đoạn mới trong tháng 7, sau khi Nga chấm dứt thỏa thuận do Liên Hợp Quốc làm trung gian cho phép Ukraine xuất khẩu 33 triệu tấn thực phẩm bằng tàu do Nga kiểm tra.

Sang tháng 8, Ukraine dùng xuồng tự sát tập kích tàu chở dầu Sig của Nga - con tàu từng tiếp tế cho lực lượng của Moscow ở Syria - tại phía nam eo biển Kerch, đồng thời tuyên bố tất cả cảng lớn của Nga tại Biển Đen là "vùng có nguy cơ giao tranh".

Danh sách các cảng này bao gồm Novorossiysk, cảng thương mại lớn nhất của Nga và là cửa ngõ quan trọng cho nguồn thu chính của đất nước là xuất khẩu dầu mỏ.

Ukraine đẩy Nga vào thế phòng thủ ở Biển Đen - 3

Hình ảnh soái hạm Hetman Sahaidachny (U130) của Hải quân Ukraine bị đánh đắm ở Mykolaiv ít lâu sau khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" (Ảnh: Twitter/@GrangerE04117).

Sau khi thỏa thuận ngũ cốc đổ bể, quân đội Ukraine hồi tháng 8 đã đơn phương công bố hành lang cho tàu dân sự ra vào Odesa, thông qua hành trình ôm sát bờ biển Romania và Bulgaria. Đến nay, 5 tàu bị mắc kẹt từ trước đã rời cảng Odesa qua hành lang này, và 2 tàu khác đã bốc ngũ cốc từ đây chở tới châu Phi, theo Reuters.

Diễn biến trên trở nên khả thi nhờ Kiev có năng lực quân sự mới có thể tập kích các cảng của Nga, như tên lửa tự chế Neptune, theo giới chức Ukraine.

"Phía Nga phải nhận ra rằng đây không còn là con đường một chiều nữa mà cả hai bên đều có thể chơi trò chơi này", Dmytro Barinov, Phó giám đốc điều hành Cơ quan Cảng biển Ukraine, cho biết. "Nếu anh không chạm vào tôi, chúng tôi sẽ không chạm vào anh".

Ngoài tập kích bằng xuồng tự sát, đặc nhiệm Ukraine cũng dùng xuồng nhỏ để thực hiện một loạt cuộc đột kích trong những tuần gần đây. Họ đã dỡ bỏ thiết bị giám sát điện tử do Nga triển khai trên các dàn khoan khí đốt ở phía tây Crimea. Một đội khác cũng thoáng đổ bộ lên bờ phía tây Crimea để phá hoại hệ thống phòng không của Nga.

"Ukraine đã dần lấy lại thế chủ động và chuỗi chiến thắng nhỏ về mặt chiến thuật này đã bắt đầu góp phần tạo nên thành công về mặt chiến dịch và thậm chí là chiến lược", Michael Petersen, Giám đốc sáng lập Viện Nghiên cứu Hàng hải Nga tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho biết.

Video của kênh YouTube AiTelly cho thấy cấu tạo chiếc xuồng không người lái tự sát từng được Ukraine dùng để tấn công tàu chiến Nga ở Biển Đen. (Video: YouTube/AiTelly).

Dù là cường quốc hải quân, Nga hiện không thể bù đắp tổn thất ở Biển Đen bằng tàu từ các hạm đội khác vì Thổ Nhĩ Kỳ, nước NATO kiểm soát eo biển giữa Biển Đen và Địa Trung Hải, đã cấm các tàu tham chiến đi qua từ tháng 2/2022, thực thi Công ước Montreux năm 1936.

Hiện tại, một khu vực có diện tích gần 25.000km2 ở phía tây bắc Biển Đen đã trở thành vùng đất không người. Chỉ các tàu tốc độ cao kích thước nhỏ, khó bị tên lửa tấn công, và tàu dân sự mới dám tiến vào, Chuẩn đô đốc Nezhpapa nói.

Nga hiện vẫn duy trì ưu thế trên không tại đây nhưng ông Neizhpapa cho rằng tình trạng này sẽ chấm dứt sau khi Ukraine nhận được máy bay chiến đấu F-16 trong những tháng tới.

Không giống các chiến đấu cơ lỗi thời của Ukraine, F-16 sở hữu radar có thể xác định máy bay Nga và được trang bị tên lửa có thể tiêu diệt đối phương trong các cuộc đối đầu trên không.

"Tôi có thể đảm bảo với bạn, nếu F-16 chỉ đơn giản là tuần tra phía trên Odesa, sẽ không có chiếc máy bay Nga nào ở phía tây bắc Biển Đen", ông Neizhpapa khẳng định.

Theo Wall Street Journal