Ukraine đẩy mạnh tập kích sâu, quyết cắt đứt huyết mạch kinh tế của Nga
(Dân trí) - Số vụ tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) vào các trung tâm dầu mỏ và nhà máy lọc dầu của Nga đã gia tăng trong những tuần gần đây, đe dọa hoạt động xuất khẩu năng lượng của nước này.
Sáng 25/1, nhà chức trách phát hiện vụ cháy tại nhà máy lọc dầu lớn thuộc sở hữu của Rosneft tại thị trấn Tuapse phía nam nước Nga. Vụ việc bị nghi do đòn tập kích của UAV gây ra.
Theo Moscow Times, đây là vụ tấn công lần thứ 4 nghi do UAV thực hiện nhằm vào các cơ sở hạ tầng dầu khí của Nga trong tuần qua.
Ngành xuất khẩu dầu mỏ và năng lượng là huyết mạch quan trọng của nền kinh tế Nga, chiếm khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước. Theo Statista, Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới, chiếm hơn 12% sản lượng dầu thô toàn cầu.
"Vấn đề tại các nhà máy lọc dầu của Nga đã trở nên mang tính hệ thống", Anton Gerashchenko, cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, viết trên mạng xã hội X ngay sau vụ cháy ở Tuapse.
Liên tiếp tập kích
Trong tháng này, cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga dường như được UAV chú ý nhiều hơn.
Vào ngày 18/1, UAV Ukraine tập kích một cảng dầu ở St. Petersburg, cách biên giới Ukraine gần 1.000km, đánh dấu lần đầu tiên UAV nhắm vào thành phố quê nhà của ông Putin.
Ba ngày sau, Ukraine tiếp tục phóng UAV tấn công cảng xuất khẩu khí đốt lớn - nhà máy ngưng tụ khí đốt Novatek PJSC ở cảng Ust-Luga, gần thành phố St. Petersburg - gây ra đám cháy lớn và khiến hoạt động cung cấp nhiên liệu bị đình trệ.
Theo Kyiv Post, Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công vào Ust-Luga - cảng biển Baltic lớn nhất của Nga.
Trích dẫn dữ liệu trong ngành, Bloomberg nhận định, nếu tập kích thành công 2 kho dầu lớn của Nga ở biển Baltic là Ust-Luga và Primorsk, Ukraine có thể khiến Nga ngừng xuất khẩu 1,5 triệu thùng dầu/ngày, gây thiệt hại hàng tỷ USD.
Lượng dầu hàng ngày được vận chuyển qua 2 kho cảng dầu này chiếm hơn 40% tổng lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Moscow trung bình từ tháng 1 đến tháng 11/2023, theo Bloomberg.
Ông Gerashchenko chỉ ra rằng, tính đến thời điểm ngày 25/1 đã có ít nhất 6 vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga. Ngày 9/1, máy bay không người lái đã tấn công xe téc tại kho dầu Oryolnefteprodukt ở tỉnh Oryol của Nga.
Vào ngày 19/1, UAV cỡ nhỏ đã gây ra vụ cháy quy mô lớn tại kho dầu ở Klintsy, tỉnh Bryansk. Ông Gerashchenko cho rằng đây là "trung tâm trung chuyển quan trọng vận chuyển nhiên liệu và chất bôi trơn phục vụ nhu cầu của quân đội Nga".
Mục tiêu chiến lược
Theo Forbes, các cuộc tấn công gần đây vào cơ sở hạ tầng nhiên liệu của Nga dựa trên nguyên tắc gây nổ thứ cấp bằng mẫu máy bay không người lái cỡ nhỏ, giá rẻ.
Tuy UAV cỡ nhỏ không thể mang theo nhiều thuốc nổ như tiêm kích, nhưng với khả năng nhắm mục tiêu tốt, chúng có thể tấn công các kho dự trữ đạn dược hoặc nhiên liệu. Đối với loại mục tiêu này, UAV vẫn có khả năng gây ra vụ nổ thứ cấp để phá hủy chúng, dù chỉ mang theo lượng nhỏ thuốc nổ.
Một kênh Telegram thân Nga cho biết, ngay trước vụ nổ ở Ust-Luga, lực lượng phòng không đã bắn hạ UAV mang theo 3kg chất nổ.
Trên X, kênh tình báo nguồn mở Tendar chỉ ra rằng, Nga chỉ có 5 đường ống chiến lược lớn dẫn ra các cảng biển, gồm 3 ở Baltic và 2 ở Biển Đen. Các đường ống khác của Nga đi qua Ukraine hoặc các nước NATO nên sẽ chịu lệnh trừng phạt. Cho tới nay, 2 trong số 5 cảng biển nói trên đã bị tấn công.
Forbes đánh giá rằng, số lượng lớn cơ sở dầu khí của Nga nằm trong tầm tập kích của Ukraine và việc bảo vệ tất cả là không thể. Hơn nữa, các hệ thống phòng không hiện tại của Nga chưa hiệu quả trước máy bay không người lái cỡ nhỏ.
"Đây sẽ là vấn đề đau đầu đối với hoạt động quân sự của Nga. Các cuộc tấn công hiện tại vẫn có quy mô nhỏ, sử dụng số ít máy bay không người lái nhưng đã gây ra thiệt hại đáng kể", Tendar viết. "Khi Ukraine bắt đầu tấn công hàng loạt các cảng, phòng không Nga sẽ không thể ngăn chặn kết cục, ngay cả khi tiêu diệt 99% số UAV".