Ukraine đang mất dần niềm tin vào phương Tây?
(Dân trí) - Trong khi nhiều người dân ở Anh và Mỹ vẫn coi Nga là mối đe dọa thì sự ủng hộ của họ đối với hành động quân sự chống lại Moscow ở Ukraine đang giảm sút.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: AFP).
Cam kết của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch tranh cử về việc sẽ chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine trong vòng 24h sau khi nhậm chức đã không thành hiện thực.
Tuy nhiên, sau các cuộc trò chuyện của ông với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã làm dấy lên nhiều kỳ vọng về một giải pháp có thể nằm trong kế hoạch.
Ba năm sau cuộc xung đột, ông Zelensky lập luận rằng Tổng thống Putin không sẵn sàng cho hòa bình và chỉ bằng cách gia tăng áp lực lên Moscow mới có thể ngăn chặn được chiến tranh tiếp diễn.
"Ngay bây giờ, chúng ta cần sự đoàn kết và hậu thuẫn của tất cả các đối tác để đấu tranh cho một kết cục công bằng trong cuộc chiến này", ông Zelensky tuyên bố vào tuần trước.
Thế nhưng, theo một kết quả thăm dò mới nhất, nhiều người Ukraine lại cho rằng tinh thần đoàn kết và những hỗ trợ như vậy từ các nước đồng minh phương Tây đang sụt giảm.
Cụ thể, chưa tới một nửa người dân Ukraine được khảo sát tin rằng Mỹ hoặc các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), chứ đừng nói đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã hành động đủ mạnh để giúp đỡ Ukraine.
Những thứ mà Ukraine mong muốn nhất là có thêm vũ khí, xe tăng và thiết bị quân sự, tiếp đến là tư cách thành viên NATO và áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm ngặt hơn đối với Nga. Tuy nhiên, có rất ít hy vọng những điều này sẽ xảy ra.
Trong bài viết đăng tải trên Telegraph, nhà phân tích chính trị Michael Ashcroft cho rằng, nếu niềm tin của Ukraine vào phương Tây đang suy yếu, điều đó có lý do chính đáng. Những ngày mà quốc kỳ Ukraine tung bay trên các ngôi nhà và công trình công cộng đã qua lâu rồi.
Từ năm 2023, tỷ lệ người Mỹ nói rằng họ đã làm quá nhiều cho Ukraine, cả về viện trợ nhân đạo và quân sự đã tăng lên đáng kể. Ở nước Anh, con số này đã tăng gấp đôi trong cùng thời kỳ.
Gần một nửa số cử tri ủng hộ ông Trump cho rằng Mỹ đã làm quá nhiều trên mặt trận quân sự. Ở cả hai bờ Đại Tây Dương, dư luận cũng đã chuyển từ việc theo đuổi đến cùng chiến thắng cho Ukraine, sang hướng thỏa hiệp.
Sau 3 năm chiến tranh khốc liệt với hàng trăm nghìn người thiệt mạng, người dân Ukraine đã quá mệt mỏi và khó có thể tìm thấy sự lạc quan. Chưa tới 1/4 người dân Ukraine cho rằng nhiệm vụ bảo vệ đất nước của họ đang tiến triển thành công, giảm rất sâu so với mức 85% của 2 năm trước.
Như vậy, trong 3 năm, phương Tây đã không thực hiện được tuyên bố bảo vệ Ukraine "bằng mọi giá" như họ từng mạnh mẽ khẳng định.