Ukraine có thể mất thành trì quan trọng trước khi nhận vũ khí phương Tây
(Dân trí) - Ukraine có thể phải từ bỏ một số thành trì quan trọng trước khi nhận được gói viện trợ gần 61 tỷ USD của Mỹ.
Lực lượng Nga đã giành thêm những bước tiến đáng kể sau khi kiểm soát thành trì Avdiivka hồi tháng 2 và đang tiếp tục tấn công vào thị trấn Chasiv Yar, một khu định cư cách đó khoảng 65km về phía bắc.
Việc Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ gần 61 tỷ USD cuối tuần qua có thể coi là liều thuốc nâng cao tinh thần cho quân đội Ukraine sau chuỗi thất bại đó.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Kiev phải đương đầu với một đối thủ có lợi thế gấp 10 lần về mặt hỏa lực pháo binh, Washington sẽ phải hành động gấp rút hơn.
Cựu chiến binh Ukraine Viktor Kovalenko đồng thời là chuyên gia phân tích, cho biết: "Lô viện trợ này chắc chắn sẽ giúp ích cho người Ukraine, nhưng thật không may, nó không mang tính quyết định liệu Ukraine có giành chiến thắng, hoặc sớm giành chiến thắng, trong cuộc xung đột này hay không".
"Dù được trang bị gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD của Mỹ, Ukraine vẫn thiếu nhiều điều kiện tiên quyết để giành ưu thế trong một cuộc chiến, bao gồm cả đào tạo nhân lực và động lực chiến đấu", ông Kovalenko lập luận.
Chuyên gia này chia sẻ thêm: "Nếu không huy động, đào tạo thêm binh lính cũng như tích cực đấu tranh để giành lại lãnh thổ, Kiev đứng trước nguy cơ lãng phí viện trợ này của Mỹ cho các hoạt động phòng không và tấn công tầm xa".
Politico dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết có khả năng Mỹ đã sớm chuẩn bị kế hoạch đẩy nhanh quá trình chuyển giao gói viện trợ. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder, khẳng định: "Có một mạng lưới hậu cần cực kỳ mạnh mẽ cho phép chúng tôi chuyển hàng viện trợ nhanh chóng, thậm chí chỉ trong vài ngày".
Theo Financial Times, một số hàng viện trợ của Mỹ, bao gồm vũ khí và đạn dược, đã được đóng gói tại các kho ở Ba Lan cũng như một số nơi khác ở châu Âu và đều đã sẵn sàng để vận chuyển.
Ông Bill Keating, Nghị sĩ đảng Dân chủ bang Massachusetts, phát biểu trong một cuộc họp báo ở Kiev ngày 22/4: "Đợt viện trợ quân sự đầu tiên của Mỹ sẽ được chuyển giao sớm hơn mọi người nghĩ".
Tuy nhiên, cựu Thiếu tướng Quân đội Australia Mick Ryan cũng lưu ý thêm: "Toàn bộ khoản viện trợ của Mỹ sẽ cần thời gian để triển khai chứ không thể hoàn tất chuyển giao trong một lần".
Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Nga ngày 22/4 tuyên bố quân đội nước này đã kiểm soát được làng Novomykhailivka, khu vực nằm giữa Marinka và Vuhledar, nhưng Ukraine khẳng định vẫn kiểm soát một phần.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cùng ngày cho biết lực lượng Moscow gần đây đã tiến vào khu vực biên giới hành chính giữa hai tỉnh Donetsk - Zaporizhia.
Ông Kovalenko nhận xét Nga đang tập trung mở rộng quyền kiểm soát ở khu vực miền Đông Ukraine và chiến lược này đang cho thấy tính hiệu quả.
Zev Faintuch, chuyên gia phân tích tình báo cấp cao của công ty an ninh Global Guardian, cho biết trong khi Kiev chờ viện trợ đến, mặt trận Avdiivka có thể xem là nơi dễ bị tổn thương nhất.
"Trong những tuần tới, Ukraine có thể sẽ phải rút lui về khu vực có khả năng phòng thủ tốt hơn. Họ có lẽ sẽ tận dụng lợi thế tự nhiên của sông Vovcha và các hồ chứa lớn", ông Faintuch lập luận.
Tuy nhiên, ông Faintuch cũng dự đoán dòng viện trợ của Mỹ có thể cập bến Ukraine kịp thời. "Ở giai đoạn này, Kiev vẫn có thể tạm nhường quyền kiểm soát lãnh thổ để câu giờ, không bên nào đạt được mục tiêu đã đề ra".
"Ukraine sẽ cố gắng tiếp tục cô lập bán đảo Crimea, đồng thời tấn công cơ sở hạ tầng công nghiệp và dầu mỏ của Nga cũng như các kho cung ứng. Moscow sẽ tiếp tục giành thêm Donbass", chuyên gia này dự đoán.
Ukraine và các quốc gia đồng minh kỳ vọng gói cứu trợ của Washington có thể giúp Kiev phần nào thu hẹp khoảng cách, đặc biệt là khi các cuộc không kích của Moscow đã khiến một số đơn vị phòng không nước này cạn kiệt tên lửa đánh chặn.
Cũng trong ngày 22/4, phái đoàn Mỹ bao gồm nhiều nhà lập pháp từ lưỡng đảng đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Văn phòng Tổng thống cho biết chủ đề được thảo luận xoay quanh nhu cầu đạn pháo, máy bay chiến đấu, tác chiến điện tử và tên lửa tầm xa, cũng như việc hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.
"Đạn pháo sẽ củng cố tiền tuyến, còn hệ thống phòng không và đạn dược sẽ làm chậm chiến dịch tàn phá cơ sở hạ tầng mà Moscow đang tiến hành. Kiev vẫn sẽ cần thêm ngân sách để tiếp tục triển khai các hoạt động tấn công, đồng thời giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ đã mất", ông Faintuch kết lại.