Ukraine: Chiến tranh tổng lực hay “kề miệng hố chiến tranh"?
Thỏa thuận Minsk-2 về lập lại hòa bình ở miền Đông không được tuân thủ triệt để, làm dấy lên lo ngại xung đột lớn.
Nhiều người từng trông đợi bất ổn ở miền Đông sẽ chấm dứt sau khi các bên liên quan đồng ý ký kết thỏa thuận tại Minsk/Belarus hồi tháng 2 vừa qua. Thế nhưng hy vọng đã tan biến. Một loạt những điều khoản về kinh tế, chính trị đã không được thực thi đầy đủ.
Điểm then chốt nhất là các cuộc bầu cử địa phương gắn với quy chế tự trị cho khu vực Donbass chưa có nhiều tiến triển. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới về quyền tự quản mới chỉ được Tòa án Hiến pháp Ukraine thông qua vào hôm 31/7, còn phải đợi Quốc hội xem xét, thảo luận, bỏ phiếu hai lần trong cuối tháng này và đầu tháng sau.
Những điều khoản mới dừng lại ở việc trao quyền tự quản tạm thời trong vòng 3 năm cho Donetsk và Lugansk, những thiếu đi những chi tiết về phân quyền cũng như luật về quy chế đặc biệt hai tỉnh này.
Việc tái hội nhập Donbass với các khu vực khác về mặt kinh tế cũng mới chỉ dừng ở trên giấy, với việc chính quyền Kiev tiếp tục phong tỏa miền Đông, không cung cấp lương thực, thuốc men y tế, trang bị kĩ thuật cho vùng này. Thay vì được hưởng một lệnh ngừng bắn, người dân nơi Donbass đang sống trong tình cảnh bị cô lập.
Dân thường Donbass là người lãnh hậu quả nặng nề nhất trong cuộc xung đột. (Ảnh: AP)
Ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng là nhiệm vụ được các bên thúc đẩy, nhưng rất mong manh. Giao tranh vẫn liên tục diễn ra, cùng với việc Kiev cho tái triển khai pháo hạng nặng tới sát đường giới tuyến với lý do “để chống lại các cuộc tấn công của phe ly khai”. Chính quyền Tổng thống Petro Poroshenko và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông thi nhau đổ lỗi cho nhau là bên khiêu khích, vi phạm thỏa thuận.
“Đổ lỗi” cũng xuất hiện trong các cuộc chiến ngôn từ giữa Nga với Kiev và phương Tây. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/8 bình luận, chính dân phòng Donbass là bên nêu ý tưởng và nghiêm chỉnh thực hiện việc rút vũ khí hạng nặng khỏi đường giới tuyến, trong khi Kiev đã không tuân thủ lại còn cho tăng cường binh sĩ, hỏa lực mạnh tới khu vực này. Ông chủ điện Kremlin cũng cho rằng Thỏa thuận Minsk-2 là lựa chọn phù hợp duy nhất để giải quyết khủng hoảng, đưan đến nền hòa bình trong dài hạn.
Ở chiều hướng ngược lại, Kiev cáo buộc Moskva tiếp tục hỗ trợ phe ly khai, nói rằng Nga gia cho tăng cường lực lượng, vũ khí dọc tuyến biên giới để gây sức ép với Ukraine. Washington thì quy kết Nga và phe đối lập ở miền Đông phải chịu trách nhiệm về giao tranh bùng phát, với việc quân ly khai là người “chủ động” phát động các đợt tấn công, gây leo thang căng thẳng.
Thỏa thuận Minsk-2 đã tạo ra một khung nền tảng cho giải pháp hòa bình ở Ukraine – đó là thực tế không cần bàn cãi nếu các bên cho thấy rõ thiện chí. Nhưng trên thực tế dân thường Donbass hiện vẫn phải chịu những tổn thất, mất mát từ các đợt giao tranh. Câu hỏi đặt ra lúc này là: Chiến tranh toàn diện ở miền Đông sẽ nổ ra trong ngày một ngày hai?
Tổng thống Nga nói thẳng rằng đó là thực tế mà ông không mong đợi. Còn đối với Kiev, thất bại trong cuộc tiến công mùa hè hồi năm ngoái buộc giới lãnh đạo Ukraine phải có sự cân nhắc kĩ lưỡng, vì họ thừa hiểu rằng mục tiêu phá hủy toàn bộ tiềm lực quân sự của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) tự xưng để rồi áp đặt ý chí lên toàn vùng Donbass rất khó trở thành hiện thực. Việc Ukraine huy động lực lượng có thể sẽ chỉ là điểm “ảo”, đẩy miền Đông tới hình thái “kề miệng hố chiến tranh” và thực hiện những toan tính khác sẽ là điểm “thật”.
Ukraine và các đồng minh NATO tiên liệu Nga không muốn bị lôi kéo trực tiếp vào cuộc chiến. Đẩy tình hình nóng lên nhưng không vượt quá “độ sôi”, Kiev và phương Tây sẽ có thêm “cơ hội” để gây sức ép với Nga về kinh tế thông qua các đòn trừng phạt, cầm vận – đòn đánh chính nhưng không dễ nhận ra . Đích đến sẽ là phân hóa, làm tan rã sợi dây liên kết giữa Moskva và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông. Trong hình thái đó, Thỏa thuận Minsk-2 sẽ là “văn bản chết” nhưng không bên nào muốn tự mình là người đi chôn.
Hoài Thanh/Journalneo, uatoday