1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ukraine bồn chồn trước những tuyên bố rắn của Donald Trump

Các chuyên gia phân tích cho rằng, hiện Ukraine rất lo ngại viễn cảnh tỷ phú Donald Trump đắc cử trong cuộc bầu cử sắp tới.

Giới lãnh đạo Ukraine lo sợ Trump làm Tổng thống Mỹ?

Giới chức lãnh đạo Ukraine thời gian gần đây không những chỉ đau đầu với các vấn đề nội tại như khủng hoảng chính trị, kinh tế suy sụp, đất nước bị chia cắt mà còn đang lo lắng cho những vấn đề đối ngoại trong tương lai, đặc biệt là vấn đề nhân sự lãnh đạo của Mỹ.

Trong bài viết cho The Hill ngày 5/8, Đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ, ông Valery Chalyi cho biết rằng, ông đã bị “sốc” bởi những lời tuyên bố của tỷ phú Trump về Crimea, phát biểu của ông này đang khiến cho chính quyền Kiev quan ngại viễn cảnh ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ.

Theo ông Chalyi, nhiều người ở Ukraine không biết nghĩ như thế nào, vì tuyên bố của tỷ phú Trump trái ngược với nền tảng của đảng Cộng hòa nói riêng và cả đất nước Hoa Kỳ nói chung...

Ông Donald Trump được coi là người có quan điểm hòa dịu với Nga
Ông Donald Trump được coi là người có quan điểm hòa dịu với Nga

Các chuyên gia phân tích cho rằng, cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ có thể quyết định đến đường lối đối ngoại nói chung và quan hệ với Ukraine nói riêng. Nếu tỷ phú Trump lên nắm quyền lãnh đạo Nhà Trắng, Ukraine nên lo lắng dần đi là vừa. Nhận định này xuất phát từ những một số vấn đề dưới đây.

Vì sao Ukraine lo sợ Trump thắng cử?

Thứ nhất: Ukraine lo ngại quan hệ Trump với Putin

Ứng viên Tổng thống Mỹ này đã không ít lần bày tỏ sự ngưỡng mộ với phong thái lãnh đạo của ông Putin. Ông này thể hiện rõ ràng quan điểm hòa dịu với Nga trong các tuyên bố tranh cử, mà rõ ràng là điều này trái ngược với đường lối đối ngoại hiện nay của Mỹ.

Nếu ông Trump lên nắm quyền ở Nhà Trắng, xu thế tất yếu là quan hệ Nga-Mỹ sẽ dần dần hạ nhiệt, mà điều đó sẽ giúp Moscow có thêm cơ sở để gia tăng sức ép lên chính quyền Kiev về vấn đề thực hiện Thỏa thuận Minsk 2 và tương lai của 2 Nhà nước ly khai Donbass là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR).

Sự hạ nhiệt trong quan hệ Nga-Mỹ cũng khiến vòng vây trừng phạt Nga được nới lỏng, trong khi những cấm vận của Nga đối với Kiev vẫn giữ nguyên. Do đó, nếu Trump lên làm Tổng thống Mỹ, Ukraine sẽ mất đi chỗ dựa, trở nên yếu thế trong cuộc đối đầu với Nga.

Việc Mỹ quan hệ tốt với Nga cũng đúng với ý định lâu nay của Liên minh châu Âu, nếu Mỹ đi đầu, EU sẽ ngay lập tức dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga. Điều này khiến nỗ lực gia nhập EU và NATO của Ukraine nhằm nhận sự bảo trợ trong cuộc chiến chống Nga sẽ trở nên vô nghĩa.

Ukraine lo ngại Trump sẽ công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga
Ukraine lo ngại Trump sẽ công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga

Thứ 2: Ukraine lo ngại Trump sẽ công nhận Crimea thuộc Nga

Ngày 1/8 vừa qua, ông Trump tuyên bố trong một bài phát biểu trước những người ủng hộ đảng Cộng hòa ở bang Ohio rằng, nỗ lực của Hoa Kỳ hỗ trợ Ukraine dùng sức mạnh đoạt lấy Crimea từ Nga có thể gây ra cuộc chiến tranh thế giới thứ ba đẫm máu.

Trước đó, tại cuộc họp báo ở Florida ngày 27/7, khi được hỏi là liệu khi lên làm Tổng thống ông có sẵn sàng công nhận Crimea là thành phần của Nga và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Moscow hay không, ông Trump đã tuyên bố "sẽ xem xét vấn đề này” chứ không lập tức bác bỏ như các quan chức lãnh đạo Mỹ hiện nay.

Trong bài phát biểu của mình ở Ohio, ông Trump ủng hộ liên minh với Nga trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS. Ứng cử viên tổng thống Mỹ nói thêm rằng "các nước láng giềng và có thể cả NATO nữa" nên tham gia cùng với họ.

Điều này thể hiện rõ ràng là, nếu nước Mỹ của ông ta liên minh với Nga trong cuộc chiến chống IS, Mỹ sẽ không đủ khả năng, mà cũng không muốn gây sức ép với Nga về vấn đề Crimea, thậm chí sẽ nhanh chóng công nhận Crimea là thành phần của Nga và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Moscow.

Những quan điểm về chiến lược đối ngoại đóng vai trò rất quan trọng trong chiến dịch tranh cử của mỗi ứng viên. Trump là một nhà tài phiệt, với ông ta chính trị cũng là một khoản đầu tư và đầu tư phải đúng lúc, đúng chỗ, đó là điểm khác biệt rất lớn của ông này với các ứng viên khác.

Trump cho rằng, Ukraine quá xa xôi với Mỹ và không thể giúp đỡ Mỹ được điều gì nên ông ta luôn nhấn mạnh rằng, Ukraine cũng như Crimea là "vấn đề của châu Âu", Mỹ không cần phải quan tâm nhiều mà hãy để cho những đầu tàu EU là Đức, Anh, Pháp giải quyết.

"…Crimea và Ukraine là ‘vấn đề riêng’ của châu Âu nhưng họ đã không thể hiện sự bất bình về chuyện này nhiều như chúng ta", Washington chỉ nên đưa ra những quyết định khi nào châu Âu đề nghị về điều đó - với câu nói này, đừng hy vọng về việc Trump sẽ ưu ái với Kiev.

Hơn nữa, với nhãn quan của một “con buôn chính trị” việc đầu tư vào Ukraine -một đất nước hỗn loạn về chính trị, yếu kém về kinh tế, lại luôn tiềm ẩn nguy cơ nội chiến - chắc chắn sẽ không sinh lời. Do đó, nếu Trump lên làm Tổng thống, Ukraine sẽ bị bỏ rơi là điều chắc chắn.

Thứ 4: Ukraine mất viện trợ, phải chi tiền “bảo kê” cho Mỹ

Xuyên suốt quá trình tranh cử của tỷ phú Trump là chiến lược “Chính trị đi đôi lợi ích”. Theo cách tiếp cận của ông này, một trong những giải pháp đưa nước Mỹ đi tới thịnh vượng phải là chính sách đối ngoại mới theo khái niệm "các hợp đồng có lợi".

Ông Trump làm Tổng thống thì ông Poroshenko đừng hy vọng vào viện trợ Mỹ
Ông Trump làm Tổng thống thì ông Poroshenko đừng hy vọng vào viện trợ Mỹ

Đây là khía cạnh tích cực trong lý thuyết đối ngoại của ứng cử viên tổng thống Mỹ. Nhưng mặt tiêu cực ở chỗ với tư duy của một nhà kinh doanh, ông này cho rằng, “các hợp đồng chính trị” phải cứng rắn, dứt khoát và hoàn toàn có lợi cho Hoa Kỳ.

Trong nhận định của ông này, vai trò “thủ lĩnh” không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với “sự tham gia hết mình”. Thủ lĩnh là người có khả năng rút ra những lợi tức nhiều nhất về kinh tế, thực hiện các thương lượng cứng rắn, “ký kết những thỏa thuận chính trị có hiệu quả”.

Ví dụ điển hình cho "hợp đồng từ vị thế của kẻ mạnh", là việc ông này đòi Saudi Arabia, Nhật Bản, Hàn Quốc… phải trả lợi tức cho Washington để nhận được cái ô đảm bảo an ninh cho các nước này.

Trump cho rằng, Saudi Arabia là một cường quốc khu vực, có khả năng tự quyết các vấn đề chiến tranh và hòa bình ở Trung Đông, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng là những cường quốc kinh tế, quân sự châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, Mỹ không thể mất tiền để bảo vệ không công cho họ.

Với quan điểm này của Trump, Ukraine đừng hy vọng vào viện trợ kinh tế-quân sự vốn đã nhỏ giọt sẵn của Mỹ. Chính quyền Kiev đừng nên hy vọng vào “chiếc bánh phương Tây” mà nên tự nghĩ cách bảo vệ mình, nếu không muốn mất thêm tiền cho Mỹ.

Theo Thiên Nam

Đất Việt