1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Úc nhiều khả năng sẽ mua tàu ngầm tàng hình của Nhật

(Dân trí) - Úc nhiều khả năng sẽ mua một hạm đội tàu ngầm tàng hình của Nhật trong một thỏa thuận trị giá nhiều triệu USD, động thái có thể “chọc giận” Trung Quốc, các nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán cho hay.

Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật.
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật.

Theo 3 nguồn tin giấu tên, một thỏa thuận vẫn còn phải chờ nhiều tháng nữa, nhưng vụ mua bán chưa có tiền lệ các tàu ngầm dựa trên tàu ngầm lớp Soryu của lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản đang được xem là phương án có khả năng nhất.

Một thỏa thuận như vậy có thể báo hiệu một sự mở rộng lớn trong nỗ lực của Thủ tướng Abe về một nền quân đội năng động hơn sau nhiều thập niên hòa bình. Trung Quốc thường xuyên cáo buộc ông Abe muốn làm sống lại chủ nghĩa quân phiệt thời chiến của Nhật.

Úc muốn mua các tàu ngầm diesel ít tiếng ồn từ Nhật Bản, sau khi Canberra từ bỏ một cam kết của chính phủ nhằm chế tạo các tàu ngầm ở trong nước.

 “Đó là phương án tốt nhất lúc này”, nguồn tin cho hay.

Hồi tháng 7, ông Abe và người đồng cấp Úc Tony Abbott đã nhất trí “tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh”, trong đó có việc chuyển giao công nghệ và thiết bị quân sự.

Các cuộc thảo luận kể từ đó đã tiến triển nhanh chóng từ việc chuyển giao công nghệ động cơ tới việc chế tạo hoàn chỉnh tàu ngầm tại Nhật Bản, với mục tiêu thay thế 6 tàu lớp Collins cũ kỹ của Úc bằng 12 tàu ngầm của Nhật dựa trên tàu Soryu 4.000 tấn, tàu ngầm phi hạt nhân lớn nhất thế giới, vào những năm 2030.

“Các cuộc thảo luận giữa Nhật và Úc đang được đẩy nhanh tiến độ”, một nguồn tin tiết lộ.

Đối với ông Abe, một thỏa thuận, có thể diễn ra ngay vào tháng tới, có thể gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng Tokyo sẽ ít bị kiềm chế hơn bởi hiến pháp hòa bình. Trong năm nay, ông Abe đã nới lỏng các quy định về xuất khẩu vũ khí, cho phép quân đội sử dụng quyền phòng vệ và tăng chi tiêu quốc phòng.

Đôi bên cùng có lợi

Việc bán một phi đội tàu ngầm sẽ đánh dấu lần đầu tiên kể từ cuối Thế chiến II Nhật Bản bán vũ khí hoàn chỉnh ra nước ngoài.

Các đơn đặt hàng lớn cho các hãng sản xuất vũ khí Nhật có thể giúp giảm chi phí chế tạo vũ khí cho Tokyo.

Đối với Canberra, thỏa thuận cũng giúp giảm bớt chi phí và rủi ro của việc phát triển tàu ngầm ở trong nước, sau khi tàu ngầm lớp Collins do Úc chế tạo bị cho “nghỉ hưu” vì nhiều tiếng ồn và dễ bị phát hiện.

Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Nhật Hirofumi Takeda đã từ chối bình luận về thông tin trên, chỉ nói rằng “Nhật và Úc đang tiến hành các cuộc trao đổi khác nhau, trong đó về vấn đề chuyển giao công nghệ và thiết bị, cũng như thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương”.

Hồi tháng 7, Úc đã lần đầu tiên thừa nhận rằng sẽ cho phép các chế tạo các tàu ngầm ở nước ngoài.

Chi phí là một vấn đề đối với Canberra. Bộ trưởng quốc phòng Úc David Johnston cho biết với hãng tin Reuters hồi tháng 6 rằng ông “rất lo ngại” về ước tính chi phí lên tới 37,3 tỷ USD đối với phương án tự chế tạo trong nước.

12 tàu ngầm Soryu, có giá 500 triệu USD mỗi chiếc, cộng với bảo trì và tân trang, sẽ giúp Úc tiết kiệm chi phí trong bối cảnh nước này vật lộn với chính sách khắc khổ.

Chính phủ của Thủ tướng Abbott dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về loại và số lượng tàu ngầm muốn mua trong báo cáo quốc phòng tổng thể vào đầu năm tới.

An Bình
Tổng hợp