1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

UAV giá rẻ của Nga đang gây nguy hiểm cho Ukraine thế nào?

Thanh Thành

(Dân trí) - Các máy bay không người lái (UAV) giá rẻ của Nga đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho quân đội và thiết bị quân sự của Ukraine khi Moscow đang tăng cường sử dụng loại vũ khí này để tập kích.

UAV giá rẻ của Nga đang gây nguy hiểm cho Ukraine thế nào? - 1

Quang cảnh thứ dường như là máy bay không người lái Lancet (Ảnh: Reuters).

Khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã bước sang tháng thứ 18, các lực lượng Ukraine cho biết Moscow đang tăng cường sử dụng UAV giá rẻ có khả năng phá hủy thiết bị có giá trị gấp nhiều lần và không dễ chống lại.

Trong đó, UAV Lancet là mối đe dọa ngày càng tăng đối với tiền tuyến của Ukraine trong những tháng gần đây, theo các binh sĩ Ukraine.

Các video do các kênh truyền thông xã hội đăng tải trong tháng trước cho thấy các UAV Lancet làm hư hại hoặc phá hủy các thiết bị có giá trị của Ukraine do phương Tây tài trợ, chẳng hạn như xe tăng Leopard 2 và lựu pháo tự hành Caesar.

Nhiều video được quân đội Nga đăng trước đó cũng cho thấy UAV Lancet phá hủy radar của hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T và nhiều khí tài do phương Tây chuyển cho Kiev.

Các binh sĩ Ukraine thuộc 4 đội pháo binh khác nhau gọi UAV Lancet là một trong những mối đe dọa chính mà họ phải đối mặt trên chiến trường khi quân đội Nga sử dụng triệt để loại khí tài này để phá hủy mục tiêu đắt tiền của đối phương.

Một số binh sĩ cho biết tần suất sử dụng nó đã tăng lên trong những tháng gần đây. "Trước đó, vào mùa xuân, Nga không sử dụng Lancet thường xuyên như bây giờ", xạ thủ pháo binh 35 tuổi Bohdan, người có mật danh là Doc đang tham chiến gần Avdiivka trên tiền tuyến khu vực Donetsk, cho biết.

Chuyên gia Samuel Bendett, thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, cho rằng Bộ Quốc phòng Nga đã khuyến khích tăng cường sản xuất Lancet, coi đây là biện pháp rẻ tiền đề hủy diệt những khí tài hiện đại của phương Tây được Ukraine sử dụng trong chiến dịch phản công quy mô lớn.

Ông cho biết, theo các nguồn tin công khai của Nga, một chiếc UAV Lancet có giá khoảng 3 triệu ruble (khoảng 35.000 USD), so với một chiếc xe tăng Leopard 2 trị giá vài triệu USD.

UAV tự sát được thiết kế để mang thuốc nổ lao vào tập kích mục tiêu phía sau phòng tuyến đối phương. Không giống UAV cỡ lớn truyền thống có thể phóng tên lửa, thả bom rồi quay về căn cứ sau khi tập kích, UAV tự sát chỉ tung một đòn tấn công duy nhất.

Ngoài ra, nó có kích thước nhỏ, khối lượng nhẹ và dễ dàng triển khai. Chúng rất khó bị các hệ thống radar, cảm biến phát hiện và tạo ra thách thức rất lớn với các hệ thống phòng không Ukraine. 

Chiến tranh UAV

Ukraine cũng đã tận dụng và phát triển năng lực mạnh mẽ của UAV tự sát như một cách hiệu quả về chi phí để tấn công các mục tiêu của Nga bởi loại vũ khí này được thiết kế để mang thuốc nổ lao vào tập kích mục tiêu phía sau phòng tuyến đối phương. Không giống UAV cỡ lớn truyền thống có thể phóng tên lửa, thả bom rồi quay về căn cứ sau khi tập kích, UAV tự sát chỉ tung một đòn tấn công duy nhất.

Ông Bendett cho biết, Nga dường như đang áp dụng chiến thuật từng được Ukraine triển khai trước đây, đó là dụ các mục tiêu quan trọng tiến đến khu vực trống trải rồi phá hủy chúng bằng UAV tự sát.

Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, thừa nhận sự phổ biến của UAV Lancet đang gây ra nhiều khó khăn cho chiến dịch phản công. "Mỗi ngày chúng tôi bắn rơi 1-2 máy bay, nhưng tỷ lệ đánh chặn không đạt mức 100%", ông nói.

Ông Sak cũng cho biết, UAV Lancet mang một lượng thuốc nổ tương đối nhỏ, từ 1,5-5kg. Tuy nhiên, mặc dù kém mạnh hơn đạn pháo hoặc hầu hết các loại tên lửa, nhưng loại vũ khí này dường như có thể gây sát thương đáng kể. "Dù yếu hơn nhiều so với đạn pháo hoặc tên lửa thông thường, chúng vẫn có thể gây thiệt hại đáng kể", ông nói.

Trong khi đó, ông Bendett cũng cho biết thêm, mẫu Lancet mới nhất là Lancet 3 có thể bay xa tới 50km, giúp nó có khả năng tấn công các mục tiêu nằm sâu phía sau phòng tuyến Ukraine tốt hơn bất kỳ UAV tự sát nào khác của Nga ngoài Shahed.

Khả năng lượn trên không để sục sạo và sau đó truy đuổi mục tiêu khiến nó là mối đe dọa lớn với những khí tài giá trị cao như xe tăng, pháo tự hành và pháo phản lực phóng loạt. 

Một trong những phương tiện của Ukraine có nguy cơ cao nhất là BM-21 Grad, một bệ phóng lớn gắn trên xe tải thời Liên Xô có thể bắn một loạt 40 quả rocket trên một khu vực rộng. Hỏa lực và khả năng cơ động cao của Grad khiến nó được xem là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Lancet.

Các UAV như Lancet, bay thấp và chậm, có xu hướng gây nhầm lẫn cho các hệ thống phòng không truyền thống vốn được chế tạo để đánh chặn các mục tiêu di chuyển nhanh với nhiệt độ lớn hơn.

Voron, thành viên khẩu đội Grad tham chiến gần Avdiivka, từng suýt mất mạng trong cuộc tập kích hụt của UAV Lancet hồi đầu tháng 5.

Sau khi khai hỏa về phía lực lượng Nga, tổ hợp Grad của Voron lập tức bị tấn công trả đũa bằng tên lửa S-300. Quả đạn rơi cách xe phóng khoảng 150m và không gây nguy hiểm, nhưng một chiếc UAV Lancet nhanh chóng xuất hiện trên bầu trời và đuổi theo tổ hợp Grad. "Chúng tôi bỏ chạy. UAV lao xuống và phát nổ cách xe chúng tôi khoảng 50 m. May mắn là nó không đâm trúng xe phóng", Voron kể lại.

Theo ông Sak, có lưới hoặc lồng kim loại có thể giúp hạn chế thiệt hại nhưng cách phòng thủ tốt nhất là súng chống UAV tự động được trang bị radar, cũng như các hệ thống tác chiến điện tử. Ông Sak cho biết, Ukraine cần các nước hỗ trợ thêm nhiều hệ thống này.

Nếu không có những hệ thống như vậy, binh lính Ukraine thường buộc phải cố gắng bắn hạ UAV Lancet bằng vũ khí nhỏ. "Nó bay với tốc độ 100km/h nên bắn hạ nó bằng vũ khí nhỏ không phải là một thử thách dễ dàng", ông Sak cho biết thêm.

Theo Reuters