1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tỷ phú Abramovich - nhân vật bí ẩn trong đàm phán Nga - Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Từ một cậu bé mồ côi, ông Abramovich trở thành tỷ phú với cuộc sống xa hoa và ông chủ câu lạc bộ bóng đá Chelsea. Gần đây, ông gây chú ý khi xuất hiện trong cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.

Tỷ phú Abramovich - nhân vật bí ẩn trong đàm phán Nga - Ukraine - 1

Tỷ phú Nga Roman Abramovich (Ảnh: Reuters).

Tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3, sự xuất hiện của tỷ phú Nga Roman Abramovich trong cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine đã trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi. Trước đó, nhà tài phiệt Nga được biết tới với vai trò là một tài phiệt có cuộc sống xa hoa và ông chủ câu lạc bộ bóng đá Anh Chelsea. Sau lần xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông còn được nhắc tới với một vai trò khác: Nhân vật có vai trò trong quá trình thương lượng hòa bình giữa Nga và Ukraine.

Từ trẻ mồ côi tới tài phiệt Nga

Sinh ra vào năm 1966, ông Abramovich mất cả cha lẫn mẹ khi còn nhỏ. Mẹ ông qua đời khi ông 1 tuổi và người cha qua đời 2 năm sau đó trong một tai nạn liên quan tới cần cẩu xây dựng.

Ông được người thân nuôi dưỡng ở Cộng hòa Komi ở phía bắc Nga với điều kiện sống khó khăn. Sau một khoảng thời gian ngắn phục vụ trong quân đội, ông Abramovich học ngành kỹ sư và công việc đầu tiên của ông là thợ cơ khí.

Tỷ phú Abramovich - nhân vật bí ẩn trong đàm phán Nga - Ukraine - 2

Ông Abramovich từng gia nhập quân đội Liên Xô khi còn trẻ (Ảnh: East2west).

Trong thời kỳ Liên Xô tiến hành cải cách kinh tế dưới thời nhà cựu lãnh đạo Mikhail Gorbachev (thời kỳ perestroika), một số các doanh nghiệp tư nhân nhỏ được phép hoạt động. Ông Abramovich mở một công ty sản xuất đồ chơi trẻ em, chuyên bán vịt nhựa từ căn hộ của ông ở Moscow.

Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, ông Abramovich chuyển sang lĩnh vực kinh doanh và vận chuyển dầu mỏ và các sản phẩm công nghiệp khác. Đến năm 1994, ông có sự nghiệp tương đối thành công. Ông được đánh giá là người có đầu óc kinh doanh và đã biết tận dụng tình hình của Nga lúc bấy giờ để xây dựng đế chế quy mô lớn. 

Năm 1995, ông Abramovich đã cùng tài phiệt Boris Berezovsky mua lại Sibneft, một tập đoàn dầu khí lớn của Nga, với giá 200 triệu USD và có được gia sản khổng lồ là từ hãng này.

Giá cổ phiếu Sibneft sau đó tăng mạnh và giúp ông Abramovich có thêm lượng tài sản lớn. Năm 2015, ông Abramovich quyết định bán tới 73% cổ phần ở Sibneft cho tập đoàn năng lượng quốc doanh Nga Gazprom với giá 13 tỷ USD. Sibneft cũng là nguyên nhân gây ra vụ kiện lùm xùm tranh chấp cổ phần giữa ông Abramovich và ông Berezovsky vào đầu những năm 2010. Vụ kiện đã gây tốn không ít giấy mực của báo giới, nhưng phần thắng cuối cùng nghiêng về ông Abramovich.

Quan hệ tốt với chính quyền Nga

Tỷ phú Abramovich - nhân vật bí ẩn trong đàm phán Nga - Ukraine - 3

Ông Abramovich (phải) được xem là có quan hệ tốt với chính quyền Nga (Ảnh: Reuters).

Tỷ phú Abramovich được xem có quan hệ tốt với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trước đó, ông Abramovich cùng nhiều nhà tài phiệt Nga được xem là đồng minh của ông Boris Yeltsin, người tiền nhiệm của ông Putin. Vào năm 1999, khi ông Yeltsin từ chức, ông Abramovich được cho là một trong những nhà tài phiệt Nga thời bấy giờ ủng hộ ông Putin.

Khi Tổng thống Putin lên nắm quyền, ông đã thực hiện các cải cách, trong đó có việc củng cố quyền lực của chính quyền trong nền kinh tế dựa trên các nguyên tắc pháp luật. Trong thời kỳ của ông Yeltsin, nhiều nhà tài phiệt đã tận dụng thời điểm Nga tư nhân hóa nền kinh tế để làm giàu chớp nhoáng và bị nghi gây lũng đoạn đất nước. Ông Putin không ủng hộ việc giới tài phiệt có quyền lực lớn với những ngành chủ chốt và can thiệp vào chính trị, vì vậy, vào thời kỳ đầu những năm 2000, ông đã chủ trương có những biện pháp cứng rắn với các tài phiệt.

Trong giai đoạn này, ông Abramovich đã chiếm được lòng tin của ông Putin và có số phận rất khác so với nhiều tài phiệt Nga vào cùng thời. Năm 2000, ông Abramovich thậm chí còn trở thành thống đốc khu vực Chukotka, một khu vực ở đông bắc Nga. Ông gây tiếng tăm khi trích ra khoảng 2,5 tỷ USD tài sản cá nhân để đầu tư vào các dịch vụ xã hội tại khu vực này, nhưng đã từ chức vào năm 2008. Suốt thời gian đó, ông vẫn điều hành thành công việc kinh doanh, trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất nước Nga.

Từ đây, tỷ phú này nổi tiếng với cuộc sống xa hoa khi mua những dinh thự sang trọng, máy bay tư nhân, du thuyền, xe hơi hạng sang, cũng như đổ gần 2 tỷ USD vào câu lạc bộ bóng đá Chelsea ở Anh.

Theo ước tính của Forbes hiện tại, ông Abramovich có khoảng 8,3 tỷ USD. Giai đoạn giàu nhất của ông là vào năm 2008 với 23,5 tỷ USD. Vào thời điểm đó, ông là người có nhiều tài sản nhất nước Nga.

"Cầu nối" trong đàm phán Nga - Ukraine

Tỷ phú Abramovich - nhân vật bí ẩn trong đàm phán Nga - Ukraine - 4

Tỷ phú Nga Roman Abramovich (thứ 3 từ bên phải sang) xuất hiện trong khán phòng diễn ra đàm phán Nga - Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AP).

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ 24/2, các tỷ phú được xem có quan hệ tốt với chính quyền Nga như ông Abramovich đều trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt từ phương Tây nhằm gây áp lực lên Điện Kremlin.

Trong hơn một tháng qua, nhiều tài phiệt Nga đã bị đóng băng tài sản, tịch thu dinh thự và du thuyền ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, khác với những tỷ phú Nga khác, ông Abramovich được xem đang tích cực trong việc làm cầu nối giữa Nga và Ukraine.

Theo New York Times, việc ông muốn 2 nước đạt được thỏa thuận hòa bình là điều không quá khó hiểu, vì điều này cũng là giúp cho chính ông.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 31/3 cho biết, tỷ phú Roman Abramovich, người đang trong sách trừng phạt của EU, là thành viên của phái đoàn Nga trong cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine diễn ra ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29/3.

Tuy nhiên, trước đó, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moscow cho phép ông Abramovich tham gia cuộc thương lượng , nhưng không nêu rõ vai trò của tỷ phú này là gì. Nga cũng khẳng định ông Abramovich không phải là thành viên chính thức của phái đoàn.

Ngoài quan hệ với phía Nga, ông Abramovich được cho là có mối quan hệ tương đối gần gũi với một thành viên chủ chốt của phái đoàn đàm phán Ukraine, ông Rustem Umerov. Theo một nguồn thạo tin, ông Umerov tin rằng ông Abramovich thực sự mong muốn cuộc chiến kết thúc.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiết lộ rằng, tỷ phú Abramovich đã cố gắng giúp đỡ trong tiến trình đàm phán giữa Nga và Ukraine.

Ông được cho là người giúp tổ chức vòng đàm phán công khai ở Belarus giữa Nga và Ukraine 4 ngày sau khi cuộc chiến diễn ra hôm 24/2.

Theo một bài báo trên truyền thông Anh, ông Abramovich được cho đã chuyển một lá thư viết tay của Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky cho Tổng thống Putin, trong đó nêu rõ những điều khoản ông Zelensky mong muốn gửi tới người đồng cấp Nga.

Trước đó, Wall Street Journal đưa tin, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Zelensky dường như đã đề nghị Washington chưa trừng phạt ông Abramovich vì tin rằng tỷ phú Nga có thể đóng vai trò trong việc làm cầu nối giữa Moscow và Kiev. Điều này giúp lý giải việc Mỹ chưa có động thái với ông Abramovich như các đồng minh phương Tây khác như Anh hay EU.

Theo BBC, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine