1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tướng Mỹ nói vụ thử vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc "đáng lo ngại"

Minh Phương

(Dân trí) - Quan chức quân đội cấp cao của Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley lần đầu xác nhận về vụ thử vũ khí siêu vượt âm đáng lo ngại của Trung Quốc gần đây.

Tướng Mỹ nói vụ thử vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc đáng lo ngại - 1

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley (Ảnh: Reuters).

Hãng tin Financial Times gần đây đưa tin, Trung Quốc đã thực hiện vụ thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm hồi mùa hè năm nay. Lầu Năm Góc đã cố tránh xác nhận trực tiếp vụ thử nghiệm đó, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và một số quan chức bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc phát triển vũ khí siêu vượt âm.

Tuy vậy, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley, trong tuần này đưa ra xác nhận hiếm hoi về những lo ngại của Washington. Ông Milley ví vụ thử nghiệm của Trung Quốc "gần giống" thời khắc Sputnik, ngầm ám chỉ vụ phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Nga vào năm 1957 giúp Moscow dẫn trước trong cuộc chạy đua không gian thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

"Những gì chúng tôi thấy là một sự kiện quan trọng của một vụ thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm. Nó rất đáng lo ngại", Tướng Milley trả lời phỏng vấn Bloomberg trong chương trình phát sóng ngày 27/10.

Các chuyên gia về vũ khí hạt nhân cho rằng, vụ thử nghiệm của Trung Quốc dường như được thiết kế để nhằm né hệ thống phòng thủ của Mỹ bằng hai cách.

Thứ nhất, một vũ khí siêu vượt âm di chuyển với tốc độ gấp 5 lần âm thanh, khoảng 6.200 km/h, khiến chúng khó bị phát hiện và đánh chặn hơn. Thứ hai, một số nguồn tin cho biết, các vụ thử nghiệm của Trung Quốc liên quan đến một loại vũ khí có thể bắn phá theo quỹ đạo phân đoạn. Theo đó, một loại vũ khí sẽ đi vào quỹ đạo và lao xuống mục tiêu.

"Đó là một cách để tránh các hệ thống phòng thủ và cảnh báo tên lửa", Tư lệnh Không quân Mỹ Frank Kendall nói.

Nguồn tin của Financial Times cho biết, trong vụ thử nghiệm, tên lửa của Trung Quốc đã bay quanh Trái đất ở quỹ đạo thấp trước khi lao xuống mục tiêu nhưng vẫn trượt mục tiêu khoảng 32 km. Nguồn tin cho biết thêm, thiết bị siêu vượt âm này đã được tên lửa đẩy Trường Chinh phóng lên.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ thông tin thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm, khẳng định chỉ đang phát triển công nghệ tái sử dụng tàu vũ trụ.

"Đó không phải tên lửa mà là một phương tiện vũ trụ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết ngày 18/10. Ông Triệu cho biết thêm, đây là một cuộc thử nghiệm định kỳ nhằm đánh giá công nghệ tái sử dụng phương tiện vũ trụ, từ đó tìm ra cách thức thuận tiện và giá thành thấp cho con người du hành vũ trụ.

Quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nêu rõ liệu phương tiện vũ trụ đó là gì, nhưng một số chuyên gia cho rằng đó có thể là tên lửa đẩy có khả năng tái sử dụng tương tự tên lửa Falcon 9 của SpaceX.

Cùng với Trung Quốc, Mỹ, Nga và ít nhất 5 quốc gia khác đang phát triển công nghệ siêu vượt âm.

Taylor Fravel, chuyên gia về chính sách vũ khí hạt nhân Trung Quốc, bình luận rằng nếu Trung Quốc thực sự phát triển được vũ khí siêu vượt âm trang bị đầu đạn hạt nhân, họ có thể vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ vốn được thiết kế để tiêu diệt tên lửa đạn đạo đang tiếp cận.