1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tương lai u ám của Kazakhstan sau cuộc bạo loạn

Thanh Thành

(Dân trí) - Dù tình hình bất ổn ở Kazakhstan hiện cơ bản đã được kiểm soát và trật tự xã hội đang dần khôi phục, tương lai của quốc gia lớn nhất Trung Á này vẫn phủ một màu u ám.

Tương lai u ám của Kazakhstan sau cuộc bạo loạn - 1

Người biểu tình xô xát với lực lượng an ninh tại Aktobe, Kazakhstan (Ảnh: Reuters).

Làn sóng biểu tình vốn khiến hơn 2.000 người bị bắt giữ, hàng chục người thiệt mạng đã đặt Kazakhstan vào những ngày tồi tệ nhất trong vòng 30 năm qua cũng như phơi bày những căng thẳng chính trị tiềm ẩn.

Đối với nhiều người Kazakhstan, toàn bộ câu chuyện đằng sau tình trạng bất ổn trong tuần qua vẫn u ám như màn sương mù bao phủ Almaty, thành phố lớn nhất đất nước và là trung tâm của làn sóng biểu tình bạo lực.

Trật tự xã hội và mạng lưới internet hầu hết đã được khôi phục cho đến nay, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi quanh cuộc khủng hoảng này, nhất là tương lai của Kazakhstan.

Mới tháng trước, Kazakhstan kỷ niệm 30 năm ngày độc lập với các bài phát biểu chính thức nêu bật hình ảnh của một quốc gia hòa bình, thịnh vượng, một quốc gia phần lớn tránh được bất ổn chính trị và có chính sách đối ngoại độc lập và "đa động lực".

Có vẻ như Kazakhstan thậm chí đã xử lý thành công cuộc chuyển giao quyền lực khó khăn từ vị tổng thống nắm quyền lâu đời Nursultan Nazarbayev (nắm quyền từ 1991-2019) cho người kế nhiệm Kassym-Jomart Tokayev.

Nhưng một tháng sau lại là một hình ảnh rất khác. Các cuộc biểu tình trong ôn hòa đã biến thành các cuộc đụng độ bạo lực. Tổng thống Tokayev tuyên bố ông đã ra lệnh cho lực lượng an ninh trấn áp mạnh mẽ và kêu gọi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) hỗ trợ dẹp yên bạo loạn.

Một trong những tình tiết gây bất ngờ trong cuộc khủng hoảng lần này là sự quyết liệt của Tổng thống Tokayev, người đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ sẽ "không tha cho những kẻ khủng bố và cướp bóc".

"Chúng tôi đã đối phó với những tên cướp có vũ trang và được chuẩn bị kỹ lưỡng, cả trong nước và nước ngoài. Những tên cướp và những kẻ khủng bố cần phải bị loại bỏ. Điều này sẽ xảy ra trong thời gian gần nhất", ông Tokayev nói trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm 7/1, lưu ý rằng, chỉ riêng ở Almaty đã có 20.000 "tên cướp "như vậy.

Ông cũng đăng một thông điệp bằng tiếng Anh trên Twitter: "Theo quan điểm cơ bản của tôi, không có cuộc đàm phán nào với những kẻ khủng bố: Chúng ta phải tiêu diệt chúng". Bài đăng này sau đó đã bị xóa. Tổng thống Tokayev, trong bài phát biểu của mình, nói một cách mơ hồ về những kẻ tấn công "được đào tạo ở nước ngoài", nhưng không đưa ra chi tiết và không nói rõ chúng làm việc cho ai.

Những câu hỏi bỏ ngỏ

Trong khi đó, còn nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ về vai trò của cựu Tổng thống Nazarbayev trong làn sóng biểu tình lần này.

Có tin cho rằng, ông Nazarbayev và gia đình đã bỏ trốn khỏi đất nước, nhưng hôm 8/1, người phát ngôn của ông đã bác bỏ. Người này cho biết, cựu Tổng thống Nazarbayev có liên hệ chặt chẽ với nhà lãnh đạo Tokayev và muốn cả nước đoàn kết xung quanh tổng thống mới.

Nhưng việc cựu Tổng thống Nazarbayev đã im lặng trong tuần lễ kịch tính nhất trong lịch sử của đất nước, nơi ông nắm quyền kể từ khi nước này tách khỏi Liên Xô năm 1991 cho đến năm 2019, thực sự khó hiểu.

Dù kết quả cuối cùng của cuộc hỗn loạn lần này như thế nào thì bức tượng của ông Nazarbayev ở thành phố Taldykorgan đã bị kéo xuống và đám đông hô vang "Loại bỏ ông ấy" có khả năng làm thay đổi cơ bản di sản mà ông để lại.

Giờ đây, nhiều người đặt ra câu hỏi nếu Kazakhstan chọn đi theo ảnh hưởng của Nga, chính quyền mới của nước này sẽ gia tăng quan hệ với Moscow, và xu hướng hiện nay của Tổng thống Tokayev dường như là vậy.

Một diễn biến gây chú ý là các cuộc bạo động diễn ra đặc biệt dữ dội ở miền nam Kazakhstan, trong khi tình hình ở miền bắc đất nước tương đối yên tĩnh. Điều này khiến các chuyên gia cho rằng, Kazakhstan có thể theo 2 hướng, một phần sẽ theo định hướng thân Nga và phần còn lại sẽ phản đối.

Theo www.theguardian.com