1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tuần lễ đầy rủi ro đối với đồng euro

(Dân trí)- Loạt cuộc gặp thượng đỉnh châu Âu ở Paris, sau đó là tại Brussels, là điểm nhấn trong một tuần mới đầy rủi ro đối với đồng euro: châu Âu vẫn loay hoay với giải pháp chữa đám cháy khủng hoảng nợ công. Anh thậm chí đã chuẩn bị cho kịch bản eurozone tan rã.

Tuần lễ đầy rủi ro đối với đồng euro - 1


2 nhân vật quyết định và cuộc gặp mở màn

Cuộc gặp ngày 5/12 giữa Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại điện Elysée, Paris, có ý nghĩa quan trọng, mở đầu cho một tuần quyết định với eurozone.

Thực tế cho thấy Pháp và Đức là hai trụ cột chính của Liên minh Châu Âu (EU) và khu vực đồng tiền chung euro. Giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu phụ thuộc vào quyết tâm của Paris và Berlin trong việc đạt được sự đồng thuận về phương pháp và phương tiện cứu khu vực đồng euro.

Tại cuộc gặp, lãnh đạo hai nước đã nỗ lực đưa ra những đề nghị chung nhằm bảo đảm cho tương lai châu Âu, hiện đang bị đe dọa tan vỡ. Cuộc khủng hoảng đã làm lộ rõ những điểm yếu và các mâu thuẫn của châu Âu. Do vậy, cần phải xem xét và xây dựng lại châu Âu. Về phần mình, Thủ tướng Đức nhấn mạnh đến sự cần thiết phải sửa đổi các hiệp ước châu Âu.

Nhưng nếu như Pháp và Đức đồng thuận về mục tiêu “xây dựng lại châu Âu” qua việc sửa đổi các hiệp ước và tăng cường kỷ luật ngân sách, thì hai nước lại hoàn toàn bất đồng với nhau về các phương tiện cần có để thực hiện mục tiêu này.

Sau một thời gian chần chừ, giờ đây Paris đồng ý sửa đổi các hiệp ước theo hướng trừng phạt các thành viên không tôn trọng kỷ luật ngân sách và nợ công, tăng cường các biện pháp để châu Âu có thể giám sát các ngân sách quốc gia.

Đổi lại, Pháp hy vọng Đức có tinh thần đoàn kết tương trợ hơn, ví dụ như để cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có quyền mua lại nợ công của một số nước gặp khó khăn, phát hành trái phiếu chung châu Âu. Thế nhưng, cho đến nay, Berlin vẫn nhất quyết bác bỏ.

Sự cứng rắn của Thủ tướng Merkel đã bị phê phán tại Đức và ở Pháp. Cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt chỉ trích bà Merkel đẩy nước Đức vào tình thế bị cô lập. Còn ở Pháp, ngoài những tranh luận, phê phán manh tính tranh cử, giới chuyên gia cảnh báo về hậu quả của việc Pháp-Đức bất đồng đối với tương lai châu Âu.

Theo một nghiên cứu của Thụy Sĩ, nền kinh tế Đức sẽ bị thiệt hại nặng nề nếu ra khỏi khu vực đồng euro, hệ thống ngân hàng sẽ lụi bại, GDP sẽ bị giảm từ 20 đến 25% trong năm đầu tiên và lên tới 50% trong các năm tiếp theo.

Do vậy, sau cuộc gặp mở màn ngày 5/12, ngày 8/12, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức cùng tham dự cuộc họp của đảng Nhân dân Châu Âu (PPE), được tổ chức ở Marseille, miền Nam nước Pháp. Ngay tối hôm đó, Tổng thống và Thủ tướng các nước trong EU ăn tối với nhau tại Brussels để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh EU được tổ chức vào ngày 9/12.

Cuộc gặp Brussels-hy vọng nhiều để thất vọng lắm

Không chỉ các nước châu Âu, cả thế giới đã dõi mắt về cuộc họp thượng đỉnh của EU tại Brussels trong hai ngày 8 và 9/12. Chủ đề chính trong hội nghị tại Brussels là kế hoạch của hai nước Pháp và Đức về siết chặt kỷ luật về ngân sách, với đề xuất tự động phạt các nước chi tiêu quá nhiều.

Đức và Pháp thúc đẩy cho các thay đổi hiệp ước EU với quan điểm rằng các nguyên tắc tài chính chặt chẽ hơn cần được đưa vào luật pháp châu Âu.

Nhưng kết quả cho thấy không mấy tiến triển, hay như hãng tin AFP gọi là “chỉ đạt được đồng thuận tối thiểu” cho giải quyết đám cháy nợ công đang lan nhanh trong khu vực.

Không khí “bi quan” xuất hiện ngay trong cuộc họp trù bị giữa các chuyên viên cao cấp ngày 7/12: Berlin tỏ ra bất an, Paris lo ngại Châu Âu tan vỡ, còn Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép đối với khu vực đồng euro để khối này nhanh chóng tìm ra giải pháp thoát khỏi khủng hoảng.

Pháp và Đức vẫn còn những bất đồng rất lớn về các thể thức bảo đảm duy trì kỷ luật ngân sách của các nước trong khối đồng euro, cũng như về các biện pháp ngăn chặn khủng hoảng lây lan. Việc sửa đổi các hiệp định châu Âu cũng bế tắc.

Kết quả duy nhất mà hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels đạt được là đồng ý “tăng cường kỷ luật ngân sách”. Trong trường hợp vi phạm sẽ bị trừng phạt “gần như là tự động”.

Dưới sức ép của Đức và Pháp, thỏa thuận này thật sự chỉ có 23 nước chấp thuận gồm 17 thành viên vùng euro và 6 nước ngoài euro. Hai quốc gia xin chờ một thời gian trước khi trả lời là Cộng Hòa Séc và Thụy Điển nhưng có hai nước không tham gia là Hungary và Anh.

Kịch bản tan rã đang chờ eurozone?

Tuần trước, dự báo của ông Jacques Attali - cựu Giám đốc Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu - đã gây ra khá nhiều ý kiến trái chiều. Theo ông Jacques Attali, đồng euro sẽ cầm cự cho đến cuối tháng 12 năm nay.

Tuy hầu hết các chuyên gia tin rằng dự báo này là quá ảm đạm, song ngày càng có ít người tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đồng euro. Vậy điều gì sẽ xảy ra, nếu quá trình tan rã của khu vực đồng euro bắt đầu?

Trong giai đoạn đầu, khi một quốc gia châu Âu đầu tiên như Hy Lạp tuyên bố ra khỏi khu vực đồng euro, cho dù là tạm thời song việc này sẽ gây ra những điều khủng khiếp. Sự hoảng loạn sẽ bao trùm thị trường nợ, các nhà đầu tư sẽ đổ xô bán trái phiếu của các nước đang gặp khủng hoảng nợ công và đổ tiền mua chứng khoán mạnh.

Việc cấp tín dụng của nước cho vay đáng tin cậy như Đức sẽ bị ngừng lại. Do đó, sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng thanh khoản.

Những vấn đề về thanh khoản gây ra nguy cơ đe dọa đối với toàn bộ thị trường liên ngân hàng. Một số tổ chức tín dụng, đặc biệt là những tổ chức mua trái phiếu của các nước gặp khó khăn, sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất cân đối nghiêm trọng. Như vậy, cuộc khủng hoảng có thể chuyển sang giai đoạn hoảng loạn, khiến người dân đổ xô đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm.

Kịch bản khu vực đồng euro tan rã còn dẫn đến sự xuất hiện cả những vấn đề về cơ sở hạ tầng. Phải làm thế nào để đưa đồng tiền quốc gia trở lại lưu thông? Làm thế nào để tính toán tỷ giá trong tình hình bất ổn định? Làm thế nào để chuyển đổi tất cả các khoản nợ? Làm gì với hàng tỷ euro đã được chi ra để cứu trợ các nước trong khu vực? Dùng loại tiền tệ nào để chi trả cho các hợp đồng đang còn hiệu lực?

Thực tế là hàng loạt yếu tố tiêu cực đang diễn ra trong thời điểm hiện nay đang củng cố cho kịch bản tồi tệ trên: Giới lãnh đạo chính trị châu Âu chậm chạp trong việc giải quyết khủng hoảng; Ngân hàng Trung ương châu Âu do quá chán nản trong việc giúp đỡ các nước "vô kỷ luật" về tài chính đã ngừng trợ giúp; nợ công của Italia đã gây ra những hành động đầu cơ tiêu cực.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: không cần thiết phải tìm câu trả lời, bởi khu vực đồng euro sẽ không bị sụp đổ, vì không có quốc gia nào được lợi nếu rút khỏi EU hay khu vực đồng euro.

Hơn nữa, lãnh đạo các quốc gia chắc chắn cũng tưởng tượng được tác hại của cú rơi tự do không thể lường trước của các nền kinh tế khu vực euro khi các nước quay tìm trở lại đồng tiền riêng trước đây của mình, ví dụ đầu tiên sẽ là đồng tiền mất giá, dẫn đến đòn giáng mạnh với hoạt động xuất nhập khẩu…

Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tháo chạy, các chính phủ sẽ phải nai lưng cứu trợ các ngân hàng bị phá sản bởi sự mất giá của những tài sản kếch xù đầu tư ở nước ngoài. Các nền kinh tế châu Âu sẽ suy kiệt, tình trạng hỗn loạn về tiền tệ trở nên trầm trọng hơn và tình trạng nghèo đói trở nên phổ biến hơn…

Trong khi chờ đợi những phép màu từ nỗ lực chung, các quốc gia eurozone chỉ còn trông chờ vào Ngân hang Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế để “sống sót” qua ngày.

Nguyễn Viết
Tổng hợp