1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Từ ý tưởng của ông Lý Quang Diệu đến những dự án tỷ đô ở Việt Nam

Là điểm nhấn trong mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Singapore, các khu công nghiệp đô thị dịch vụ Việt Nam - Singapore (VSIP) đã được hình thành từ ý tưởng của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Các khu công nghiệp này đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới.

VSIP - Điểm sáng trong thu hút đầu tư (Ảnh: vietnambreakingnews)
VSIP - Điểm sáng trong thu hút đầu tư (Ảnh: vietnambreakingnews)

Điểm sáng trong thu hút đầu tư

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hiện có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó Singapore nằm trong top 4. Singapore hiện là nhà đầu tư lớn nhất của ASEAN vào Việt Nam, với 32,7 tỷ USD và hơn 1.350 dự án. Thống kê trong năm 2014, thương mại song phương giữa Việt Nam và Singapore đạt trên 16 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2013.
Việt Nam và Singapore có mối quan hệ đặc biệt, những nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước có mối quan hệ thân tình và tin cậy. Cho đến nay, dựa trên nền tảng mà ông Lý Quang Diệu đã xây dựng, mối quan hệ Singapore và Việt Nam đã chính thức được nâng lên tầm Đối tác chiến lược, mang lại chiều sâu trong quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Ngày 14-5-1996, tại Bình Dương, lễ động thổ VSIP I đã diễn ra dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước lúc bấy giờ. Từ năm 2005, VSIP nhanh chóng mở rộng dự án thứ hai tại tỉnh Bình Dương, VSIP thứ ba tại tỉnh Bắc Ninh (2007), VSIP thứ tư tại Hải Phòng (2010) và gần đây nhất là dự án VSIP thứ năm tại tỉnh Quảng Ngãi (2013). Trong quá trình phát triển, VSIP đã chuyển mình từ một khu công nghiệp truyền thống trở thành khu liên hợp đô thị - công nghiệp, đem lại những giải pháp đô thị mới như quy hoạch tổng thể quốc tế, hạ tầng bền vững và thu hút nhà đầu tư nước ngoài sản xuất giá trị gia tăng cao hơn. Đến nay, VSIP đã thu hút gần 500 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6,4 tỷ USD và tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 8 tỷ USD, tạo ra 140.000 việc làm.

VSIP - Điểm sáng trong thu hút đầu tư (Ảnh: vietnambreakingnews)
Lưu bút của nguyên Thủ tướng Singapore, Bộ trưởng danh dự cao cấp - Goh Chok Tong trong chuyến thăm VSIP Bắc Ninh năm 2014

VSIP trên vùng đất Kinh Bắc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dự Lễ truy điệu Ngài Lý Quang Diệu

Thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam sang Singapore dự Lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu vào ngày 29-3 tới.

Trước đó, vào trưa 23-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội ký vào sổ tang chia buồn khi được tin Ngài Lý Quang Diệu, nguyên Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore từ trần.

Bày tỏ xúc động khi được tin Ngài Lý Quang Diệu, người cha già của dân tộc Singapore đã từ trần, thay mặt Chính phủ, nhân dân Việt Nam và nhân danh cá nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi tới Chính phủ và nhân dân Singapore lời chia buồn sâu sắc nhất. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã viết vào sổ tang: “Sự ra đi của Ngài Lý Quang Diệu là một mất mát vô cùng to lớn, không chỉ đối với Singapore mà còn đối với Cộng đồng ASEAN nói chung. Những cống hiến to lớn của Ngài Lý Quang Diệu cho Singapore cùng những tư tưởng của Ngài về xây dựng, phát triển quốc gia sẽ luôn là nguồn cổ vũ to lớn cho các thế hệ mai sau. Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ tình cảm và sự giúp đỡ quý báu của Ngài Lý Quang Diệu dành cho Việt Nam. Tôi mong Chính phủ và nhân dân Singapore sớm vượt qua thời khắc đau thương này”.
Khởi công năm 2007, VSIP Bắc Ninh có tổng diện tích khoảng 700 ha, trong đó, diện tích khu công nghiệp là 500 ha, diện tích khu đô thị và dịch vụ là 200 ha, với vốn đầu tư dự kiến là 2 tỷ USD và thu hút khoảng 50.000 lao động. Tại lễ khởi công năm 2007, nguyên Thủ tướng Singapore, Bộ trưởng danh dự cấp cao Singapore - Goh Chok Tong đánh giá: “VSIP Bắc Ninh không chỉ là khu công nghiệp theo tiêu chuẩn và mô hình mẫu của Singapore mà còn góp phần quan trọng trong quá trình đô thị hóa và phát triển của Việt Nam”.

Hiện VSIP Bắc Ninh đã đầu tư hoàn thiện giai đoạn 1 và đang trong quá trình hoàn thiện giai đoạn 2. Khu công nghiệp đã thu hút 51 nhà đầu tư quốc tế đến từ các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ... với nhiều tập đoàn, công ty lớn như Microsoft, Suntrory PepsiCo, Foster, Mapletree, Nittan. Hiện khu công nghiệp đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 20.000 người.

Khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa hai đất nước, tại chuyến khảo sát khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh của nguyên Thủ tướng Singapore, Bộ trưởng danh dự cấp cao - Goh Chok Tong trong năm 2014, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, thành công của các khu công nghiệp VSIP có sự đóng góp lớn của các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Singapore như cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ Singapore Lý Quang Diệu, Thủ tướng Chính phủ Singapore Lý Hiển Long…

Các khu công nghiệp VSIP không chỉ thu hút được doanh nghiệp tiêu biểu và có công nghệ cao, mà còn là một mô hình khu công nghiệp hoạt động có hiệu quả, có sự chăm sóc tới đời sống của người lao động, tham gia phúc lợi xã hội cũng như bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là những khu công nghiệp tiêu biểu, là đứa con tinh thần thể hiện tinh thần hữu nghị giữa hai nước, xứng đáng với sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ của hai quốc gia.

Chị Đặng Thanh Hương - công nhân tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh chia sẻ: “Tôi vừa tốt nghiệp phổ thông trung học và hiện đang làm công nhân đóng gói. Làm việc trong công ty nước ngoài nên tôi rèn luyện cho mình được nhiều đức tính tốt như luôn chấp hành nghiêm túc các quy định về giờ giấc cũng như kỷ luật, nội quy. Mới vào làm việc nhưng hiện mức lương của tôi cũng được hơn 4 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, ngoài lương cơ bản, còn lại là các chế độ hỗ trợ như tiền ăn, tiền đi lại, chuyên cần, môi trường... Theo tìm hiểu của tôi thì mức lương sẽ được tăng mỗi năm 1 lần. Ngoài ra còn có 2 lần tiền thưởng cũng như được cho đi tham quan, nghỉ mát”.

Cùng với việc tạo công ăn việc làm cho người lao động, VSIP cũng góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội địa phương. Anh Trần Thanh Phong - xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh chia sẻ: “Từ khi khu công nghiệp đi vào hoạt động, đời sống người dân trong vùng cũng được cải thiện đáng kể. Nhiều gia đình mở dịch vụ bán hàng, rồi cho thuê nhà... nhờ nhu cầu từ công nhân ở khu công nghiệp”.

Ấn tượng với lời khuyên rất chân thành

Có thể nói ông Lý Quang Diệu là người đầu tiên nhận thấy vai trò của Việt Nam trong khu vực và nhận thấy được lợi ích trong quan hệ với Việt Nam, đồng thời nhận thấy được lợi ích của việc Việt Nam tham gia vào tổ chức khu vực ASEAN. Ông rất hiểu được bàn cờ chính trị thế giới và khu vực cho nên ASEAN phải đoàn kết, phải biết tập hợp được những nước cần thiết, trong đó có Việt Nam.

Tôi ấn tượng nhất có một lần ông nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam: “Các ông đừng nên vui mừng Singapore là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, mà các ông phải phấn đấu thế nào để Mỹ là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam”. Đây là lời khuyên rất chân thành. Ông Lý Quang Diệu thấy được vấn đề và biết được rằng lợi ích dân tộc của ông gắn với lợi ích của các dân tộc khác và gắn với lợi ích khu vực.

PGS. TS Dương Văn Quảng, Đại sứ Việt Nam tại Singapore (2003 - 2007)

 
Những gợi mở còn nguyên giá trị
 
Trong hơn 40 năm quan hệ ngoại giao với Việt Nam, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nhiều lần đến Việt Nam. Lần đầu tiên vào tháng 4-1992, ông đến thăm Hà Nội, TP.HCM và Đồng Nai, trò chuyện thân mật cả ngày với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tiếp xúc với Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh... Sau đó, ông liên tục trở lại Việt Nam vào tháng 11-1993, 3-1995, 11-1997 và lần cuối cùng là vào tháng 1-2007.
 
Nhìn nhận về Việt Nam, ngay từ khi mới nhậm chức, Thủ tướng Lý Quang Diệu từng mơ ước một ngày nào đó Singapore sánh ngang được với hòn ngọc Viễn Đông Sài Gòn. “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”, ông nhận xét.
 
Trong chuyến thăm Việt Nam cuối cùng hồi đầu năm 2007, ông Lý Quang Diệu đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như gợi mở những đường hướng giúp Việt Nam phát triển như vấn đề trọng dụng nhân tài,  xây dựng bộ máy công khai minh bạch, chống tham nhũng, đặc biệt là đầu tư cho giáo dục. “Chúng ta luôn giáo dục để thừa chứ không phải để thiếu. Nếu tính toán đào tạo đủ, chúng ta sẽ không thể cung cấp đủ nhu cầu của thị trường. Nếu thắng trong cuộc đua này, sẽ thắng trong phát triển kinh tế. Và Việt Nam sẽ thắng!”, ông khẳng định.
 
Theo Hùng Anh
An ninh Thủ đô