1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc xôn xao về “câu lạc bộ nhà giàu” tại Tử Cấm Thành

(Dân trí) - Báo chí Trung Quốc trong những ngày gần đây trở nên “nóng” trước thông tin giới giàu có nước này có thể bỏ tiền ra mua vé vào một “thâm cung” của Tử Cấm Thành để “mua vui” cho bạn bè và người thân.

 
Trung Quốc xôn xao về “câu lạc bộ nhà giàu” tại Tử Cấm Thành - 1
Cung Jianfu trong một lần mở cửa cho các phóng viên.

 

Thông tin đã gây ra làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trong cộng đồng mạng. Tuy nhiên, giới chức trách Trung Quốc mới đây đã lên tiếng phủ nhận. Họ khẳng định cung điện từng là nơi ở của các hoàng đế Trung Hoa này không có chuyện được dùng như một câu lạc bộ cho giới nhà giàu.

 

Thông tin về “câu lạc bộ nhà giàu” trong Tử Cấm Thành được đăng tải sau khi xảy ra vụ trộm đồ trị giá hàng triệu đô chưa từng có tiền lệ suốt mấy chục năm qua tại đây.

 

Báo chí Trung Quốc đưa tin, những người giàu có thể mua thẻ thành viên với giá lên tới hơn 150.000 USD để vào một câu lạc bộ đặc biệt.

 

Với cái giá này họ có thể vào cung Jianfu của Tử Cấm Thành, cung với nhiều tòa nhà và một khu vườn xưa kia là vườn thượng uyển.

 

Thông tin về sự việc bắt đầu lan truyền nhiều ngày trước đây, khi một người viết trên mạng rằng anh đã nhận được thư mời của Bảo tàng Tử Cấm Thành sau khi tham dự một buổi lễ khai trương tại cung Jianfu.

 

Tiếp đó vào thứ tư tuần trước, Rui Chenggang, người dẫn chương trình trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã tiết lộ trên blog cá nhân của mình rằng cung Jianfu đã bị biến thành một câu lạc bộ tư nhân, và chỉ tiếp đón những người giàu có, với số lượng hạn chế. Chỉ có hơn 500 người có thẻ thành viên. Thông tin trên blog của Rui đã nhanh chóng được chuyển đi trên mạng hơn 18.900 lần.

 

Cũng theo Rui, một tỷ phú Mỹ vừa mới tổ chức dạ tiệc cùng với gia đình bên trong một tòa nhà trong cung, mặc dù khu vực hiện không hề mở cửa cho công chúng.

 

Khu vườn của cung Jianfu, được biết đến với tên gọi Vườn Tây, được xây dựng vào năm 1740 và là khu vườn lớn thứ hai trong Tử Cấm Thành.

 

Nó bị hỏa hoạn thiêu rụi vào năm 1923 nhưng đã được tu sửa vào năm 2005, do Quỹ Di sản Trung Quốc tài trợ. Mặc dù vậy, cung Jianfu và khu vườn hiện vẫn chưa được mở cửa trở lại cho công chúng.

 

Vào ngày thứ sáu vừa qua, Bảo tàng Tử Cấm Thành đã “phản pháo” lại chỉ trích về việc sử dụng cung Jianfu trên trang web của mình. Bảo tàng cho biết khu vườn trong cung Jianfu thường là nơi diễn ra các cuộc hội thảo của các học giả hoặc là nơi tiếp đón các vị khách đặc biệt, chứ không phải là một câu lạc bộ tư nhân.

 

Tuy nhiên, ngay vào ngày hôm sau, cộng đồng mạng tiết lộ hàng loạt bằng chứng mới, trái ngược với tuyên bố của bảo tàng, với những bức ảnh chụp thỏa thuận giữa cung Jianfu và các thành viên của câu lạc bộ.

 

Thỏa thuận cho biết, các thành viên, cũng như bạn đời và khách của họ, có thể tận hưởng đặc quyền: tổ chức tiệc, hội thảo tại cung nếu họ trả phí thành viên thường xuyên.

 

Thỏa thuận được công ty phát triển văn hóa Tử Cấm Thành, một công ty Bảo tàng Tử Cấm Thành đầu tư, ký kết.

 

Kể từ tháng 3 vừa qua, công ty này đã đăng tải quảng cáo tuyển đầu bếp, phục vụ bàn, nhân viên phục vụ quầy rượu cùng nhân viên bảo vệ. Tuy nhiên, hầu hết những quảng cáo này đã bị xóa vào cuối tuần vừa qua.

 

Trong khi đó tối ngày thứ bảy vừa rồi, Rui Chenggang cho biết trên blog cá nhân của mình rằng, phí thành viên của cung Jianfu lên tới 1 triệu Tệ (154.000 USD).

 

Liu Chaoying, phó giám đốc Cơ quan quản lý di sản văn hóa thành phố Bắc Kinh cho biết, những hoạt động mang tính kinh doanh thuần túy không được tổ chức tại các địa điểm văn hóa và lịch sử do nhà nước sở hữu, ví dụ như Tử Cấm Thành. “Bạn có thể tìm thấy nhà hàng, quán café ở mọi bảo tàng khắp thế giới, ví dự như cung điện Louvre (Pháp). Nhưng những dịch vụ này chỉ mang mục đích phục vụ tốt hơn cho du khách, phản ánh những đặc điểm văn hóa của địa điểm, chứ không hoàn toàn mang mục đích kiếm tiền”, ông Liu khẳng định.

 

Phan Anh

Theo BBC, China Daily