Trung Quốc với mối lo tham nhũng ăn mòn học thuật
Kết quả cuộc kiểm tra 14 trường đại học trên toàn Trung Quốc, trong đó có 2 trường đại học nổi tiếng là Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, cho thấy nạn tham nhũng đang hoành hành ở nhiều cơ quan giáo dục lớn của nước này.
Báo cáo của Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) khẳng định nguy cơ tham nhũng tại phần lớn trong số 14 trường đại học này là rất lớn. Các nguy cơ này có thể xảy ra trong những lĩnh vực như các doanh nghiệp trực thuộc sự quản lý của trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý tài sản, quản lý kinh phí nghiên cứu khoa học và hoạt động tuyển sinh.
Đặc biệt, một số nguồn lực của trường đại học đã bị sử dụng để phục vụ những lợi ích không chính đáng và một số cán bộ lãnh đạo hoặc nhân viên đã lợi dụng chức quyền để mưu cầu lợi ích cá nhân. Phần lớn trong số 14 nhà trường chưa tuân thủ nghiêm túc 8 quy định của Đảng Cộng sản Trung Quốc về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, gây nhiều thiệt hại cho công quỹ thông qua hoạt động du lịch, đi nước ngoài, tiếp khách, sử dụng xe công vì mục đích cá nhân.
Không lĩnh vực nào ở Trung Quốc là ngoại lệ đối với gian lận và tham nhũng, kể cả khi đó là các lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi xã hội như sức khoẻ, giáo dục, thể thao, chính trị hay tôn giáo. Giáo dục đại học cũng vậy. Một bài báo đăng trên tạp chí điện tử Giáo dục đại học quốc tế vào năm 2015 mô tả tình trạng tham nhũng tại nền giáo dục đại học Trung Quốc như là một “khối u” ác tính và đề cập đến việc từ những năm 1990, tham nhũng đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động học thuật tại các trường đại học Trung Quốc.
Bài báo đưa ra ví dụ về tình trạng đạo văn, biển thủ ngân sách nghiên cứu và thiên vị trong bổ nhiệm cán bộ nghiên cứu. Trước đây, tại Trung Quốc, giáo sư thường có địa vị xã hội cao với lương và đãi ngộ thoả đáng. Điều này dẫn đến việc số lượng giáo sư tăng nhanh chóng và qua đó dẫn đến không chỉ chức danh giáo sư bị mất giá mà việc thăng tiến khoa học bị chi phối bởi các quan hệ cá nhân hơn là dựa trên thành tích học thuật.
Đây là hệ quả từ chính sách của nguyên Ủy viên Hội đồng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc trước đây Chen Zhili. Chạy theo những lợi ích tài chính, các trường đại học bắt đầu thu nhiều loại lệ phí, biến giáo dục trở thành một trong 10 ngành kinh doanh béo bở và cũng mục nát nhất quốc gia. Theo thống kê, quỹ dành cho nghiên cứu khoa học và công nghệ trong năm 2013 là 500 tỷ NDT (tương đương 82,2 tỷ USD). Tổng số quỹ trong 8 năm qua lên tới gần 3 ngàn tỷ NDT (tương đương 493 tỷ USD). Tuy nhiên, chỉ 40% số tiền trên được phân bổ thực sự vào các dự án nghiên cứu.
Trước vấn nạn tham nhũng, ngay từ năm 2014, Cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc và Bộ Giáo dục nước này đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra. Hàng loạt các quan chức công tác tại các trường đại học cao đẳng đã “ngã ngựa”. Chẳng hạn, Phó Hiệu trưởng Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh Dương Phóng Xuân bị cáo buộc chi phí khống lên đến 2,8 triệu NDT; Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Đối ngoại Bắc Kinh Lưu Á vi phạm quy định khi cùng lúc giữ chức Tổng giám đốc “tạm thời” của 6 công ty, nhận 1,266 triệu NDT; nguyên Hiệu trưởng Học viện Thương mại Quốc tế Thang Cốc Lương nhận 1,529 triệu NDT khi cùng giữ chức Tổng giám đốc “tạm thời” của 4 công ty...
Liên quan đến cuộc kiểm tra mới nhất với 14 trường đại học trên toàn Trung Quốc, hiện chưa có thông báo kỷ luật. Tuy nhiên, văn bản của Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương nước này đã yêu cầu tổ chức Đảng của 14 trường đại học nâng cao nhận thức chính trị, tăng cường công tác xây dựng Đảng, và đẩy mạnh hoạt động giám sát trong những lĩnh vực dễ xảy ra tình trạng tham nhũng.
Theo P.V
An ninh thủ đô