Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:
Trung Quốc vẫn bám lấy “lưỡi bò”
Giới phân tích nhận định, Biển Đông chỉ là "thuốc thử" trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc. Điều này được thể hiện rất rõ trong Luật an ninh quốc gia mới vừa được Bắc Kinh thông qua và điểm quan trọng nhất là việc thay đổi cái gọi là "lợi ích cốt lõi".
Ngày 8/7, tờ South China Morning Post đưa tin, 3 tướng thuộc 3 đại quân khu Nam Kinh, Thẩm Dương và Tế Nam vừa được điều về Bộ Tư lệnh Không quân và đây là động thái cho thấy, quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị cho nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đại hội 19 khi một số lãnh đạo hiện nay đến tuổi nghỉ hưu. Theo đó, tướng Vu Trung Phúc, Chính ủy Nam Kinh được cử làm Chính ủy Quân chủng Không quân, thay tướng Điền Tư Tu đến tuổi nghỉ hưu. Tướng Triệu Dĩ Lương, Chính ủy Thẩm Dương được thăng chức Phó Chính ủy Quân chủng Không quân, và tướng Phạm Kiêu Tuấn, Chính ủy Tế Nam được điều làm Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Không quân. Cả 3 tướng kể trên có khả năng sẽ được thăng quân hàm trước dịp kỷ niệm thành lập quân đội 1/8. Theo đó, Trung tướng Vu Trung Phúc và Trung tướng Triệu Dĩ Lương được đeo hàm Thượng tướng, còn Thiếu tướng Phạm Kiêu Tuấn được đeo lon Trung tướng. |
Giới phân tích nhận định, Biển Đông chỉ là "thuốc thử" trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc. Điều này được thể hiện rất rõ trong Luật an ninh quốc gia mới vừa được Bắc Kinh thông qua và điểm quan trọng nhất là việc thay đổi cái gọi là "lợi ích cốt lõi". Theo đó, "lợi ích cốt lõi" đã trở thành một khái niệm rộng lớn hơn rất nhiều và bao trùm cả Biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo giới truyền thông, mặc dù Trung Quốc từ chối tham gia, nhưng Bắc Kinh vẫn dõi theo mọi động tĩnh của vụ kiện. Giới học giả quốc tế nhận định, dù không tham gia vụ kiện nhưng Trung Quốc đã và đang tìm đủ mọi cách để vận động chống lại một phán quyết bất lợi cho họ.
Theo nhận định của học giả Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, PCA sẽ cập nhật mọi thông tin về tiến trình xử lý vụ kiện và các thẩm phán đang chịu sức ép đáp ứng lợi ích của Trung Quốc. Và vụ kiện của Philippines tại PCA đang được các nước châu Á và Mỹ theo dõi sát sao.
Khi trả lời phỏng vấn tờ Straits Times (Singapore), ông Rafael Alunan, cựu Bộ trưởng Nội vụ Philippines dưới thời Tổng thống Fidel Ramos hồi tưởng lại việc Trung Quốc chiếm bãi đá Vành Khăn tại quần đảo Trường Sa và mối lo ngại của Manila cũng thành hiện thực khi khu vực này đã trở thành căn cứ quân sự chính thức của Bắc Kinh.
Theo báo cáo của Boston Global Forum, những hành động vội vã và lấn lướt của Trung Quốc đã giúp Mỹ phục hồi uy tín sau những tai tiếng thời kỳ cựu Tổng thống Bush và trở thành lực lượng giữ ổn định tại châu Á. Việc Mỹ nhận được ủng hộ xuất phát từ sự hống hách trong khu vực mà Trung Quốc đang tiến hành. Và Bắc Kinh cũng lập tức thay đổi các cam kết trước đó nhằm đạt được mục đích hoặc bày tỏ thái độ để “thích nghi với thời cuộc”.
Coi chừng gió đổi chiều
Tân Hoa xã cho biết, ngày 6/7, lực lượng pháo binh của quân đội Trung Quốc đã diễn tập bắn đạn thật tại một căn cứ huấn luyện thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu Lan Châu. Và trong cuộc diễn tập kéo dài hơn 2 tháng này, các lữ đoàn pháo binh từ 7 quân khu sẽ thử nghiệm 1 loạt kỹ năng chiến đấu, trong đó có hỗ trợ hỏa lực, tấn công và phòng ngự, rút lui và truy kích, đổ bộ đường không và chống đổ bộ đường không.
Cũng trong ngày 6/7, tờ South China Morning Post dẫn các nguồn tin hải quân Philippines cho biết, hải quân nước này vừa phát hiện một tấm bia thép lớn khắc chữ Trung Quốc và hàng trăm chiếc phao màu vàng bí ẩn ở gần bãi Cỏ Rong trên Biển Đông (từ cuối tháng 5). Trong khi hải quân Philippines tìm cách thu hồi những chiếc phao này, thì một tàu tuần tra của Trung Quốc bất ngờ xuất hiện và áp sát, buộc tàu của Philippines phải rời đi. Giới không quân Philippines cho rằng, những chiếc phao nổi lớn kể trên có thể được Trung Quốc thả xuống để ngư dân nước này làm nơi buộc tàu thuyền.
Tờ The Diplomat khẳng định, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là cực kỳ mơ hồ, và lý do Bắc Kinh tiến hành cải tạo tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam theo cách giải thích của Ngoại trưởng Vương Nghị là không thuyết phục. Trước đó, tờ The Diplomat số ra ngày 29/6 cũng đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc không thay đổi cách tiếp cân ở Biển Đông. Và câu trả lời của 2 lần đều giống nhau - kết quả có thể chấp nhận được đối với Bắc Kinh là “Trung Quốc chiến thắng”!
Ngày 2/7, hãng AFP dẫn tuyên bố của người phát ngôn Không quân Philippines, Đại tá Enrico Canaya cho biết, trực thăng Bell 412EP, trong gói đầu tiên của 8 chiếc Manila đặt mua của Canada, đã được chuyển tới nước này. Sáu chiếc còn lại sẽ được bàn giao cho Manila trước cuối năm nay, nhằm bổ sung cho phi đội trực thăng Huey cũ kỹ của quân đội Philippines.
Gia tăng mua sắm vũ khí
Ngày 7/7, tờ Tin tức Bình luận Trung Quốc xuất bản tại Hongkong đưa tin, Bắc Kinh vừa tổ chức hội thảo "Cộng đồng học thuật về quan hệ quốc tế và chính trị học lần thứ 8". Trong đó có trao đổi xung quanh "tranh chấp và hợp tác trên biển", cùng các vấn đề nóng trên Biển Đông "từ góc độ của Việt Nam cũng như Trung Quốc".
Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, học giả gốc Việt giảng dạy tại Đại học George Mason, Virginia, Mỹ, có 3 nhân tố ảnh hưởng đến quan hệ Việt-Trung. Thứ nhất, vị trí địa lý quá gần và tính bất đối xứng về sức mạnh. Thứ hai, lịch sử "vừa yêu vừa hận" giữa 2 nước cũng như nỗi lo chủ nghĩa đại Hán từ người Việt. Thứ ba, sự tương đồng về ý thức hệ cũng như nhu cầu ổn định chế độ chính trị.
Ngoài ra, giới chuyên gia quân sự còn cho rằng, Bắc Kinh nên đưa vào biên chế dòng máy bay tuần tra chống ngầm hiện đại, giúp tăng cường khả năng tác chiến của hải quân. Và máy bay Gaoxin-6 được bàn giao cho Hạm đội Bắc Hải cần được nhân rộng. Bởi việc đưa vào biên chế Gaoxin-6 (10 thành viên phi hành đoàn, có khả năng bay 6.000km, trong hơn 8 giờ liên tục) đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 6 có khả năng phát triển loại máy bay phức tạp này, sau Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh và Pháp. Theo chuyên gia hải quân Trung Quốc Lý Kiệt, Bắc Kinh có tham vọng xây dựng lực lượng săn ngầm tương tự như máy bay chống ngầm P-3C của Mỹ.
Ngày 6/7, tờ Tin tức tham khảo Trung Quốc dẫn lại thông tin từ trang Lợi ích quốc gia (Mỹ) nhận định, tới năm 2025 quân đội Trung Quốc sẽ mạnh tới mức nào. Theo nhận định của trợ lý giáo sư Robert Farley, Học viện ngoại giao và thương mại quốc tế Patterson, thuộc Đại học Kentucky, Mỹ: Gần 15 năm qua, quân đội Trung Quốc đã có thay đổi lớn, từ lý luận, trang bị, huấn luyện, tới phương hướng chiến lược và diện mạo của Hải-Lục-Không quân đã hoàn toàn khác so với thập niên 1990.
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Thế giới, quý độc giả có thể gửi đến ban Quốc tế báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email thegioi@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn! |