1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc và những tham vọng vũ trụ

(Dân trí) - Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ Thần Châu-8 một tháng sau khi phóng Phòng Thí nghiệm Không gian Thiên Cung-1 vào vũ trụ. Đây được cho là bước thứ hai trong chương trình đưa người vào vũ trụ của Trung Quốc, hiện thực hóa giấc mơ cường quốc vũ trụ của nước này.

 
Trung Quốc và những tham vọng vũ trụ - 1
Ảnh vụ phóng tàu vũ trụ Thần Châu-8.

Những dấu mốc vũ trụ với Thần Châu

Chương trình đưa người vào vũ trụ của Trung Quốc được cho là chia là 3 bước.

Bước 1 là phi hành gia đi bộ ngoài không gian.

Bước thứ 2 bắt đầu thực hiện từ năm 2011, mang tên Kế hoạch Thiên Cung-1, trong đó gồm phóng module Thiên Cung-1 , tiếp đó là Thần Châu-8, Thần Châu-9 và Thần Châu-10, tiến hành kết nối không người, có người với Phòng Thí nghiệm Không gian Thiên Cung-1, hình thành sơ bộ trạm không gian.

Bước thứ 3 hiện vẫn chưa xác định rõ thời hạn hoàn thành, nhưng sẽ được thực hiện trên cơ sở bước thứ hai và mục tiêu là xây dựng trạm không gian có người làm việc lâu dài.

Năm 1960, dưới sự giúp đỡ của các nhà khoa học Nga, Trung Quốc đã phát triển thành công chương trình tên lửa đầu tiên, đánh dấu việc bắt đầu phát triển thế hệ tên lửa Trường Chinh-CZ. Ngày 24/4/1970: Trung Quốc phóng vệ tinh đầu tiên, “East is Red I”, bằng tên lửa đẩy Trường Chinh, trở thành nước thứ 5 đưa thành công vệ tinh nhân tạo vào quĩ đạo.

Đầu những năm 1990, Trung Quốc gặp thất bại trong một loạt các vụ phóng vệ tinh thương mại. Nhưng đến năm 1992, Trung Quốc bắt đầu chương trình Thần Châu với mục đích đưa người vào vũ trụ.

Ngày 20/11/1999, Trung Quốc thực hiện chuyến bay đầu tiên trong các chuyến bay của tàu Thần Châu không người lái (Thần Châu 1) bằng tên lửa Trường Chinh-2F.

Tiếp đó, trong 2 năm 2001-2002, Trung Quốc lần lượt phóng tàu không người lái Thần Châu 2, 3 và 4.

Nhưng ngày 15/10/2003 mới là ngày diễn ra sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tham vọng chinh phục không gian của Trung Quốc, khi phi hành gia Dương Lợi Vĩ trở thành người Trung Quốc đầu tiên bay vào vũ trụ trong sứ mệnh Thần Châu 5. Dương Lợi Vĩ đã trở về Trái đất sau một hành trình 21 giờ 14 phút bay quanh Trái đất. Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới (sau Liên Xô và Mỹ) đưa người lên vũ trụ.

Đúng 2 năm sau đó, ngày 15/10/2005, Trung Quốc phóng tàu Thần Châu 6 với 2 nhà du hành vũ trụ trong chuyến bay có người lái thứ 2 của nước này. Thần Châu 6 đã bay quanh quĩ đạo Trái đất 5 ngày với quãng đường 3,25 triệu km.

Tháng 9/2008, Trung Quốc phóng tàu Thần Châu 7. Trong chuyến bay này Trác Chí Cương đã trở thành người Trung Quốc đầu tiên thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian.

Thần Châu 8 vừa rời khỏi bệ phóng sáng nay, 1/11/2011, và sẽ thực hiện “ca” ghép nối trên vũ trụ đầu tiên của Công trình Hàng không Vũ trụ có người lái của Trung Quốc - cuộc thử nghiệm có nhiều phần sẽ quyết định liệu Trung Quốc đã nắm vững được công nghệ cho phép họ bắt đầu tự xây dựng trạm không gian riêng hay chưa, trước khi tiến hành kế hoạch xây dựng một trạm vũ trụ đầu tiên vào năm 2020.

Trung Quốc dự tính thực hiện thêm hai lần cập phi thuyền trên không gian nữa vào năm tới, trong đó ít nhất một lần sẽ có phi hành gia trên tàu.

Chương trình thám hiểm Mặt Trăng

Về chương trình thám hiểm Mặt Trăng, Trung Quốc cũng chia thành ba giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tiên là nghiên cứu thiết bị thám trắc đổ bộ xuống Mặt Trăng. Hiện nay, Trung Quốc đã hoàn thành giai đoạn này.

Chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Trung Quốc được đặt dấu mốc vào ngày 24/10/2007, khi Trung Quốc phóng thành công vệ tinh thăm dò Mặt trăng đầu tiên mang tên Hằng Nga-1, một sự kiện được quốc gia đông dân nhất thế giới này chào đón như bước ngoặt lịch sử ghi dấu sự lớn mạnh của họ trong lĩnh vực công nghệ của thế giới.

Khi đó, một trong những nhà khoa học hàng đầu tham gia chương trình Mặt trăng của Trung Quốc, ông Âu Dương Tự Viễn, đã khẳng định một thông điệp lớn hơn mà sự kiện lần này sẽ mang lại cho người dân Trung Quốc cũng như toàn thế giới. Để tăng thêm niềm tự hào của người Trung Quốc, quốc ca và 31 bài hát ca ngợi đất nước đã được mang theo để vệ tinh này có thể phát trở về Trung Quốc.

Trung Quốc đã miêu tả đây là "mốc son" thứ ba trong chương trình vũ trụ của họ. Trước đó, từ những năm 1970, Trung Quốc đã triển khai các tên lửa cùng vệ tinh và năm 2003, Bắc Kinh đã tạo ra cú sốc lớn trong khu vực khi trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á đưa tàu vũ trụ có người lái lên quỹ đạo.

Sau sự kiện này, giới phân tích khu vực thậm chí còn cho rằng cuộc đua vào vũ trụ ở Châu Á đã nóng lên. Hằng Nga -1 được phóng tháng 4/2007 sau khi Nhật Bản tháng trước phóng tàu vũ trụ thăm dò Mặt trăng đầu tiên và trước một sứ mệnh tương tự đã được Ấn Độ lên kế hoạch vào năm sau đó.

Nhưng chưa dừng ở đó. Hằng Nga-2 được phóng lên quĩ đạo bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-3 ngày 1/10/2010, tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Hằng Nga-2 đã bay vào quỹ đạo Mặt trăng và chụp được những hình ảnh về Sinus Iridum (Vịnh Cầu Vồng) trên Mặt trăng. Hằng Nga-2 cũng đã thực hiện thành công bay thử nghiệm trong điều kiện nguyệt thực và đã bay nhiều giờ trong khoảng không tối hoàn toàn.

Tàu có nhiệm vụ phân tích bề mặt, môi trường xung quanh Mặt trăng và chụp ảnh khu vực tàu vũ trụ Hằng Nga-3 và Hằng Nga-4 của Trung Quốc dự kiến đáp xuống Mặt trăng trong tương lai.

Với việc phóng tàu Thường Nga-2 vào tháng 10/2010, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn hai của chương trình thám hiểm Mặt Trăng với các nhiệm vụ chính là nghiên cứu chế tạo thiết bị thám trắc đổ bộ “mềm” lên Mặt Trăng và thiết bị tuần tra trên Mặt Trăng.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn ba dự kiến được thực thi vào năm 2013, nước này sẽ phóng tàu Hằng Nga-3, đáp xuống bề mặt Mặt trăng và tới năm 2017 sẽ lấy được một mẫu đá trên Mặt trăng mang về Trái đất. Toàn bộ chương trình này kéo dài khoảng 20 năm.

Điểm then chốt nữa của chương trình vũ trụ mà Trung Quốc theo đuổi là việc xây dựng mạng lưới vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu.

Trung Quốc đã hình thành được hệ thống dẫn đường Bắc Đẩu thế hệ thứ nhất kiểu chủ động, chủ yếu dùng vào việc dẫn đường dân sự ở Trung Quốc và khu vực xung quanh, chưa thể phục vụ cho việc dẫn đường hệ thống vũ khí.

Nguyễn Viết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm