1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc tung "quân bài chủ nghĩa dân tộc" trong cuộc chiến ngoại giao

Minh Phương

(Dân trí) - Cuộc chiến ngoại giao Trung Quốc - phương Tây có xu hướng leo thang với các lệnh trừng phạt "ăn miếng, trả miếng". Ngoại giao "chiến lang" một lần nữa được Bắc Kinh tận dụng để đáp trả các chỉ trích.

Trung Quốc tung quân bài chủ nghĩa dân tộc trong cuộc chiến ngoại giao - 1
Phái đoàn Trung Quốc do ủy viên Bộ chính trị Dương Khiết Trì dẫn đầu đến Alaska tham gia đối thoại với các nhà ngoại giao Mỹ hôm 18/3 (Ảnh: Reuters).

Trong cuộc hội đàm nảy lửa giữa các nhà ngoại giao của Mỹ và Trung Quốc hôm 18/3, ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì nói: "Mỹ không đủ tư cách để nói chuyện với Trung Quốc một cách trịch thượng". Chỉ vài giờ sau đó, các trang thương mại điện tử Trung Quốc đã rao bán hàng loạt mẫu áo phông, ốp điện thoại và các mặt hàng khác có in câu nói của ông Dương. Điều này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng đáp trả những chỉ trích của phương Tây về nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có vấn đề Tân Cương.

Những ngày gần đây, Trung Quốc đã áp các lệnh trừng phạt đáp trả Anh và Liên minh châu Âu (EU), cáo buộc các nước này truyền bá các thông tin lệch lạc về cách đối xử của Bắc Kinh với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Truyền thông và các nhà ngoại giao theo đường lối ngoại giao "chiến lang" của Trung Quốc đã dùng mạng xã hội để công kích các chính phủ phương Tây, nhấn mạnh vào cụm từ tiêu chuẩn kép đạo đức giả. Bắc Kinh dường như muốn khơi dậy làn sóng chủ nghĩa dân tộc trên môi trường mạng.

H&M, nhãn hàng lớn của châu Âu, trong tuần này đã biến mất khỏi các gian hàng thương mại trực tuyến ở Trung Quốc sau khi Bắc Kinh bất ngờ lật lại một tuyên bố hồi tháng 9 năm ngoái của tập đoàn này trong đó nêu quan ngại về tình trạng cưỡng bức lao động ở Tân Cương. Các nhãn hãng như Nike, Burberry cũng nhanh chóng bị cuốn vào làn sóng bị tẩy chay ở Trung Quốc. Trong một bài xã luận hôm 26/3, biên tập viên của Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của Trung Quốc cho rằng "cuộc chiến" về Tân Cương có thể trở thành "chiến tuyến" mới trong xung đột hệ tư tưởng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Quân bài chủ nghĩa dân tộc

Trong bối cảnh căng thẳng chính trị leo thang, doanh nghiệp là một trong những cầu nối hiếm hoi để hàn gắn quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây. Tuy vậy, đến ngày 25/3, cây cầu này cũng bắt đầu lung lay trước sức ép chính trị.

Sau H&M, hàng loạt nhãn hàng của phương Tây trở thành mục tiêu tẩy chay của cộng đồng mạng Trung Quốc. Cư dân mạng ở Trung Quốc đã đào xới lại những tuyên bố của các thương hiệu phương Tây có liên quan đến vấn đề Tân Cương, trong đó có các tuyên bố dừng sử dụng bông Tân Cương để phản đối tình trạng cưỡng bức lao động ở đây. Biên tập viên Hu Xijin của Thời báo Hoàn cầu (Global Times) bình luận: "Chúng ta hãy huy động các lực lượng khác nhau, phát huy hết sức mạnh cụ thể của họ và chiến đấu một cuộc chiến tranh nhân dân để bảo vệ chủ quyền và phẩm giá của chúng ta một cách sáng tạo".

Phản ứng gay gắt ở Trung Quốc những ngày qua gợi nhớ đến làn sóng tẩy chay ở Trung Quốc nhắm vào các cửa hàng, xe hơi của Nhật Bản năm 2012 và nhằm vào chuỗi siêu thị Lotte của Hàn Quốc năm 2017. Tuy nhiên, nếu trước kia các nhà ngoại giao và giới chức Trung Quốc có vẻ bình tĩnh để nỗ lực dập ngọn lửa giận dữ của người dân và ngăn những thiệt hại lớn về kinh tế và ngoại giao, thì hiện nay, sự trỗi dậy của đường lối ngoại giao "chiến lang" đang chiếm ưu thế.

"Người dân Trung Quốc một mặt không cho phép nước ngoài vừa thu lợi ở Trung Quốc vừa bôi nhọ Trung Quốc. Chúng tôi muốn ngăn mọi cuộc tấn công ác ý nhắm vào Trung Quốc và thậm chí cố gắng làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc dựa vào các tin đồn và lời nói dối", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói khi đề cập đến làn sóng tẩy chay các nhãn hàng phương Tây. Bà Hoa nói thêm, chiến dịch tẩy chay này không phải là "chủ nghĩa dân tộc", mà là "chủ nghĩa yêu nước".

Đổ vỡ hy vọng cải thiện quan hệ

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào tháng 1 năm nay, chính phủ Trung Quốc đã phát đi thông điệp mong muốn cải thiện quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vốn căng thẳng chưa từng có trong 4 năm qua dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng đối mặt với các cáo buộc đối xử tệ với người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng thiểu số ở Tân Cương.

Mong muốn cải thiện quan hệ của Bắc Kinh không thể trở thành hiện thực. Không lâu trước cuộc đối thoại ở Alaska, Mỹ công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào các quan chức của Trung Quốc do quan ngại các hành động của Bắc Kinh ở Hong Kong. Đầu tuần này, Mỹ, Canada, Anh và EU đồng loạt áp lệnh trừng phạt các quan chức Trung Quốc do vấn đề Tân Cương. Trung Quốc cũng lập tức công bố trừng phạt đáp trả.

Tại một cuộc họp báo hôm 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: "Chúng tôi hy vọng phía Mỹ và các đồng minh phương Tây sẽ từ bỏ thói đạo đức giả, kiêu ngạo và các tiêu chuẩn kép, đối mặt với các vấn đề nhân quyền của mình và có những hành động cụ thể để cải thiện và bảo vệ nhân quyền".