1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Căng thẳng Trung Quốc - phương Tây nhìn từ làn sóng tẩy chay hàng hiệu

Minh Phương

(Dân trí) - Các nhãn hàng lớn đối mặt với làn sóng tẩy chay dữ dội của người tiêu dùng Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ giữa Bắc Kinh và phương Tây "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt".

Căng thẳng Trung Quốc - phương Tây nhìn từ làn sóng tẩy chay hàng hiệu - 1

Một trung tâm mua sắm ở Thượng Hải, Trung Quốc (Ảnh: Chinanews)

Làn sóng tẩy chay nhãn hàng quốc tế ở Trung Quốc

H&M (Thụy Điển) trở thành nhãn hàng nước ngoài đầu tiên bị kêu gọi tẩy chay ở Trung Quốc những ngày gần đây sau khi tuyên bố bày tỏ quan ngại về lao động cưỡng bức ở Tân Cương bị lật lại. Theo New York Times, hồi tháng 9 năm ngoái, H&M đăng tuyên bố trên trang chủ của mình về việc ngừng tiêu thụ bông từ Tân Cương do "lo ngại sâu sắc về những cáo buộc cưỡng ép lao động, vi phạm nhân quyền và phân biệt đối xử các nhóm sắc tộc tôn giáo thiểu số ở Tân Cương".

H&M nói rằng, tuyên bố 8 tháng trước của họ "không thể hiện bất cứ quan điểm chính trị nào". Mặc dù vậy, H&M vẫn không tránh được làn sóng giận dữ và tẩy chay của cư dân mạng Trung Quốc - những người yêu cầu H&M phải đưa ra lời xin lỗi. Trên mạng xã hội Weibo, người dùng Trung Quốc gắn các hashtag kêu gọi ngừng sử dụng sản phẩm của H&M. Công ty bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới này đã phải rút khỏi các nền tảng kinh doanh trực tuyến ở Trung Quốc. 

Các thương hiệu khác như Burberry (Anh), Nike, New Balance (Mỹ) và Adidas (Đức) cũng đối mặt với làn sóng tẩy chay khi bị truyền thông Trung Quốc liệt vào danh sách các doanh nghiệp nói không với bông Tân Cương. Tommy Hilfiger, Converse và Calvin Klein cũng mất các đại sứ thương hiệu trong khi Burberry phải từ bỏ một mối làm ăn trực tuyến ở Trung Quốc.

Các nhãn hàng lớn của phương Tây bất ngờ đối mặt với làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ giữa Bắc Kinh và phương Tây "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" xoay quanh vấn đề lao động cưỡng bức ở Tân Cương. 

Hiện chưa rõ những tác động lâu dài của làn sóng kêu gọi tẩy chay này đến các doanh nghiệp phương Tây vốn phụ thuộc lớn vào Trung Quốc ở cả khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hôm 25/3, ở các cửa hàng của H&M và Nike ở Thượng Hải và Bắc Kinh vẫn có các tín đồ hàng hiệu Trung Quốc.

Mắc kẹt trong căng thẳng Trung Quốc - phương Tây

Trước kia, truyền thông Trung Quốc từng phát động một chiến dịch tẩy chay với các doanh nghiệp như Apple, Starbucks và Volkswagen nhưng vẫn không thể làm thay đổi thói quen tiêu dùng hàng hiệu của người tiêu dùng ở thị trường tỷ dân này. Mặc dù vậy, người tiêu dùng Trung Quốc có thể sẽ ngày càng dao động khi Bắc Kinh tìm cách đáp trả phương Tây. Vài năm trước, sau khi Hàn Quốc theo đuổi kế hoạch lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, chính phủ Trung Quốc đã làm dậy lên làn sóng chống Hàn Quốc, buộc chuỗi siêu thị Lotte Mart phải đóng cửa một phần.

Những chiến thuật ngoại giao kiểu vậy ngày càng trở thành "thương hiệu" của Trung Quốc, hay nói cách khác là dùng chủ nghĩa dân tộc để đối phó những người chống lại Bắc Kinh. Chiến thuật này đã nhanh chóng tạo ra làn sóng tẩy chay các nhãn hàng quốc tế đang lan rộng ở Trung Quốc những ngày qua. Tại một cửa hàng của Nike ở Thượng Hải, Yang Meilu, 20 tuổi, cho biết cô đến đó bởi tò mò muốn xem liệu còn bao nhiêu người tiếp tục mua hàng của Nike sau kêu gọi tẩy chay. Nữ sinh này cho biết, cô bất ngờ khi Nike bày tỏ quan ngại về vấn đề lao động cưỡng bức ở Tân Cương. "Có lẽ từ giờ tôi sẽ không mua hàng của họ nữa", Yang nói.

Các hãng truyền thông quốc gia Trung Quốc cũng công khai khơi dậy sự phẫn nộ của người tiêu dùng trong nước bằng cách dùng hashtag trên mạng xã hội và in đậm các tiêu đề liên quan.

Căng thẳng Trung Quốc - phương Tây nhìn từ làn sóng tẩy chay hàng hiệu - 2
Phương Tây cáo buộc Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức trong ngành sản xuất bông ở Tân Cương (Ảnh: CNA)..

Jörg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại EU ở Trung Quốc, nhận định: "Cuộc chiến này có thể còn căng thẳng hơn nữa". Quan chức này cho biết thêm, thời gian tới có thể sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp của EU gánh hậu quả do căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây.

Theo New York Times, vấn đề của các nhãn hàng thời trang xa xỉ tại Trung Quốc không chỉ đơn giản là vấn đề quản lý các mối quan hệ công chúng mà còn là vấn đề nguồn cung. Để có bông phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp này gần như chắc chắn phải dựa vào nguồn cung từ Tân Cương. Tân Cương là nơi sản xuất 87% bông ở Trung Quốc. Khoảng 1/5 sản phẩm may mặc bằng bông sợi trên thế giới là bông sợi từ Tân Cương.

Làn sóng tẩy chay các nhãn hàng quốc tế phản chiếu một phần căng thẳng ngoại giao Trung Quốc và phương Tây thời gian gần đây sau khi Mỹ và các nước EU liên tiếp áp lệnh trừng phạt Bắc Kinh. Đầu tuần, EU đã áp lệnh trừng phạt với 4 quan chức và một công ty của Trung Quốc, đánh dấu lệnh trừng phạt đầu tiên sau hơn 30 năm. Động thái của châu Âu diễn ra sau khi có nhiều lời chỉ trích về các hành vi thương mại và cách xử lý mạnh tay của Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương, Hong Kong. Động thái này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của các nước khác. Anh, Mỹ và Canada đồng loạt áp thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào quan chức và cựu quan chức Tân Cương.