1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thương hiệu xa xỉ Burberry bị tẩy chay ở Trung Quốc

Nhật Linh

(Dân trí) - Burberry đã trở thành thương hiệu xa xỉ đầu tiên bị tẩy chay ở Trung Quốc do liên quan đến phản ứng về vấn đề Tân Cương.

Thương hiệu xa xỉ Burberry bị tẩy chay ở Trung Quốc - 1

Burberry đã trở thành thương hiệu xa xỉ đầu tiên bị tẩy chay ở Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, Burberry không chỉ mất đại sứ thương hiệu Trung Quốc mà thiết kế kẻ sọc tartan của hãng này cũng đã bị gỡ bỏ khỏi một trò chơi điện tử nổi tiếng.

Hôm nay (26/3), Trung Quốc đã tuyên bố trừng phạt các tổ chức và cá nhân ở Vương quốc Anh vì cái gọi là "dối trá và thông tin sai lệch" về Tân Cương. Động thái này diễn ra vài ngày sau khi London áp lệnh trừng phạt Bắc Kinh vì cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực phía Tây Trung Quốc.

Burberry là thành viên của Sáng kiến bông tốt hơn, một tổ chức nhằm thúc đẩy sản xuất bông bền vững. Hồi tháng 10 năm ngoái, thương hiệu này đã tuyên bố đình chỉ việc nhập bông từ Tân Cương với lo ngại về vấn đề nhân quyền.

Nữ diễn viên Trung Quốc Zhou Dongyu cũng đã tuyên bố chấm dứt hợp đồng làm đại diện thương hiệu cho Burberry.

Trong một bài viết đăng trên weibo, tài khoản chính thức của một trò chơi cũng đã tuyên bố loại bỏ toàn bộ thiết kế kẻ sọc mang tính biểu tượng của Burberry ra khỏi trang phục của các nhân vật trong game nổi tiếng "Honor of Kings" của Tencent. Tuyên bố này đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cư dân mạng Trung Quốc.

Hiện đại diện Burberry Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bình luận gì về vấn đề này. Theo website của hãng này, hiện Burberry đang sử dụng bông từ các nguồn như Mỹ, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Ai Cập.

Làn sóng tẩy chay, đặc biệt trên các mạng xã hội và các kênh báo chí truyền thông đã lan đến cả các thương hiệu thời trang đại chúng như H&M, Adidas AG, Nike do đã bày tỏ quan điểm về vấn đề ở Tân Cương - khu vực sản xuất bông lớn nhất Trung Quốc.

Trước đó, hồi tháng 11/2020, trong một lá thư gửi các nhà lập pháp Anh, Burberry đã cho biết họ không có bất kỳ hoạt động nào ở Tân Cương hoặc làm việc với bất cứ nhà cung cấp nào ở đó.

Trong một tuyên bố phát ra hôm nay, Hội đồng Dệt may Quốc gia Trung Quốc cũng đã kêu gọi các thương hiệu quốc tế chấm dứt "hành vi sai trái", bao gồm việc loại bỏ bông sản xuất từ Tân Cương ra khỏi chuỗi cung ứng, vì điều đó là không tôn trọng khách hàng Trung Quốc.