Trung Quốc trình làng biểu tượng của Bắc Kinh
(Dân trí) - London có tháp đồng hồ Big Ben, Paris có Tháp Eiffel, San Francisco có Cầu cổng Vàng (Golden Gate Bridge) và giờ đến lượt Bắc Kinh có công trình kiến trúc biểu tượng của riêng mình.
Đó là công trình kiến trúc bắt mắt, một tảng đá nguyên khối, giống như những gã say rượu tựa lưng vào nhau và nắm vai nhau, trụ sở Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV.
Và có lẽ đây là công trình kiến trúc ấn tượng nhất, táo bạo nhất trong hàng loạt công trình kiến trúc làm nên bộ mặt mới của Bắc Kinh nhân dịp đón chào Thế vận hội mùa hè sắp tới.
Cùng với đặc điểm nổi bật của từng tòa tháp mới này, chúng ta có những tên gọi nổi tiếng như “quả trứng” để chỉ Nhà hát quốc gia Bắc Kinh, rồi “Tổ chim” để chỉ sân vận động quốc gia ở Bắc Kinh, nơi sẽ diễn ra các sự kiện chính của Olympic sắp tới. Cách “Quả trứng” và “Tổ chim” không xa là “Khối nước” chỉ Trung tâm thể thao dưới nước quốc gia. Sau cùng, còn có “quần chẽn” hay “bánh rán vặn” để chỉ trụ sở mới của CCTV.
Sân vận động "Tổ chim".
Công trình kiến trúc này có thể làm người đứng dưới mặt đất ngước lên phải cảm thấy chóng mặt, với các tòa tháp cao 49 tầng chệnh choạng tựa vào nhau bằng một bao lơn nằm ngang giữa lưng chừng trời. Tòa nhà độc đáo này do kiến trúc sư người Hà Lan Rem Koolhaas thiết kế. Nó còn được gọi là “sự tái tạo tài tình của tòa nhà chọc trời”.
Kỹ thuật xây dựng tòa nhà phức tạp đến nỗi các nhà thiết kế cho rằng nó không thể được xây dựng chỉ mới vài năm trước. Bởi người ta cần tính toán rất tỉ mỉ, chặt chẽ để đảm bảo rằng công trình có thể trụ vững trong vùng hay xảy ra động đất như Bắc Kinh. Chính vì vậy mà công trình ngốn tới 10.000 tấn thép.
Trụ sở đài truyền hình CCTV, biểu tượng của Bắc Kinh gồm hai tháp “đứng” tạo góc với nhau và tựa nhau trên đỉnh để tạo thành một cái móc ngang - dọc liên hoàn. Công trình cao 230m, là một trong những tòa nhà cao nhất Bắc Kinh, và có sức chứa tới hơn 10.000 nhân viên. |
“Tòa nhà đã nắm bắt được cái thần của đất nước đúng vào thời điểm thích hợp. Đó là sự táo bạo, dám nhìn vào tương lai và thử những cái tưởng như không thể”, Rocco Yim, một kiến trúc sư Hồng Kông cho biết. Rocco Yim là người trong ban lựa chọn thiết kế cuối cùng cho trụ sở CCTV.
Yim cũng phủ nhận phê phán của một số người cho rằng tòa nhà không thể hiện được nét đặc trưng của Trung Quốc. Ngoài ra, một số khác còn chỉ trích tòa nhà quá đắt, chi phí mất 800 triệu USD, mặt bằng rộng 44hecta là quá lớn. “Khi xây dựng, Tháp Eiffel bị phân nửa người Paris phản đối”, Yim cho biết.
"Quả trứng" - Nhà hát quốc gia.
Deng Xuexian, giảng viên kiến trúc tại trường Đại học Tsinghua cũng cho biết, các thiết kế mới thường gây ra phản đối trước khi chúng được công nhận là công trình mang tính bước ngoặt.
“Nhà hát Sydney cũng bị nhiều người chỉ trích, thậm chí là cả các thành viên trong quốc hội. Tuy nhiên, sau đó nó lại trở thành công trình kiến trúc lịch sử của Australia”, ông Deng cho biết.
Trụ sở đài truyền hình quốc gia Trung Quốc (phải), toà nhà được mệnh danh là biểu tượng của Bắc Kinh.
Thậm chí ngay cả những người tán dương đôi khi cũng có cảm giác trái chiều. “Nó hơi kỳ lạ. Không biết nó có đứng vững được không”, Hua Jia, một sinh viên học trường thiết kế cho biết. “Nhưng tôi nghĩ nó thật hoành tráng và rất hiện đại”.
Với Thế vận hội mùa hè như một phòng trưng bày, các nhà chức trách Bắc Kinh từ đầu thập kỷ này đã phê chuẩn cho nhiều tòa nhà lớn, thu hút những nhà thiết kế nổi tiếng nhất thế giới, và tạo ra một môi trường mà nhiều người đùa rằng với một dàn “sao kiến trúc sư”.
Phan Anh
Theo AP