1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc tiếp tục xây dựng trái phép trên biển Đông

...Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng trên 6 bãi đá tranh chấp trên biển Đông và đang bắt đầu xây dựng trên bãi đá thứ 7. Thực trạng bành trướng xây dựng của Trung Quốc ở biển Đông đã khuấy lên một loạt tranh chấp với các nước láng giềng phía nam.

Trung Quốc tiếp tục xây dựng trái phép trên biển Đông
Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép, biến thành căn cứ quân sự ở biển Đông. Ảnh: IHS Janes Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép, biến thành căn cứ quân sự ở biển Đông. (Ảnh: IHS Janes)

Thực trạng Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đã báo động các nước còn lại ở châu Á và khiến các nước trong khu vực nỗ lực đối phó sự nổi lên của Bắc Kinh. Ấn Độ cực kỳ lo lắng khi Trung Quốc thể hiện rõ ý muốn khuếch trương vai trò và trở thành một thế lực hải quân thống trị Ấn Độ Dương.

Mặc dù Ấn Độ không có biên giới trực tiếp trên biển với Trung Quốc, nhưng New Delhi vẫn có lợi ích ở biển Đông cả về thương mại hàng hải cũng như khai thác dầu khí. Những yêu sách hung hăng của Bắc Kinh tại khu vực phá vỡ các lợi ích trên của Ấn Độ, Reuters đưa tin.

Mối lo ngại của Ấn Độ và Mỹ, hai trong những cường quốc quân sự lớn nhất thế giới, đã thúc đẩy hai nước ký kết một thỏa ước hợp tác quân sự cho phép Washington cung cấp cho New Delhi các công nghệ quân sự nhạy cảm. Mỹ sốt sắng trở thành đối tác của Ấn Độ nhằm đối phó nguy cơ từ sự nổi lên của Trung Quốc và Mỹ thúc đẩy thiết lập một liên minh để ngăn chặn Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng.

Chuyên gia Robert Manning thuộc Hội đồng Atlantic nói với báo Washington Times rằng, những gì Mỹ đang làm ở Ấn Độ là một phần chiến lược tái cân bằng châu Á. Sự nổi lên quá nhanh của Trung Quốc khiến hai trong số các cường quốc quân sự thế giới là Mỹ và Ấn Độ liên minh với nhau để đối phó, trang tin Mỹ Huffington Post hôm qua nhận định.

Mỹ muốn kiểm soát hành lang biển Đông

Có 3 lý do khiến Mỹ muốn kiểm soát hành lang biển Đông, GS Liang Fang thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc viết trên báo Trung Quốc Global Times.
 
Trước tiên, Mỹ lo ngại Trung Quốc ráo riết cải tạo, xây đảo nhân tạo ở biển Đông sẽ làm giảm quyền lực Mỹ tại khu vực. GS Liang cho rằng, Mỹ tin sau khi hoàn tất xây dựng, Trung Quốc sẽ kiểm soát khu vực, một kịch bản mà Washington không muốn thấy.

Thứ hai, Mỹ muốn Nhật Bản can dự vấn đề tranh chấp biển Đông, triển khai quân đội tại khu vực này.

Thứ ba, Mỹ hăng hái đáp trả Trung Quốc về kế hoạch bỏ qua eo biển Malacca vì tham vọng “một vành đai, một con đường” có nguy cơ bẻ gãy nỗ lực của Mỹ trong việc phong tỏa nền kinh tế thứ hai thế giới là Trung Quốc, ông Liang nhận định.

Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan là vấn đề lớn với Mỹ, vì nó tạo ra tuyến đường nhập khẩu năng lượng trực tiếp qua ngả bắc Ấn Độ Dương về Trung Quốc và làm suy giảm tầm quan trọng chiến lược của eo biển Malacca. Ông Liang cho rằng, hiện nay, Mỹ coi biển Đông quan trọng hơn eo biển Malacca. Tất cả khiến biển Đông trở thành điểm nóng chiến lược trọng yếu, sẽ quyết định trật tự thế giới mới, thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo, GS Liang nhận định.

Tháng 2/1986, Mỹ công bố kế hoạch kiểm soát 16 tuyến đường biển chiến lược quan trọng nhất thế giới nhằm thiết lập vị thế siêu cường lãnh đạo. Những động thái của Mỹ tại biển Đông cho thấy Mỹ đã thay đổi từ chiến thuật kiểm soát các eo biển trọng yếu sang kiểm soát các vùng biển chiến lược, biến biển Đông thành “hành lang biển thứ 17” và Mỹ hy vọng kiểm soát được nó, GS Liang nhận định.

Bên cạnh khủng hoảng Ukraine, nợ công Hy Lạp và cuộc chiến chống IS, vấn đề an ninh hàng hải cũng là một nội dung thảo luận của các nhà lãnh đạo G7 tại Đức trong hai ngày 7 và 8/6, trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở biển Đông và biển Hoa Đông. Trước đó, các ngoại trưởng G7 thông qua một tuyên bố về vấn đề này.
  
Theo Thục Ninh (tổng hợp)
Tiền Phong