Trung Quốc thừa nhận cải tạo trên biển Đông
Báo chí Trung Quốc hôm qua đưa tin, nước này “đang cải tạo đất trên quy mô lớn” và xây dựng trên bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa. Trước đó, nhiều nước phản đối việc Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng trên biển Đông.
Ảnh vệ tinh chụp bãi đá Châu Viên ngày 6/2/2015. Ảnh: China Military Online Ảnh vệ tinh chụp bãi đá Châu Viên ngày 6/2/2015 (Ảnh: China Military Online)
Trích dẫn hình ảnh vệ tinh, báo điện tử của Quân đội Trung Quốc hôm qua thừa nhận, quân đội nước này đã bắt đầu hoạt động cải tạo trên bãi đá Châu Viên (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc tiếp tục cải tạo trên 6 bãi đá ngầm thuộc Trường Sa. Giới quan sát quốc tế nói rằng, Trung Quốc đang xây dựng các cảng, kho dự trữ nhiên liệu và có thể cả 2 đường băng.
Tạp chí quốc phòng quốc tế IHS Jane’s gần đây dẫn lời quan chức của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Tàu thủy Trung Quốc, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc, nói rằng họ đang phát triển các bến cảng nổi đa năng để đưa ra khu vực tranh chấp trên biển Đông.
Mô hình các bến cảng này được trưng bày tại triển lãm hàng hải Trung Quốc Shiptec China năm 2014. Những bến nổi được làm ở Trung Quốc rồi sau đó đưa đến các đảo để lắp ghép. Chúng bao gồm một bệ lớn hình chữ nhật và một cầu nối bệ này với đảo, có thể giúp Trung Quốc nhanh chóng xây dựng cơ sở lưu trú nhỏ trên các đảo xa. Theo IHS Jane’s, nếu các bến cảng này được triển khai trên quy mô lớn, Trung Quốc có thể đưa dân cư trú trên diện rộng ở các đảo mà họ đang chiếm đóng, quản lý.
Nhiều tàu ngầm hơn Mỹ
Hôm 25/2, Phó Đô đốc Joseph Mulloy, Phó Chỉ huy bộ phận phụ trách năng lực và nguồn lực cho Hải quân Mỹ, báo cáo với Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ rằng, Bắc Kinh đang phát triển lực lượng tàu ngầm ở mức độ “đáng ngạc nhiên” và đang vận hành số tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân và dầu diesel nhiều hơn Mỹ. Trung Quốc cũng đang mở rộng phạm vi và kéo dài thời gian hoạt động của lực lượng tàu ngầm. Ví dụ, Trung Quốc ba lần đưa tàu ngầm đến Ấn Độ Dương và duy trì tàu trong 95 ngày, Reuters dẫn lời ông Mulloy.
Ông Mulloy cho rằng, chất lượng các tàu ngầm của Trung Quốc vẫn thấp hơn tàu của Mỹ, nhưng quy mô hạm đội dưới biển của họ đã vượt qua hạm đội của Mỹ. Trong báo cáo hằng năm về quân đội Trung Quốc trình lên Quốc hội Mỹ gần đây, Lầu Năm Góc nói rằng, Trung Quốc có 77 tàu chiến nổi quy mô lớn, hơn 60 tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ cỡ lớn và cỡ trung, khoảng 85 tàu chiến cỡ nhỏ được trang bị tên lửa.
Ông Mulloy không nói chi tiết về số lượng tàu nổi mà Trung Quốc đang vận hành, và rằng quân đội Mỹ không tin Trung Quốc trang bị tên lửa hạt nhân cho các tàu ngầm của họ, nhưng thực tế Bắc Kinh đang chế tạo, thử nghiệm công nghệ này. Giới chức Mỹ gần đây nói nhiều hơn về việc Trung Quốc tăng cường xây dựng quân đội và việc Mỹ phải đẩy mạnh phát triển công nghệ quân sự để bảo đảm không bị Nga, Trung Quốc vượt mặt.
Mới đây, Quân ủy Trung ương Trung Quốc nói rằng, quân đội nước này chỉ có thể đạt các mục tiêu hiện đại hóa nếu tôn trọng pháp luật, Xinhua đưa tin. Đây là lời cảnh báo đối với các lực lượng vũ trang trước hàng loạt vụ bê bối tham nhũng. Chính phủ Trung Quốc gần đây thông báo điều tra hơn chục quan chức cấp cao của quân đội bị cáo buộc tham nhũng.
Nhiều nhân vật trong số đó có quan hệ với tướng tham nhũng Từ Tài Hậu - cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, tuyên bố sẽ đẩy lùi tham nhũng trong lực lượng vũ trang gồm 2,3 triệu người và đang thực hiện chương trình hiện đại hóa đầy tham vọng, trong đó có việc triển khai các tên lửa chống vệ tinh và máy bay tàng hình.
Trung Quốc đã loại sản phẩm của nhiều hãng công nghệ hàng đầu thế giới, như Intel, Apple, McAfee, Citrix Systems… khỏi danh sách mua sắm chính phủ, China Daily đưa tin. Đây được coi là bước đi nhằm bảo vệ ngành công nghệ trong nước và đối phó nguy cơ bị phương Tây giám sát qua internet. Sự thay đổi này diễn ra từ thời điểm cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden tiết lộ rằng, NSA hợp tác với nhiều công ty viễn thông, chính phủ châu Âu để thực hiện các chương trình do thám toàn cầu.