1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc thử thiết bị phát hiện mối đe dọa với tàu ngầm ở Biển Đông

Minh Phương

(Dân trí) - Giới khoa học Trung Quốc đã thử nghiệm một thiết bị giám sát ở Biển Đông, mà họ nói là có thể tăng khả năng phát hiện sóng ngầm vốn bị coi là mối đe dọa lớn đối với tàu ngầm.

Trung Quốc thử thiết bị phát hiện mối đe dọa với tàu ngầm ở Biển Đông - 1

Trung Quốc thử nghiệm hệ thống giám sát sóng ngầm ở Biển Đông (Ảnh: SCMP).

Trong một bài viết đăng tải trên tạp chí Earth Science Frontiers cuối tuần trước, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, hệ thống định vị thủy âm này có thể vận hành ở đáy biển trong nhiều tuần và nổi lên trên mặt nước bất cứ lúc nào theo tín hiệu từ tàu điều hành.

"Các cảm biến này sẽ thu thập lượng lớn dữ liệu quan sát thực địa cần thiết để phân tích sâu hơn cơ chế của các sóng ngầm trong lòng biển", Giáo sư Jia Yonggang và các đồng nghiệp tại Đại học Đại dương Trung Quốc cho biết.

Thành phần chính của thiết bị là một hệ thống đo biên dạng dòng chảy, sử dụng sóng âm để xác định vận tốc và hướng dòng chảy do công ty Teledyne RD Instruments của Mỹ sản xuất. Các bộ phận khác cũng là linh kiện sản xuất tại Đức, Na Uy, Canada. Bộ phận duy nhất sản xuất tại Trung Quốc là camera sử dụng dưới nước.

Theo bài viết này, nhóm nghiên cứu của ông Jia đã thực hiện hai đợt thử nghiệm thiết bị này ở Biển Đông hồi năm ngoái, thả nó xuống độ sâu 600 m và 1.400 m.

Sóng ngầm có thể xem là mối đe dọa lớn ở Biển Đông. Một số sóng ngầm có thể trải dài 100 km và đủ mạnh để kéo tàu ngầm xuống chỉ trong vài giây.

Hồi tháng 4 năm nay, một tàu ngầm của Hải quân Indonesia đã bị đắm trong lúc luyện tập ở vùng biển phía Bắc Bali, khiến hơn 50 thủy thủ thiệt mạng. Mặc dù cuộc điều tra vụ đắm tàu chưa hoàn tất, nhưng giới chức Indonesia nghi ngờ rằng, thảm họa này có thể là do sóng ngầm gây ra. Các ảnh chụp vệ tinh cho thấy, sóng ngầm xuất hiện ở khu vực này thời điểm xảy ra thảm họa.

Thông tin về vụ thử nghiệm của Trung Quốc được đưa ra sau khi Hải quân Mỹ tuần trước thông báo, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Connecticut của Hải quân Mỹ phải trở về đảo Guam để bảo dưỡng sau khi con tàu đâm phải một vật thể chưa xác định trong lúc hoạt động ở vùng biển quốc tế được cho là ở Biển Đông. Sự cố khiến 11 thủy thủ bị thương trong khi giới chức Hải quân Mỹ tiếp tục đánh giá thiệt hại và điều tra nguyên nhân vụ việc.

Hiện chưa rõ vật thể mà tàu ngầm Mỹ đã va chạm. Một nhà khoa học ở Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc, Mỹ và một số nước đã đặt một số lượng lớn thiết bị giám sát ở Biển Đông, nhưng nguy cơ tàu ngầm va chạm với các thiết bị này là rất thấp. "Có thể hệ thống vẽ bản đồ đáy biển của họ có vấn đề", nhà khoa học trên cho biết khi bình luận về nguyên nhân khiến tàu ngầm USS Connecticut va chạm.