1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc - "Tay chơi" mới trong cuộc chiến máy bay không người lái (2)

(Dân trí) - Thông tin báo chí về cuộc tìm kiếm thủ lĩnh khét tiếng sông Mekong Naw Kham, bị truy nã vào năm 2011 vì giết hại 13 thủy thủ Trung Quốc, đã hé lộ đôi chút về kế hoạch máy bay do thám không người lái của Trung Quốc.

 
Trung Quốc - Tay chơi mới trong cuộc chiến máy bay không người lái (2)

Chiếc máy bay không người lái Wing Loong của Trung Quốc giống một cách kỳ lạ với chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ. Chiếc máy bay Wing Loong xuất hiện trong một cuộc triển lãm hàng không Chu Hải vào năm ngoái.
 

Người đứng đầu của Cục chống ma túy, Bộ công an Trung Quốc,  Liu Yuejin, được báo chí nhà nước dẫn lời cho biết, một kế hoạch tấn công sào huyệt của Naw Kham bằng máy bay không người lái đã được vạch ra. Và theo kế hoạch, một chiếc máy bay không người lái (UAV), không rõ chủng loại, sẽ chở theo 20kg thuốc nổ TNT để tiêu diệt Naw Kham.

 

Tuy nhiên, kế hoạch đã bị cấp trên hủy bỏ, do họ muốn bắt sống Naw Kham. Nhưng hé lộ về kế hoạch đã cho thấy ý định cũng như khả năng của Trung Quốc.

 

Trung Quốc bắt đầu phát triển máy bay không người lái từ những năm 1960 và được tin là đã sử dụng các máy bay này để do thám trong cuộc xâm lược Việt Nam năm 1979. Theo AP, ban đầu Trung Quốc tân trang lại các máy bay không người lái dân dụng của nước ngoài, hoặc các máy bay được dùng cho cả mục đích dân và quân sự. Sau đó, chương trình UAV của Trung Quốc đã phát triển vượt bậc sau khi họ mua máy bay không người lái Harpy của Israel. Rồi khi Mỹ phản đối Israel nâng cấp các máy bay Harpy, Trung Quốc bắt đầu tự phát triển máy bay riêng của mình.

 

Sở dĩ Trung Quốc tiến nhanh trong chương trình máy bay không người lái là do chi phí cho ngành này ở Trung Quốc khá thấp, cộng với chương trình phát triển ngắn, lại nhận được hỗ trợ của hệ thống vệ tinh hàng hải Bắc Đẩu do nước này tự chế, cùng những liên kết dữ liệu cấp độ cao, tiên tiến.

 

Quân đội Trung Quốc được ước đoán đã triển khai hàng trăm, nếu chưa muốn nói là hàng ngàn, chiếc máy bay không người lái, mặc dù tổng số thực sự của phi đội này rất khó đoán và chắc chắn vẫn còn thua Mỹ.

 

Mẫu UAV của Trung Quốc cũng rất đa dạng, từ những mẫu tự hành đơn giản, đến chiếc Dark Sword tàng hình, công nghệ cao, có cánh và đuôi liền, giống với chiếc Avenger của Mỹ.

 

Hơn 90% các máy bay không người lái Trung Quốc hiện đang được sử dụng là các phiên bản khác nhau của chiếc máy bay không người lái do thám ASN-209 sơ khai ban đầu, được thấy trong các cuộc tập trận hải quân và hiện đang được sản xuất theo giấy phép của Ai Cập.

 

Những loại khác gồm Wing Loong, hay Pterodactyl, giống một cách kỳ lạ chiếc Reaper của Mỹ và có khả năng mang nhiều tên lửa. Theo báo chí Trung Quốc và quan chức ở các triển lãm hàng không, các máy bay này đã được xuất khẩu sang Trung Đông, Trung Á và có thể là các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cùng Uzbekistan, với cái giá chỉ bằng một phần nhỏ của 30 triệu USD – giá của một chiếc Reaper của Mỹ. Song giới chức quân sự ở UAE và Uzbekistan từ chối bình luận về thông tin này.

 

Một chiếc UAV chiến đấu khác cũng đang được chào hàng xuất khẩu, CH-4, có thể chứa tới 4 quả tên lửa và được giới thiệu có khả năng bay liên tục trong 30 giờ.

 

Thậm chí họ còn có chiếc UAV uy lực hơn, chiếc Xiang Long BZK-005, tương tự như chiếc Global Hawk của Mỹ. Nó có tầm xa tới gần 6.500km và có kích cỡ tương đương với một chiếc chiến đấu cơ cỡ trung bình. Tuy nhiên, việc triển khai chiếc này có lẽ sẽ lùi lại một thời gian nữa, bởi một vụ tai nạn năm 2011 đã làm dấy lên đồn đoán chiếc máy bay có vấn đề về hệ thống điều khiển.

 

Những bước phát triển trên có thể đưa Trung Quốc cạnh tranh với 2 nhà sản xuất máy bay không người lái lớn nhất thế giới hiện nay, Mỹ và Israel, trong các thị trường Pakistan, Myanmar và các nước phát triển khác. Khách hàng của họ cũng có thể bao gồm cả Nga, nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, nhưng không mấy thành công trong lĩnh vực sản xuất UAV.

 

Theo  Huw Williams, chuyên gia máy bay không người lái của tạp chí quân sự Jane's Defence Weekly, có một số chỉ dấu cho thấy Trung Quốc có thể đã xuất khẩu công nghệ UAV sang Pakistan, do có sự tương đồng trong thiết kế giữa UAV của Trung Quốc và các UAV Shahpar của Pakistan. Tuy nhiên, theo Williams, Trung Quốc chắc chắn sẽ chật vật tìm khách hàng cho các mẫu UAV lớn hơn, do nhu cầu loại này hạn chế và do có rất nhiều nước tự phát triển được. “Họ rất quan tâm để được vào thị trường này”, Wezeman của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm ở Thụy Điển cho hay. “Chỉ vài năm nữa là họ sẽ đuổi kịp”.

 

Vũ Quý

Theo AFP