1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc - "Tay chơi" mới trong cuộc chiến máy bay không người lái (1)

(Dân trí) - Quyết tâm tiêu diệt hoặc bắt sống một thủ lĩnh ma túy sông Mekong khét tiếng, lực lượng an ninh Trung Quốc đã từng cân nhắc đến chiến thuật mà họ chưa từng dùng trước đó: đưa máy bay không người lái tới sào huyệt nằm sâu trong vùng núi của Myanmar.

Máy bay không người lái do Trung Quốc tự chế tạo ASN-207 trong cuộc diễu binh năm 2009.

Máy bay không người lái do Trung Quốc tự chế tạo ASN-207 trong cuộc diễu binh năm 2009.
 
Vụ tấn công không xảy ra; thủ lĩnh khét tiếng trên sau đó đã bị bắt và bị đưa ra xét xử ở Trung Quốc. Nhưng việc giới chức Trung Quốc đã xem xét đến lựa chọn dùng máy bay không người lái đã hé mở đôi chút về chương trình máy bay không người lái của nước này, mà theo giới chuyên gia, đã lặng lẽ phát triển trong suốt nhiều năm và giờ đây có vẻ như đang tiến vào chặng tăng tốc.

 

Các công ty hàng không của Trung Quốc đã phát triển hàng chục máy bay không người lái, được gọi là unmanned aerial vehicle (hay viết tắt là UAV). Nhiều chiếc đã xuất hiện ở các cuộc triển lãm hàng không, các cuộc diễu binh, trong đó có một số giống một cách kỳ lạ các máy bay Predator, Global Hawk và Reaper được Không quân Mỹ và CIA sử dụng rất hiệu quả.

 

Giới phân tích cho rằng mặc dù Trung Quốc vẫn còn thua xa Mỹ và Israel, hai thủ lĩnh trong ngành công nghiệp này, nhưng công nghệ của Trung Quốc đã trưởng thành nhanh chóng và đang sử dụng rất rộng rãi các loại máy bay không người lái cho các hoạt động do thám và chiến đấu.

 

“Cảm giác của tôi là Trung Quốc đang tiến tới giai đoạn triển khai diện rộng các máy bay UAV”, Ian Easton, đồng tác giả của một báo cáo gần đây về máy bay không người lái Trung Quốc cho Viện nghiên cứu an ninh Dự án 2049, cho hay.

 

Động thái triển khai máy bay không người lái trên quy mô lớn của Trung Quốc cho thấy quân đội nước này ngày càng phát triển tinh vi hơn và có thể thách thức được thế thống trị của quân đội Mỹ ở châu Á-Thái BÌnh Dương. Nó cũng gia tăng đe dọa đối với các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh, trong đó có Việt Nam, Nhật, Ấn Độ và Philippines.

 

Trung Quốc cho hay các máy bay không người lái của họ có khả năng chở bom, tên lửa cũng như tiến hành do thám và có khả năng biến thành vũ khí tấn công trong các cuộc xung đột biên giới.

 

Việc Trung Quốc gia tăng sử dụng máy bay không người lái cũng làm dấy lên lo ngại về thực trạng thiếu tiêu chuẩn quốc tế đối với các vụ tấn công bằng UAV. Mỹ sử dụng rộng rãi UAV làm phương tiện để loại bỏ các nghi phạm khủng bố ở Pakistan và bán đảo Ả rập.

 

“Trung Quốc đang theo tiền lệ được Mỹ đặt ra, với suy nghĩ, “nếu Mỹ có thể làm được thì chúng tôi cũng có thể. Họ là một nước lớn với nhiều lợi ích an ninh và chúng tôi cũng vậy””, Siemon Wezeman, chuyên gia cấp cao trong chương trình chuyển giao vũ khí tại Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm ở Thụy Điển, hay SIPRI cho hay. “Bắc Kinh sẽ lý giải họ dùng máy bay không người lái là nhằm làm giảm nguy hiểm cho người dân xung quanh”.

 

Song Wezeman cho rằng “cần phải có thỏa thuận về giới hạn” của các vụ tấn công.

 

Mặc dù Trung Quốc luôn khẳng định việc nước này củng cố quân đội hoàn toàn nhằm mục đích bảo vệ đất nước, nhưng các cơ quan hải quân, hải giám liên tục có các vụ va chạm tàu với các nước khác ở Biển Đông và Hoa Đông. Trong khi đó, Ấn Độ mới đây cáo buộc quân đội Trung Quốc dựng lều trại ở sâu bên trong lãnh thổ của Ấn Độ tới gần 20km.

 

Tuy nhiên, hiện chưa biết chính xác các máy bay không người lái mới nhất của Trung Quốc có khả năng như thế nào, bởi giống như các loại phương tiện khác, chúng không được thử nghiệm trên chiến trường.

 

Hơn nữa, quân đội và cơ quan hàng không liên quan cung cấp rất ít thông tin chi tiết. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi vào tháng trước với Tân Hoa xã, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, ông Yang Baikui, trưởng nhóm thiết kế của nhà sản xuất máy bay COSIC, cho biết máy bay không người lái Trung Quốc đang dần hoàn thiện các lỗ hổng nhưng vẫn cần phải được phát triển thêm ở nửa tá lĩnh vực chính, từ thiết kế khung bay cho tới các kết nối điện tử.

 

Các giám đốc tại COSIC và nhà sản xuất máy bay không người lái ASN, Avic, cùng Viện 611 từ chối phỏng vấn của hãng thông tấn AP, viện dẫn những thông tin có liên quan đến quân đội. Còn báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Trung Quốc về hiện trạng quân đội nước này vào giữa tháng 4 vừa qua không hề đề cập bất kỳ một lời nào đến máy bay không người lái. Người phát ngôn Yang Yujun chỉ đưa ra thừa nhận tối thiểu nhất về sự tồn tại của chương trình máy bay không người lái, khi được hỏi.

 

“Các máy bay không người lái là dạng vũ khí công nghệ cao mới, được quân đội nhiều nước khắp thế giới triển khai và sử dụng”, ông Yang cho hay. “Các lực lượng vũ trang Trung Quốc đang phát triển vũ khí và thiết bị với mục đích bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và hòa bình thế giới. Nó không gây đe dọa cho bất kỳ nước nào”.

 

Theo hãng thông tấn AP, máy bay không người lái đã tuần tra các vùng biên giới của Trung Quốc và một máy bay không người lái của hải quân đã được triển khai ở tỉnh Tứ Xuyên, miền tây Trung Quốc, nhằm cung cấp hình ảnh chụp từ trên cao sau trận động đất gây chết người vào tháng trước ở đây.

 

Chúng cũng có thể sớm xuất hiện trên những vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Hoa Đông đang tranh chấp với Nhật. Nếu vậy, căng thẳng sẽ tăng cao tại khu vực mà tàu Trung-Nhật vốn đã đối đầu như cơm bữa và Nhật thường xuyên phải phái chiến đấu cơ để áp sát máy bay (có người lái) của Trung Quốc.

 

Trung tướng về hưu Peng Guoqian từng cho biết trên báo chí nhà nước Trung Quốc hồi tháng 1 rằng, các máy bay không người lái đã được sử dụng chụp ảnh và do thám quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

 

Trong khi đó, Lầu Năm Góc trong báo cáo về quân đội Trung Quốc năm 2012 cho hay, máy bay không người lái Trung Quốc có thể hỗ trợ hiệu quả radar tầm xa trong các hoạt động giám sát và xác định các mục tiêu ở Tây Thái Bình Dương, nằm xa bờ biển Trung Quốc. Sứ mệnh của chúng có thể bao gồm hướng dẫn cho tên lửa đạn đạo chống hạm- tên lửa thường được giới quân sự gọi là “sát thủ diệt tàu ngầm”.

 

Vũ Quý

Theo AP