1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự, dư luận lo ngại gì?

(Dân trí) - Dư luận lo ngại việc Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự có thể lại khuấy động căng thẳng trong vùng tây Thái Bình Dương, nhưng cũng có ý kiến cho rằng động thái quân sự mới nhất của Bắc Kinh không phải là dấu hiệu gì gây báo động.

 
Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự, dư luận lo ngại gì?


Giới chuyên gia quân sự cho rằng ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc được công bố thấp hơn chi phí thực tế
 
Ngày 4/3, Trung Quốc thông báo ngân sách quốc phòng trong năm 2012 sẽ tăng mạnh 11,2%, lên tới 670,27 tỷ Nhân dân tệ (gần 110 tỷ USD), thấp hơn so với mức tăng 12,7% trong năm ngoái.

Tỷ lệ tăng chi phí quân sự của Trung Quốc năm nay cao hơn cả mức tăng trưởng 9,2% của tổng sản phẩm nội địa trong năm 2011.

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng năm nay ít hơn năm ngoái là nhằm giảm bớt lo ngại của Mỹ và khu vực về khả năng quân sự ngày càng mạnh của nước này.

Nhưng giới chuyên gia quân sự cho rằng ngân sách quốc phòng chính thức của Trung Quốc được công bố thấp hơn chi phí thực tế. Ông Willy Lam thuộc đại học Trung Hoa, ở Hồng Kông, cho rằng “ngân sách thực sự cao khoảng gấp hai lần”.

“Hầu hết các nước đều biết rằng ngân sách quốc phòng thực sự của Trung Quốc ít nhất là gấp đôi con số vừa được công bố. Chi phí cho hiện đại hóa quân đội đã không được tính trong ngân sách công khai mà bao gồm lương trả cho nhân viên quốc phòng và các khoản cho trang thiết bị hiện tại”, ông nói.

Theo số liệu chính thức, ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã tăng 12,7% năm 2011 và 7,5% năm 2010, nhưng trong hai thập niên qua, tỷ lệ này thường xuyên vượt quá 10% mỗi năm.

Tạp chí chuyên về Quốc phòng Jane’s Defense có cùng thẩm định: Từ nay đến 2015, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi và có thể lên tới 226 tỷ USD.

Trung Quốc thì biện minh rằng khoản chi quốc phòng 2012 tăng là do công nghệ quân sự của họ chậm so với Mỹ từ 20 đến 30 năm và việc tăng cường chi phí cho hiện đại hóa bộ máy quân sự chỉ nhằm mục đích thuần túy phòng vệ.

Tuy nhiên, lâu nay, Trung Quốc không giấu giếm là đang tìm mọi cách phát triển các phương tiện mở rộng tầm hoạt động quân sự, như kế hoạch chế tạo máy bay tiêm kích ném bom tàng hình J-20, dự án đóng nhiều hàng không mẫu hạm, chế tạo tên lửa đạn đạo tầm xa có thể tấn công tàu chiến.

Mục tiêu trước mặt của Trung Quốc là bảo vệ vùng biển bao quanh, từ Hoàng Hải cho đến Biển Đông. Còn mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là nhắm vào Mỹ, cho dù Bắc Kinh tuyên bố không hề có ý định cạnh tranh sức mạnh quân sự với Washington.

Và như vậy là cho dù mức tăng ngân sách quốc phòng năm 2012 thấp hơn năm 2011, nhưng vẫn có thể châm ngòi cho những lo ngại trong khu vực - nơi mà Bắc Kinh ngày càng tỏ rõ thái độ quyết đoán khẳng định chủ quyền tại những khu vực đang có tranh chấp.

Các nước láng giềng châu Á đã rất lo ngại về động thái tăng cường sức mạnh quân sự của Bắc Kinh và mức tăng hai con số lần này có thể càng khiến Nhật Bản và Ấn Độ nhấp nhổm. “Trung Quốc chia sẻ biên giới trên đất liền với 14 nước. Sẽ rất có ý nghĩa khi một nước trong vị trí như vậy duy trì một sức mạnh quân sự vượt trội”, ông Kazuya Sakamoto, giáo sư nghiên cứu an ninh quốc tế thuộc Đại học Osaka ở Nhật Bản nói.

Tokyo đã chất vấn ý định quân sự của Bắc Kinh. Báo cáo do chính phủ tài trợ được công bố tháng trước cảnh báo rằng thái độ kiên quyết của Bắc Kinh ở Biển Đông có thể lặp lại ở các vùng biển lân cận khác.
 
Với diễn biến mới nhất, giới phân tích khu vực thậm chí còn cho rằng hành động của Trung Quốc sẽ đẩy các nước láng giềng đến gần hơn với Mỹ, vào lúc Mỹ tìm cách tăng cường sự hiện diện quân sự tại đây.

Chiến lược phát triển quân đội nhanh chóng của Trung Quốc đã gây quan ngại cho cả Mỹ dù Bắc Kinh vẫn nói rằng quá trình hiện đại hóa quân sự của họ chỉ đơn thuần mang mục đích phòng vệ. Cuối năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố báo cáo cho thấy công cuộc phát triển quân đội của Trung Quốc dường như nhằm ngăn không cho các cường quốc bên ngoài can thiệp vào bất kỳ mâu thuẫn nào có thể có trong tương lai với Đài Loan.

Nhưng trong khi có nhiều ý kiến lo ngại, Philippines tuyên bố động thái quốc phòng mới nhất của Bắc Kinh “không gây báo động”.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines, ông Peter Paul Galvez, hôm qua tuyên bố với báo giới rằng: “Trung Quốc – hay bất kỳ nước nào khác – được quyền chi nhiều hay ít cho quốc phòng tùy thuộc vào nhu cầu của nước mình. Điều này không phải là dấu hiệu là tập trung nỗ lực cho khu vực đang tranh chấp ở biển Tây Philippines (Biển Đông)”. Ông này khẳng định: “Philippines vẫn kiên định lập trường giữ mối quan hệ tốt với Trung Quốc. Chúng tôi chỉ có những vấn đề cụ thể liên quan đến tranh chấp ở Trường Sa cần giải quyết”.

Trà Giang
Theo The News International, BusinessWorld Online Editio