1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại cứng rắn trong năm 2015?

(Dân trí) - Năm 2014, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã được điều chỉnh theo hướng ngày càng cứng rắn so với trước, gây ra nhiều bất an ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sang năm 2015, liệu chính sách đó có được Bắc Kinh tiếp tục duy trì?

Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại cứng rắn trong năm 2015?
 Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có những hoạt động đối ngoại bận rộn với không ít sáng kiến và căng thẳng trong năm 2014.

Trong năm qua, Trung Quốc đã tăng cường mạnh ảnh hưởng quốc tế thông qua nhiều hoạt động và sáng kiến ấn tượng, nhất là việc thúc đẩy hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) đối trọng với Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ và thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Tổng kết trong cả năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới hàng chục quốc gia châu Á, châu Âu, Mỹ Latinh và châu Đại Dương. Ông cũng đã đăng cai thành công Hội nghị cấp cao về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) tại Thượng Hải và Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh.

Dù hoạt động ở trong hay ngoài nước, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng luôn cố gắng tạo ra ấn tượng mạnh và thể hiện tốt nhất vai trò của người đứng đầu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sở dĩ ông Tập Cận Bình có thể làm được như vậy là vì Trung Quốc hiện có nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, cộng thêm quyết tâm muốn tăng cường mạnh ảnh hưởng quốc tế ở cả khu vực lẫn toàn cầu. Cụ thể, để lôi kéo các nước vào một mạng lưới hợp tác kinh tế với Trung Quốc là trung tâm, ông Tập Cận Bình cam kết đóng góp 10 tỷ USD cho Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của nhóm BRICS (gồm 5 nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), đồng thời chi 41 tỷ USD cho Quỹ dự phòng khẩn cấp (CRA) của khối này. Bắc Kinh cũng quyết định rót 50 tỷ USD cho AIIB do 21 nền kinh tế thành viên APEC thành lập, chi 40 tỷ USD cho Quỹ con đường tơ lụa và khoảng 120 tỷ USD viện trợ cho các quốc gia châu Phi.

Trong bối cảnh nhiều chính phủ trên thế giới đang phải vật lộn với tình trạng thâm hụt tài chính nghiêm trọng, sự hào phóng của Trung Quốc đã gây ấn tượng rất mạnh. Nhiều nhà phân tích nhận định khó có quốc gia nào có thể cưỡng lại những đề nghị hợp tác béo bở của Trung Quốc trong thời điểm kinh tế toàn cầu vẫn đang đượm một màu xám như hiện nay.

Nhưng ẩn sau những đề xuất hào phóng về hợp tác phát triển kinh tế, Trung Quốc đang toan tính một “ván bài lớn” nhằm mưu đồ thay đổi trật tự thế giới hiện nay bằng một trật tự mới do nước này chi phối. Trong trật tự đó, Trung Quốc sẽ trở thành trung tâm của mạng lưới hợp tác kinh tế, năng lượng và quân sự của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là quốc gia đứng đầu thế giới về quy mô phát triển kinh tế.

Nhưng để thành toại mục tiêu này, Trung Quốc cần chiếm giữ các cửa ngõ trọng điểm hướng ra Thái Bình Dương. Vì thế, trong năm qua, các nhà lãnh đạo nước này đã đẩy mạnh hành động gây hấn tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông.

Cụ thể, tại Hoa Đông, Trung Quốc liên tục cử tàu thuyền và máy bay đến quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản. Ở Biển Đông, Trung Quốc gây hấn với Philippines ở hòn đảo tranh chấp Hoàng Nham/Scaborough và cằng thẳng nhất là việc nước này ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 vào sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đẩy mạnh hoạt động cải tạo và xây dựng trên các hòn đảo chiếm giữ trái phép ở Biển Đông. Tất cả những hành động này không nằm ngoài mục đích dọn đường cho việc độc chiếm Biển Đông theo “đường 9 đoạn” dù bị quốc tế kịch liệt phản đối.
 
Những thách thức của Bắc Kinh

Giới quan sát cho rằng với những hành động gây hấn ở cấp độ mới tại các vùng biển khu vực và đưa ra nhiều sáng kiến kinh tế lớn trong năm qua, Trung Quốc đã thể hiện rõ sự tự tin ngày càng tăng của nước này trên con đường trở thành “nước lớn kiểu mới” như Bắc Kinh đã đề ra từ năm 2012. Nhưng cho dù Trung Quốc có nỗ lực đến mức nào, nước này vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức để có thể hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa”.

Thứ nhất là mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng đang ngày càng xấu đi do những tranh chấp trên Biển Đông và Hoa Đông. Một quốc gia có mối quan hệ không tốt đẹp với các nước láng giềng sẽ khó có thể được gọi là một cường quốc.

Thứ hai, vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc có thể sẽ không mang lại nhiều lợi ích như nước này tính toán. Theo thời gian, các nước trong khu vực sẽ nhận ra rằng hai “vành đai kinh tế” này chỉ “trói” họ phụ thuộc nhiều hơn vào sự phát triển của Trung Quốc và phục vụ cho mưu đồ bá quyền của Bắc Kinh là chủ yếu. Do đó, không loại trừ khả năng sẽ có những sự “rẽ ngang” không mong muốn hoặc nảy sinh những cơ chế hợp tác mới nhằm hạn chế bớt ảnh hưởng của hai vành đai này.

Thứ ba, hiện đã có một số nước bày tỏ quan ngại về hoạt động của các thể chế tài chính khu vực do Trung Quốc cầm trịch và đầu tư phần lớn kinh phí hoạt động. Các nhà kinh tế lo ngại Trung Quốc sẽ thao túng các thể chế kinh tế này để hướng mọi dòng chảy tài chính trong khu vực đổ dồn cho các dự án mang lại nhiều lợi ích cho Bắc Kinh.

Thứ tư, phát triển kinh tế Trung Quốc đang có xu hướng chậm lại và có thể sẽ còn tiếp tục giảm tốc trong thời gian tới.  Sức mạnh kinh tế suy giảm sẽ buộc Bắc Kinh phải có những điều chỉnh tương ứng trong các hoạt động đối ngoại và đầu tư của mình.

Thứ năm, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày càng đoàn kết trong giải quyết những tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đã cố tình thực hiện chính sách “cắt lát salami” hòng làm suy yếu sức mạnh tập thể của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, song nước này không thể đẩy lùi quyết tâm hình thành cộng đồng chung của ASEAN vào cuối năm 2015.  Khi đó, Trung Quốc không chỉ đối mặt với phản ứng của từng nước thành viên ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông, mà là với cả một cộng đồng có hơn 600 triệu dân đang phát triển rất năng động.

Cuối cùng là sự cản đường của Mỹ, cường quốc số một thế giới có nguy cơ bị Trung Quốc soán ngôi trong 1-2 thập kỷ tới. Mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói: “Thái Bình Dương rộng lớn có đủ không gian cho cả hai nước lớn là Trung Quốc và Mỹ”, nhưng cả hai nước đều đang muốn ganh đua nhau tăng cường ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương và cả trên quy mô toàn cầu. Sự trỗi dậy quyết đoán của Trung Quốc, vì thế, chắc chắn sẽ tiếp tục vấp phải sự cản phá rất lớn từ phía Mỹ như từng diễn ra thời gian qua.     

Trước bối cảnh thực tế đó, bước sang năm 2015, Trung Quốc sẽ thực hiện chính sách đối ngoại theo hướng nào, cứng rắn như trong năm 2014 hay sẽ tỏ ra mềm mỏng hơn?

Trong tranh chấp biển đảo, Trung Quốc sẽ tiếp tục các hành động gây hấn ở Biển Đông và Hoa Đông nhằm thiết lập một hiện trạng khu vực mới có lợi cho nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không đẩy căng thẳng đi quá xa như trong năm 2014 mà thay vào đó chọn cách xử lý ít ồn ào hơn, như đã thể hiện trong vụ kiện của Philippines thời gian qua và việc âm thầm thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Sau những bài học rút ra trong năm 2014, Trung Quốc ngày càng hiểu rõ an ninh biển ở châu Á-Thái Bình Dương có tầm quan trọng đối với nước này hơn bất kỳ nước nào khác, trừ Mỹ.

Về hợp tác kinh tế, Trung Quốc sẽ tận dụng tối đa ảnh hưởng đối với AIIB để thúc đẩy sớm thành lập FTAAP đối trọng với PP do Mỹ cầm trịch, đồng thời qua AIIB đẩy nhanh tài trợ cho dự án “Con đường tơ lụa” cả trên biển và trên bộ, kết nối Đông Á với châu Âu. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy hoạt động của ngân hàng nhóm BRICS và một số thể chế hợp tác kinh tế khác do nước này lãnh đạo.

Trong quan hệ với ASEAN, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng phương án “hai quỹ đạo” trong hợp tác nhằm tách riêng vấn đề an ninh đường biển với vấn đề chủ quyền. Trung Quốc sẽ viện dẫn quan điểm an ninh biển là vấn đề chung của các nước trong khu vực để tiến hành thảo luận chung với ASEAN và để vấn đề tranh chấp biển đảo cho các cuộc thảo luận song phương. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận song phương này rất có thể sẽ được tiến hành theo hình thức mới, kết hợp giữa phương pháp truyền thống với tiến hành đàm phán song phương trong khuôn khổ đa phương.

Về “quan hệ hợp tác nước lớn kiểu mới”, Trung Quốc tiếp tục tận dụng quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây để lôi kéo Mátxcơva đứng cùng chiến tuyến chống Mỹ và mở rộng tác năng lượng vốn đang rất cần cho cả hai bên. Trong quan hệ Trung- Mỹ, do đây là cặp quan hệ đặc biệt mang tính trụ cột của trật tự chính trị quốc tế và có ảnh hưởng quyết định đến phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương nên Trung Quốc cũng sẽ không đẩy mâu thuẫn đi quá xa. Tuy nhiên, để ngăn cản sự can dự của Washington, Bắc Kinh sẽ từng nước hạ thấp vai trò mô hình quan hệ nước lớn với Mỹ, mà thay vào đó bằng “chính sách đối ngoại nước lớn mang đặc sắc Trung Quốc” để khẳng định vai trò trung tâm của Bắc Kinh trong đời sống chính trị khu vực và quốc tế.

Với những điều chỉnh như trên, có thể thấy trong năm 2015, Trung Quốc sẽ không đưa ra nhiều sáng kiến lớn như trong năm 2014 nhưng vẫn tạo ra cho thế giới những bất ngờ từ sự thay đổi chính sách đối ngoại của nước này.

Đức Vũ