1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc "ra rìa"?

Trung Quốc giờ đây đang cố gắng giành lấy ưu thế ở Myanmar. Và cách tiếp cận mới liệu sẽ thành công?

Dưới thời Tổng thống Thein Sein, quốc gia Đông Nam Á đang tìm kiếm việc tách dần khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Trước đó, vào lúc chính phủ dân sự dẫn đầu là ông lên nắm quyền đầu năm 2011, nhiều nhà quan sát Myanmar đã dự đoán rằng thực ra chỉ là "bình mới rượu cũ".

Cho tới này, cụm từ cải cách trở nên phổ biến tại Myanmar. Cho dù còn khá nhiều người chưa thực sự nhận thấy lợi ích hữu hình từ các chính sách cải cách. Ví dụ từ thời cũ, đất đai của nông dân nghèo bị chiếm hữu trái phép thì tới nay, đất vẫn chưa trở lại cho dù chính phủ cải cách đã có tới gần 3 năm thực thi. Nhiều dân thường vẫn dậm chân tại chỗ cuộc sống nghèo khổ trước đây.

Biểu tượng ủng hộ dân chủ Aung San Suu Kyi gần đây phải mô tả "không có những đổi thay hữu hình" trong cuộc sống dân thường. Điều này đặc biệt đúng với người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, có một điều cần làm rõ trong cái gọi là "bình mới rượu cũ" - đó là khó có thể nhận biết xác thực về mối quan hệ giữa Myanmar và Trung Quốc. Vì chính phủ mới lên nắm quyền đã có những thay đổi đáng kể.

Ông Thein Sein thường xuyên đề cập rằng, mục tiêu chính sách đối ngoại của Myanmar là chung sống hòa bình với cả thế giới. Vậy ai không đồng thuận với công thức khá chung chung này? Trong phương diện cụ thể hơn, chính sách ngoại giao của Myanmar gần đây có thể biểu đạt chuẩn nhất bằng cụm từ "Hướng Tây" - tương tự như chính sách "Hướng Đông" của Ấn Độ và "Trục xoay châu Á" của Mỹ.

"Hướng Tây" được hoạch định không chỉ là để duy trì quan hệ bền vững với phương Tây và cùng một lúc cân bằng với ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc tại Myanmar; nó còn là sự tìm kiếm phát triển và củng cố quan hệ tốt hơn với các quốc gia châu Á khác, đặc biệt là những thành viên với ASEAN - những thành viên có quan hệ tốt với phương Tây. Điều này phản ánh qua việc Tổng thống Thein Sein dự kiến công du châu Âu lần hai trong vòng năm tháng, trong đó có hai cường quốc thực dân cũ la Pháp và Anh (khoảng giữa tháng 7). Đây là tâm điểm chính sách đối ngoại của Myanmar và có lẽ sẽ không thay đổi cho tới khi ông Thein Sein kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2015.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, chính sách đối ngoại ấy liệu có thành công tới thời điểm này? Cần phải làm những gì để đảm bảo cho nó thành công? Quan trọng hơn cả là ai sẽ hưởng lợi từ sự thành công ấy?
 
Trung Quốc ra rìa?
 
Nhiều nhà quan sát Myanmar tin rằng, nước này từ lâu vẫn là một "trong số ít bạn bè trung thành của Trung Quốc". Đây là điều phải xem xét lại. Đầu tiên, chỉ trong vài tháng đầu tiên khi ông Thein Sein lên nắm quyền, Myanmar đã thành công trong việc thách thức người bạn lâu năm bằng quyết định đình chỉ xây dựng đập Myitsone - một thỏa thuận trị giá hơn 3,6 tỉ USD được ký kết với chính phủ trước. Có thông tin rằng, ông Thein Sein thậm chí không đả động gì tới con đập tranh cãi trong chuyến công du ba ngày tới Trung Quốc hồi đầu tháng 4, ba tuần trước khi ông đến Nhà Trắng. Bắc Kinh có thể cũng cảm nhận rõ điều đó, nhưng ông Thein Sein vẫn rất kiên quyết.

Thứ hai, ông nỗ lực tìm kiếm xây dựng lòng tin với Mỹ và đồng minh thân cận nhất của họ tại châu Á là Nhật Bản. Ông hy vọng mang những quốc gia này - hai đối thủ cạnh tranh kinh tế lớn của Bắc Kinh - vào Myanmar để cân bằng với hơn hai thập niên ảnh hưởng kinh tế lấn át của Trung Quốc. Nó cũng khiến Bắc Kinh tổn thương vì không chỉ có chuyện kinh tế mà còn cả ràng buộc quân sự kể từ khi Mỹ công khai đề cập chuyện thiết lập quan hệ quân sự với quốc gia Đông Nam Á này.

Dĩ nhiên Bắc Kinh thì không ngây thơ. Họ nhanh chóng tiến hành các biện pháp để đảm bảo lợi ích của chính mình. Có chút gì đó ngạc nhiên khi gần đây họ đưa ra sáng kiến gọi là quan hệ "nhân dân với nhân dân". Bắc Kinh sắp xếp các chuyến thăm hữu nghị hướng tới các đảng phái chính trị khác nhau tại Myanmar, hay tổ chức các chuyến đến Trung Quốc cho các nhóm xã hội dân sự, báo chí Myanmar, nhằm mục tiêu tạo dựng sự hiểu biết tốt hơn giữa hai quốc gia. Đại sứ quán Trung Quốc ở Yangon thậm chí còn mở tài khoản Facebook công khai, khẳng định rằng "vẫn còn tình hữu nghị với Naypyidaw". Tất cả những biện pháp này đều khá mới lạ trong chính sách của Trung Quốc với Myanmar.

Trung Quốc giờ đây đang cố gắng giành lấy ưu thế ở Myanmar. Và cách tiếp cận mới liệu sẽ thành công?

Những gì Trung Quốc đang làm dường như không tạo dựng sự thay đổi đáng kể. Trung Quốc phải xóa mờ được cảm giác phản đối Trung Quốc vốn ăn sâu bám rễ ở người dân Myanmar. Những dân làng nghèo ở khu vực khai thác mỏ đồng của Letpadaung vùng Thượng Myanmar đã biểu tình phản đối dự án khai khoáng của Trung Quốc. Dự án này phải tạm ngừng cho tới khi một ủy ban do bà Suu Kyi dẫn đầu có thể điều tra và ra báo cáo. Thậm chí tới khi ủy ban chấp thuận việc nối lại dự án vào cuối tháng 3 thì rất nhiều người dân vẫn bất bình.

Thực tế việc người dân từ chối chấp thuận sự ủng hộ của bà Suu Kyi, nhà lãnh đạo được yêu mến nhất Myanmar, đã phản ánh tâm lý phản đối Trung Quốc vẫn tồn tại ở quốc gia Đông Nam Á. Cách thức người Trung Quốc giúp người dân - thông qua chính phủ - đã không còn hiệu quả ở Myanmar. Bắc Kinh cần có những bước đi cụ thể như làm việc với các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận như phương Tây đã làm, để giúp dân nghèo Myanmar một cách hiệu quả hơn.

Một cách làm khác là Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình với các nhóm dân tộc thiểu số để giải quyết xung đột sắc tộc với chính phủ. Bắc Kinh phải thận trọng trong cách tiếp cận này, vì ổn định vùng biên giới là rất quan trọng với chính những lợi ích kinh tế của họ.

Với Myanmar, cho tới nay, phương Tây đang áp dụng cách tiếp cận "chờ và xem". Phương Tây vẫn chưa chắc về vai trò của quân đội Myanmar trong cải tổ. Ai đảm bảo cho các cải cách được thực thi? Thể chế hiến pháp nào cần thay đổi để đảm bảo sự chuyển đổi dân chủ? Và tới nay, họ chỉ nhận được ít câu trả lời mơ hồ cho thắc mắc của mình. Ví dụ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Đông Á ở Naypyidaw mới đây, dù bà Aung San Suu Kyi và Chủ tịch Hạ viện Thura Shwe Mann xác nhận họ có ý định tranh cử tổng thống năm 2015, thì không ai định giải thích những vấn đề nêu ra.

Các chính khách của Myanmar cần thực sự nghiêm túc trong giải quyết những vấn đề quan trọng và các câu hỏi đặt ra nếu họ muốn chính sách "Hướng Tây" thực thi. Không nỗ lực cải tổ xa hơn, Naypyidaw sẽ có thể mất cả Trung Quốc cũng như phương Tây trong lĩnh vực trợ giúp kinh tế, đầu tư, quân sự, nhân đạo và các hỗ trợ khác. Chính phủ của ông Thein Sein có thể sẽ mất đi niềm tin của người dân và mọi người sẽ không chờ đợi những lời hứa hẹn thay đổi.
 
Theo Nguyễn Huy
Tuanvietnam