1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông và biển Hoa Đông:

Trung Quốc phủ nhận vai trò can thiệp

Ngày 20/1, Hãng AFP dẫn thông tin từ tờ The Namibian cho biết, Namibia và Trung Quốc đang thương đàm kế hoạch thiết lập một căn cứ Hải quân Trung Quốc tại quốc gia Tây Nam Phi này.

Bởi trước đó (ngày 22/12/2014), Đại sứ Namibia tại Bắc Kinh gửi Bộ Ngoại giao Namibia cho biết, một phái đoàn Trung Quốc sẽ tới Windhoek để thảo luận “việc xúc tiến kế hoạch thiết lập một căn cứ hải quân ở vịnh Walvis theo như đề xuất”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phủ nhận thông tin kể trên.

Trước đó (16/1), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố (khi đề cập vai trò của Trung Quốc về giữ gìn hòa bình và an ninh châu Phi, nhân kết thúc chuyến thăm 5 nước châu Phi), Bắc Kinh sẽ tích cực tìm tòi con đường giải quyết vấn đề điểm nóng mang đặc sắc Trung Quốc. Ông Vương Nghị nhấn mạnh, là một nước lớn, Trung Quốc phải tiếp tục kiên trì nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác, tuân theo nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế...

Hao tiền tốn của

Ngày 21/1, Hãng Bloomberg nhận định, việc dầu thô giảm giá mạnh trong mấy tháng qua đã khiến nhiều công ty từ bỏ dự án khai thác dầu được coi là không khả thi so với mức giá hiện tại. Nhưng Biển Đông vẫn là một điểm nóng về chính trị và an ninh của khu vực, thúc đẩy tăng chi tiêu quân sự ở các nước xung quanh. Bởi theo tuyên bố của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh Thời Ân Hoằng, tranh chấp ở Biển Đông không phải là cuộc chiến tranh giành năng lượng, đây là cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển và không có sự thỏa hiệp về yêu sách. Điều này đồng nghĩa với việc, giá dầu tuy giảm mạnh, nhưng không làm giảm tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel

Ngày 17/1, mạng The Motley Fool đăng bài viết “Trung Quốc có tàu sân bay” của tác giả Rich Smith, trong đó nhận định, các nước châu Á sẽ tiêu tốn hàng trăm tỉ USD để chạy đua, đối phó với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh gia tăng “cơ bắp” tại khu vực này. Tác giả Rich Smith cũng đề cập tới việc lần đầu tiên Trung Quốc chính thức công bố đưa tàu sân bay Liêu Ninh (ký hiệu PLAN CV-16) phục vụ quân đội.

Bởi ngay sau động thái kể trên của Trung Quốc, Nhật Bản đã tuyên bố đóng thêm 2 tàu sân bay và một số quốc gia trong khu vực cũng công bố các kế hoạch đầu tư quốc phòng tương xứng. Nhưng với tư cách là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ, nên Trung Quốc dễ dàng cho các nước hữu quan “ăn khói”. Tác giả Rich Smith còn cho rằng, Trung Quốc không những đang chế tạo thêm tàu sân bay, mà còn học cách sử dụng chúng một cách hiệu quả như những gì Mỹ đã và đang làm - khi một tàu sân bay di chuyển luôn có tàu chiến, tàu tiếp nhiên liệu, cùng 1-2 tàu ngầm hạt nhân hộ tống.

Cũng trong ngày 17/1, tờ Nhân Dân nhật báo dẫn thông tin từ trang mạng Jane’s Defense Weekly, theo đó có hình ảnh cho thấy sân bay của Công ty TNHH Công nghiệp Máy bay Thành Đô, Trung Quốc đã đậu 14 máy bay chiến đấu J-10B sơn màu không quân và điều này cho thấy loại máy bay này có thể sắp được sản xuất hàng loạt. Theo nhận định của chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Triệu Trung, so với J-10A, máy bay chiến đấu J-10B ít nhất đã được nâng cấp 30% tính năng tổng thể. J-10B có thể lắp đạn chiến đấu cự ly gần, có thể mang đạn đánh chặn cự ly trung bình tầm bắn vài chục km, cùng khả năng tấn công đối đất. Và so với máy bay chiến đấu như Su-30, F-15J của Ấn Độ, Nhật Bản, máy bay J-10B chắc chắn có ưu thế. Theo Đài Tiếng nói nước Nga, Trung Quốc bắt đầu sản xuất quy mô lớn loại máy bay chiến đấu đa năng J-10B do Bắc Kinh tự chế tạo.

Chẳng tốn công sức

Ngày 20/1, phát biểu tại cuộc họp báo của Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc, Cục trưởng Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc Mã Kiến Đường đã phản đối cách nói GDP của Trung Quốc vượt Mỹ của một số học giả và giới truyền thông dựa trên thành quả so sánh về sức mua PPP từ năm 2011. Trước đó (15/1), trang mạng của tổ hợp công nghiệp quân sự Nga dẫn nhận định của chuyên gia quân sự Nga Sergei Tikhonov cho rằng, 5 năm trước, mức tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc đứng thứ hai thế giới, nhưng trong tương lai không xa, Bắc Kinh sẽ thống lĩnh vị trí số một.
 
Chạy thử tàu sân bay trực thăng lớp Izumo đầu tiên của Nhật Bản
Chạy thử tàu sân bay trực thăng lớp Izumo đầu tiên của Nhật Bản

Ngày 19/1, tờ Chosul Ilbo dẫn lại thông tin của tờ International Herald Leader, phụ trương của Tân Hoa xã cho biết, Trung Quốc đã triển khai tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân DF-21 trên dãy núi Trường Bạch (Baekdu), nằm vắt ngang biên giới giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Vẫn theo tờ Chosun Ilbo, Trung Quốc cũng đã triển khai tên lửa DF -21 dọc bờ biển tỉnh Sơn Đông nhằm chuẩn bị cho cuộc xung đột có thể xảy ra với Nhật liên quan đến tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Theo nhận định của Giáo sư Cho Yang-hyun đến từ Học viện Ngoại giao Hàn Quốc, nếu Trung Quốc triển khai tên lửa DF-21 trên núi Trường Bạch, thì đó là cảnh cáo đối với liên minh quân sự Seoul-Washington-Tokyo. Mỹ cho rằng, Trung Quốc hiện có từ 50 đến 100 tên lửa DF-21. Cựu Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, Đô đốc Roughead cho rằng, DF-21 là vũ khí đặc biệt đáng lo ngại. Còn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng khuyến cáo, tên lửa DF-21D có thể phá hoại tự do hàng hải của Mỹ, làm giảm năng lực chiến lược của Washington.

Giới chuyên môn rất quan tâm tới tiết lộ của ông Từ Tăng Bình, doanh nhân đến từ Hongkong, người giúp Trung Quốc mua tàu sân bay Liêu Ninh khi lần đầu tiên khẳng định, toàn bộ động cơ của tàu còn mới nguyên khi Ukraine quyết định bán năm 1998. Điều đáng nói là mặc dù đã chi 20 triệu USD (và ít nhất 120 triệu USD cho thương vụ này kể từ 1996 đến 1999) để mua tàu sân bay Varyag (nay là tàu sân bay Liêu Ninh) ngày 30/4/1999, nhưng cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa trả cho người “mua hàng” một đồng nào - theo lời của ông Từ Tăng Bình. Và việc này khác hoàn toàn so với những gì Bắc Kinh từng tuyên bố trước đó.

Mỹ từng ép Ukraine phải tháo dỡ mọi thứ trên tàu sân bay này khi bán, nhưng Trung Quốc đã cố ý đưa ra những thông tin sai lệnh về việc tháo dỡ để giúp thương vụ mua bán diễn ra dễ dàng. Giới chuyên môn cho rằng, các động cơ của tàu Liêu Ninh đã được nâng cấp bởi trong những đợt chạy thử trên biển vừa qua cho thấy, tốc độ tối đa của nó tương đương 32 hải lý/giờ.

Những động thái đáng quan tâm

Ngày 13/1, trang mạng Jane’s Defense Weekly cho biết, Manila đang đấu thầu chương trình cải tiến tàu hộ vệ hạng nhẹ BRP Artemio Ricarto lớp Jacinto (nhận từ Hải quân Hoàng gia Anh tháng 8/1997) để hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ vùng biển phía nam của Hải quân Philippines. Trước đó (tháng 11/2014) việc này từng được đưa ra nhưng thất bại và ngân sách dành cho cải tiến lần này là 5,56 triệu USD. Ngày 17/12/2014, người phụ trách hệ thống vũ khí của Hải quân Philippines Caesar Taccad cho biết, Manila dự định mua 2 tàu hộ vệ, 2 máy bay trực thăng và 3 tàu pháo để triển khai ở Biển Đông.

Tên lửa đạn đạo chống Hạm Đông Phong-21D Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo chống Hạm Đông Phong-21D Trung Quốc

Cũng trong ngày 13/1, tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng phân tích của học giả Ei Sun Oh, thành viên cao cấp Viện Học thuật quốc phòng và Chiến lược Trường Rajaaratnam, Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore cho rằng, chiến lược cân bằng của Malaysia tại Biển Đông khi làm Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2015 sẽ không chỉ là “bảo hiểm rủi ro”. Bởi Malaysia sẽ xử lý vấn đề nhạy cảm này như thế nào khi vừa là quốc gia có yêu sách ở Biển Đông, vừa là Chủ tịch ASEAN 2015.

Ngày 12/1, tờ The Economic Times dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar, theo đó nước này sẽ có chính sách thân thiện đối với lĩnh vực chế tạo quốc phòng nhằm khuyến khích sản xuất thiết bị trong nước và giảm nhập khẩu. Trong khi đó, tờ The Times of India dẫn lời Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ Dhowan: Nước này đã chuẩn bị đầy đủ cho việc bảo vệ bờ biển và các lợi ích biển với hoạt động giám sát 24/24 giờ. Động thái này diễn ra sau khi người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh bác bỏ thông tin cho rằng, Trung Quốc sẽ thiết lập 18 căn cứ quân sự gần Ấn Độ.

Trước đó (30/10/2014), người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân từng cảnh báo về kế hoạch xây dựng 54 cột mốc biên giới mới dọc dải đất phía đông khu vực biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc luôn tuyên bố chủ quyền đối với vùng đất rộng 90.000km2 thuộc bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, trong khi New Delhi cáo buộc Bắc Kinh đang chiếm đóng 38.000km2 lãnh thổ trên Cao nguyên Aksai Chin.

Theo ước tính của giới quân sự, các quốc gia tại Châu Á - Thái Bình Dương sẽ chi 200 tỉ USD để mua sắm và chế tạo tàu ngầm, tàu chiến từ nay đến năm 2031 và dự chi cho quốc phòng ở khu vực này có thể chiếm 25% kế hoạch mua sắm quốc phòng trên thế giới trong cùng giai đoạn. Tờ Jane’s Defense Weekly từng dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel - Lục quân Mỹ cần triển khai vũ khí tấn công chính xác và hệ thống phòng thủ tên lửa tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Trước đó (13/10/2014), Tướng Vincent Brooks cũng cho rằng, Lục quân đang huấn luyện lực lượng hàng không tác chiến “trên mặt nước” để thích ứng với môi trường duyên hải. Văn Phòng nghiên cứu của Quốc hội Mỹ cũng từng công bố báo cáo thẩm định “Kế hoạch thay thế Ohio”, còn gọi là “Kế hoạch SSBN”, về việc nghiên cứu, chế tạo một loại tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo thế hệ mới để thay thế 14 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio hiện đang sử dụng.

 
Theo Hồng Thất Công
PetroTimes