1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu 7

(Dân trí) - Ngày 25/9, Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu 7, mang theo 3 phi hành gia - trong đó có một người sẽ rời khoang tàu thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian lần đầu tiên trong lịch sử ngành vũ trụ nước này.

Thần Châu 7 được phóng bằng tên lửa Trường Chinh II-F từ trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tỉnh Cam Túc (Tây Bắc Trung Quốc) lúc 9h10 phút tối.

 

Đích thân Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã ra tiễn ba phi hành gia trước khi họ lên tàu và ca ngợi họ là những anh hùng. "Đây là bước tiến quan trọng đối với công nghệ không gian vũ trụ của đất nước chúng ta", ông Hồ Cẩm Đào nói tại bãi phóng.

 

Nhiệm vụ của Thần Châu 7 là du hành 68 giờ trong không gian rồi quay về mặt đất. Thần Châu 7 có thể sẽ đáp xuống Khu Tự trị Nội Mông khi hoàn tất nhiệm vụ. Còn chuyến đi bộ trong không gian sẽ diễn ra trên quỹ đạo cách trái đất 373 km trong ngày 27/9 và sẽ được truyền hình trực tiếp.

 

Người có nhiệm vụ thực hiện chuyến đi bộ 30 phút ngoài không gian này là Trạch Chí Cương, một đại úy không quân trưởng thành ở Đông Bắc Trung Quốc. Phi hành gia 42 tuổi này sẽ thu thập thử nghiệm bên ngoài và theo dõi việc phóng một vệ tinh. Anh cũng là người sẽ thử nghiệm bộ trang phục không gian mới của Trung Quốc.

 

Đây là lần phóng tàu vũ trụ có người lái lần thứ ba của Trung Quốc kể từ tháng 10/2003, khi nước này gia nhập cùng Nga và Mỹ để trở thành ba nước duy nhất đưa người vào vũ trụ.

 

Khẳng định vị thế cùng Nga, Mỹ

 

Thần Châu 7 là bước chuẩn bị kế tiếp của Trung Quốc trong nỗ lực khẳng định vị trí cường quốc vũ trụ trong cuộc đua với Nga và Mỹ. Tiến trình Bắc Kinh vươn lên vị trí này đã được đánh giá là rất nhanh chóng, nhưng theo các nhà phân tích, triển vọng Trung Quốc bắt kịp hai siêu cường Mỹ, Nga còn xa vời.

 

Khởi động từ giữa thập niên 50, chương trình vũ trụ của Trung Quốc đã gặt hái thành công đầu tiên vào năm 1960, với việc phóng tên lửa đẩy Trường Chinh I.

 

Đến năm 1970 - tức là hơn một thập niên sau Liên Xô và Mỹ, với chiếc Đông Phương Hồng I, Trung Quốc trở thành nước thứ năm trên thế giới đưa được vệ tinh của mình lên quỹ đạo, sau Liên Xô, Mỹ, Pháp và Nhật.

 

Sau đó, chương trình vũ trụ của Trung Quốc ngưng lại đôi chút, nhưng tăng tốc trở lại từ cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, khi tiến trình cải tổ kinh tế bắt đầu đạt kết quả.

 

Vào năm 2003, Bắc Kinh thực hiện được bước nhảy vọt, khi Dương Lợi Vĩ trở thành người Trung Quốc đầu tiên du hành trong vũ trụ trên Thần Châu 5. Trung Quốc chính thức trở thành nước thứ ba trên thế giới đưa được tàu vũ trụ có người lái vào không gian.

 

Đến tháng 10/2005, Trung Quốc đã cử hai phi hành gia thực hiện chuyến bay 5 ngày của Thần Châu 6.

 

Những thành tích này đã giúp Trung Quốc vươn lên vị trí cường quốc vũ trụ số một tại Châu Á, bỏ đối thủ Nhật Bản lại phía sau.

 

Với việc phóng thành công Thần Châu 7, Trung Quốc lại tiến thêm một bước mới trong việc khẳng định vị thế của mình trong câu lạc bộ hiếm hoi của các siêu cường vũ trụ.

 

Thần Châu 7 - cơ sở cho trạm vũ trụ tương lai

 

Truyền thông Trung Quốc nói Thần Châu 7 là "bước đi quan trọng nhất" của chương trình chinh phục không gian gồm "ba bước" của nước này.

 

Các bước đi gồm có đưa người lên vũ trụ, đặt tàu để thiết kế một phòng nghiên cứu nhỏ trên không gian, và cuối cùng là xây dựng một trạm không gian lớn.

 

Trong khi đó, giới quan sát cũng cho rằng việc Trung Quốc đưa người thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian lần này là nhằm chuẩn bị cho các bước kế tiếp trong chương trình vũ trụ đầy tham vọng của Trung Quốc: đó là thành lập một trạm vũ trụ của riêng nước này, làm căn cứ cho các thám hiểm khác.

 

Trung Quốc có kế hoạch đến năm 2010 phóng thêm hai tàu vũ trụ không người lái nữa, cộng với một tàu vũ trụ có ba người để bắt đầu làm việc trong phòng thí nghiệm.

 

Từ năm 2015, Trung Quốc sẽ tập trung thám hiểm sao Hỏa, qua năm 2017, họ có thể lên lấy mẫu đất đá trên Mặt Trăng. Đến năm 2025, Bắc Kinh dự kiến đưa người của mình lên Mặt Trăng, tương tự như Mỹ đã làm vào năm 1969.

 

Dư luận Mỹ đã lo ngại trước bước tiến đều đặn của Trung Quốc trong lĩnh vực vũ trụ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, bước tiến công nghệ học sẵn có của Mỹ cũng như ngân sách khổng lồ của Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ cho phép Washington duy trì ưu thế của mình trong một thời gian lâu dài.

 

Điều chắc chắn là tại Châu Á, vị thế hàng đầu của Trung Quốc đã được hoàn toàn khẳng định, vì đối thủ Nhật Bản chưa thể tự mình đưa phi hành gia lên không trung, trong lúc Ấn Độ, đối thủ tiềm tàng khác, còn tuột lại xa phía sau.

 

Nga và Mỹ đã đưa được người của mình đi bộ ngoài không gian từ năm 1965. Nhưng theo ghi nhận của các chuyên gia vũ trụ, bước tiến của Trung Quốc rất đáng kể vì họ đã thực hiện được trong vòng vài năm, những gì mà hai cường quốc Mỹ và Liên Xô cũ phải mất nhiều thập niên mới làm được.

 

Nguyễn Viết

Theo THX, Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm