Trung Quốc phát minh môn đánh gôn từ 1.000 năm trước
Đã từ lâu, Scotland vẫn được cả thế giới biết đến là nơi bắt nguồn của môn đánh gôn. Nhưng ngày hôm qua, Trung Quốc đã tuyên bố "bản quyền" của phát minh này.
Theo giáo sư Lăng Hồng Linh, ĐH Lam Châu, người Trung Quốc đã chơi gôn từ cách đây 1.000 năm. Giáo sư Lăng cho biết ông đã tìm thấy tài liệu miêu tả một trò chơi được gọi là "chuiwan" trong đó "chui" có nghĩa là đánh và "wan" là quả bóng.
Người tham gia trò chơi sẽ sử dụng 10 cây gậy trong đó có một "cuanbang" - tương tự như cái bạt đánh gôn hiện nay, và một "shaobang" - gậy gỗ hình dạng giống cái thìa. Giới quý tộc, hoàng thân quốc thích thì khảm ngọc bích vào thân gậy và bọc đầu gậy bằng vàng, ngoài ra còn trạm trổ rất tinh vi.
Tài liệu miêu tả trò chơi này được viết từ thời nhà Tống (năm 960-1279 sau Công nguyên). Mới đây, nó được phát hiện trong một tập sách có tên gọi Bộ sử Dongxuan. giáo sư Lăng cho rằng cuốn sách này kể lại việc một vị quan lại địa phương Trung Quốc hướng dẫn con gái mình "đào lỗ dưới đất để ông ta có thể đánh quả bóng lăn xuống lỗ bằng một cây gậy".
Từ chứng cứ này, giáo sư Lăng khẳng định, môn đánh gôn "rõ ràng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ông cũng cho biết thêm rằng người Mông Cổ khi đến Trung Quốc đã truyền bá trò chơi này sang châu Âu.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng nơi đầu tiên khai sinh tất cả các hình thức chơi gôn hiện đại là Scotland. Người Scotland cũng là những cư dân đầu tiên nghĩ ra việc dùng "lỗ" mà không phải dùng bia.
Theo HT
Vietnamnet/Guardian, Telegraph