Trung Quốc phát hiện ca nhiễm virus corona 49 ngày nhưng ít triệu chứng
(Dân trí) - Trung Quốc đã ghi nhận một ca Covid-19 được mô tả là “rất hiếm gặp” liên quan tới 1 bệnh nhân trung niên nhiễm virus trong 49 ngày nhưng có rất ít triệu chứng.
Theo SCMP, một nghiên cứu được công bố hồi tuần trước trên trang Medrxiv.org của các chuyên gia từ Đại học Quân Y Trùng Khánh, bệnh viện quân đội 967 ở Đại Liên, bệnh viện đa khoa quân đội ở Vũ Hán, đã ghi nhận một trường hợp nhiễm virus corona trong thời gian rất dài, tới 49 ngày, nhưng không có triệu chứng nặng.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một giả thuyết rằng virus corona có thể có một chủng biến thể mới gây ra tác hại nhẹ hơn, nhưng ở trên người bệnh lâu hơn. Trong trường hợp này, các chuyên gia mô tả bệnh Covid-19 trên người đàn ông trung niên nói trên có biểu hiện giống như “mạn tính”.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều trường hợp ủ bệnh “một cách mạn tính” tương tự như người đàn ông trên và có khả năng trở thành nguồn lây bệnh cho người khác.
Theo nghiên cứu, bệnh nhân trung niên nói trên có lượng virus trong cơ thể khá cao, nhưng các chỉ số về miễn dịch lại khá ổn định.
“Virus và vật chủ có thể hình thành quan hệ cộng sinh”, các nhà nghiên cứu phỏng đoán.
Cơ thể bệnh nhân không loại bỏ được virus corona bằng các phác đồ điều trị thông thường nên các bác sĩ đã dùng kháng thể trong huyết tương bệnh nhân đã khỏi bệnh truyền vào người đàn ông này. Hai ngày sau, xét nghiệm gạc mũi họng của ông cho ra kết quả âm tính.
Theo SCMP, đây được xem là trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 lâu nhất với một bệnh nhân được chữa khỏi triệu chứng Covid-19. Các khảu sát lâm sàng trước đó cho thấy thời gian trung bình của bệnh nhân khỏi bệnh là 20 ngày, ca dài nhất là 37 ngày. Thông thường, quãng thời gian nhiễm virus càng lâu thì ca bệnh càng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, bệnh nhân mang virus 49 ngày lại chỉ sốt nhẹ, không ho, bị cảm lạnh, khó thở hay có các triệu chứng Covid-19 thông thường khác. Ảnh chụp phổi cho thấy các vùng bị viêm nhưng vài ngày sau biến mất trong khi thân nhiệt đã trở về bình thường, theo nghiên cứu.
Trong khi đó, thử nghiệm axit nucleic với bệnh nhân trên luôn cho kết quả dương tính với lượng lớn virus tương đương với những ca cực kỳ nghiêm trọng hoặc nguy kịch. Điều này có nghĩa là, với lượng virus như vậy, người đàn ông này có thể vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác.
Các nhà khoa học nhận định: “Đây có thể là một ca bệnh mãn tính nếu không truyền huyết tương”.
Một phụ nữ cao tuổi là người nhà của bệnh nhân nhiễm virus 49 ngày cũng bị dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, dù bà có bệnh lý nền, nhưng bà vẫn hồi phục nhanh so với tốc độ trung bình ở những người cùng tuổi.
Các nhà nghiên cứu cho rằng ca bệnh trên có thể cho thấy virus corona mới đang tiếp tục có thêm biến thể, gây tác hại nhẹ hơn, có thể khó lây hơn, nhưng kéo dài và khó chữa khỏi.
Điều này có thể dẫn tới thêm nhiều ca “nhiễm virus mạn tính”. Những người này có thể bị bỏ qua vì triệu chứng nhẹ nhưng vẫn có thể lây cho người khác và có thể gây ra đợt bùng phát mới.
Đức Hoàng
Theo SCMP