1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc phản đối Thủ tướng Ấn Độ thăm bang biên giới, New Delhi phản bác

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ấn Độ lên tiếng sau khi Trung Quốc phản đối chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới bang Arunachal Pradesh, khu vực mà 2 bên tranh cãi về chủ quyền.

Trung Quốc phản đối Thủ tướng Ấn Độ thăm bang biên giới, New Delhi phản bác - 1

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm Arunachal Pradesh cuối tuần trước (Ảnh: Indian Express).

Ấn Độ ngày 12/3 bác bỏ sự phản đối của phía Trung Quốc với chuyến thăm của Thủ tướng Modi vào hồi cuối tuần tới Arunachal Pradesh.

Một ngày trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố Bắc Kinh kiên quyết phản đối các hoạt động của ông Modi trong khu vực trên. Trung Quốc đã đưa ra thông điệp phản đối qua kênh ngoại giao với Ấn Độ.

Ông Modi tới thăm bang Arunachal Pradesh hôm 9/3 để khánh thành các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm một đường hầm kết nối đến Tawang, khu vực biên giới có vị trí chiến lược.

Đường hầm này sẽ giúp hoạt động đi lại dễ dàng bất chấp thời tiết cực đoan ở khu vực. Ngoài ra, tuyến đường được kỳ vọng sẽ đảm bảo việc di chuyển của quân đội Ấn Độ ở khu vực biên giới nhanh và thuận lợi hơn.

Trung Quốc tuyên bố Arunachal Pradesh là một phần của miền nam Tây Tạng. New Delhi bác bỏ tuyên bố này, nói rằng Arunachal Pradesh luôn là một phần của Ấn Độ.

Randhir Jaiswal, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết: "Các nhà lãnh đạo Ấn Độ thỉnh thoảng đến thăm Arunachal Pradesh cũng như thăm các bang khác của Ấn Độ. Việc phản đối những chuyến thăm như vậy hoặc các dự án phát triển của Ấn Độ là không hợp lý. Hơn nữa, nó sẽ không thay đổi thực tế rằng bang Arunachal Pradesh đã, đang và sẽ luôn là một phần không thể tách rời của Ấn Độ".

Năm ngoái, 2 nước cũng căng thẳng vì vấn đề liên quan tới bang Arunachal Pradesh. Khi đó, Trung Quốc đã đặt lại tên cho 11 địa điểm ở Arunachal Pradesh. New Delhi đã bác bỏ động thái này, cho rằng đây là lãnh thổ của Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố, việc đổi tên các địa điểm "hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc".

Năm 1962, Trung Quốc và Ấn Độ đã nổ ra chiến sự dọc theo các phần của đường biên giới dài 3.800km chưa được phân định rõ ràng. Căng thẳng nóng lên trong những năm gần đây khi 2 nước xảy ra các cuộc đụng độ tại những khu vực tranh chấp.

Một sự kiện đỉnh điểm là cuộc đụng độ vào năm 2020 ở Ladakh, Himalaya, khiến ít nhất 24 binh sĩ ở 2 bên thiệt mạng. Đây được xem là lần đầu tiên trong hơn 40 năm, một vụ đụng độ ở khu vực tranh chấp chủ quyền giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ gây chết người.

Kể từ cuộc giao tranh, căng thẳng giữa 2 nước liên tục leo thang khi các bên đều triển khai quân nhân và vũ khí dồn dập tới các điểm "nóng". Tuy nhiên, hai nước sau đó đã thống nhất xuống thang căng thẳng ở biên giới và cũng bắt đầu rút bớt quân, xe tăng, khí tài quân sự khỏi khu vực Ladakh.

Theo Reuters