1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc ồ ạt đóng tàu chiến hòng “nuôi” tham vọng hải quân

(Dân trí) - Trung Quốc đang đẩy mạnh chương trình đóng tàu chiến trong bối cảnh lực lượng hải quân nước này nuôi tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng để phục vụ cho các lợi ích của Bắc Kinh.

Trung Quốc ồ ạt đóng tàu chiến hòng “nuôi” tham vọng hải quân - 1

Trung Quốc hạ thủy tàu khu trục Type 055 thứ 6. (Ảnh: SCMP)

Hai tàu chiến mới nhất của Trung Quốc vừa được hạ thủy tuần trước là Type 055 và Type 052D. Đây là hai khu trục mang tên lửa dẫn đường do Công ty Công nghiệp Đóng tàu Đại Liên tại tỉnh Liêu Ninh đóng.

Theo truyền thông Trung Quốc, đây là tàu Type 055 thứ 6 và tàu Type 052D thứ 23 của Bắc Kinh. Hai tàu mới này nằm trong tổng số 24 tàu được Hải quân Trung Quốc hạ thủy trong năm 2019.

Với lượng giãn nước khoảng 12.000 tấn, Type 055 là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đầu tiên của Trung Quốc được thiết kế để mang và phóng 112 tên lửa.

Trong khi đó, tàu Type 052D, với lượng giãn nước khoảng 8.000 tấn, được trang bị 64 ống phóng thẳng đứng. Thông thường các tàu loại này cần từ 1-2 năm để hoàn thiện và chạy thử trên biển trước khi được đưa vào biên chế.

Động lực của Trung Quốc trong việc đóng và biên chế tàu chiến được đẩy mạnh sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền. Tới năm 2015, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải cách rộng rãi trong toàn bộ lực lượng quân đội.

Theo báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Mỹ công bố vào tháng 12 năm ngoái, chỉ riêng trong năm 2016, 18 tàu chiến của Trung Quốc đã đi vào hoạt động. Năm 2017, Trung Quốc tiếp tục bổ sung thêm ít nhất 14 tàu mới.

Năm 2018, Trung Quốc hạ thủy 21 tàu tàu chiến, bao gồm 5 tàu hộ vệ Type 054A, 4 tàu hộ vệ Type 056 và một tàu ngầm tên lửa đạn đạo. Theo thống kê của CSIS, tính đến năm 2018, Hải quân Trung Quốc sở hữu hơn 300 tàu các loại, nhiều hơn so với con số 290 tàu của Hải quân Mỹ.

Tuy nhiên theo Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, mặc dù các tàu mới vẫn được bổ sung vào lực lượng hải quân Trung Quốc hàng năm, song không có sự gia tăng về tổng số tàu trong hạm đội vì nhiều tàu cũ được thay thế dần bằng các tàu mới.

Trung Quốc ồ ạt đóng tàu chiến hòng “nuôi” tham vọng hải quân - 2

Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Hồi đầu tháng, hai tàu hộ vệ lớp Type 053H3 đã qua sử dụng của Trung Quốc được bán lại cho Hải quân Bangladesh.

“Chất lượng chung của các tàu (Trung Quốc) đều được cải thiện, vì mỗi tàu khu trục và hộ vệ được đưa vào hoạt động đều lớn hơn và mạnh hơn so với những tàu được thay thế”, ông Koh nhận định.

Theo nhà bình luận quân sự Hong Kong Song Zhongping, trước đây Trung Quốc thường tập trung vào việc phòng vệ gần bờ, còn bây giờ, nước này đã đưa tàu tới các vùng biển xa hơn nhằm phục vụ cho tham vọng hàng hải. Zhongping cho rằng việc Trung Quốc hạ thủy các tàu mới nhất phù hợp với chiến lược hàng hải đang phát triển của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, nếu muốn nâng cao khả năng tác chiến, Trung Quốc vẫn cần phải cải thiện các hệ thống năng lượng bên trong các tàu chiến của nước này. Giới phân tích vẫn chưa thực sự đánh giá cao năng lực của các tàu Trung Quốc, thậm chí cả tàu sân bay Sơn Đông mới được Bắc Kinh biên chế trong tháng này.

Theo chuyên gia Koh, sự phát triển nhanh chóng của khí tài quân sự Trung Quốc đòi hỏi phải có sự phát triển song hành của lực lượng nhân sự chuyên nghiệp, chất lượng cao để vận hành và bảo trì những khí tài đó. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện vẫn bị tụt hậu về vấn đề này.

Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, gia nhập biên chế hồi tháng 9/2012 nhưng phải tới 2 tháng sau đó, một tiêm kích mới hạ cánh được xuống tàu. Ngoài ra, tình trạng thiếu trầm trọng phi công được đào tạo bài bản cũng cản trở tham vọng phát triển sức mạnh đội tàu sân bay của Trung Quốc.

Thành Đạt

Theo SCMP