1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc nói gì sau khi từ chối cho tàu chiến Đức cập cảng?

Minh Phương

(Dân trí) - Sau khi từ chối cho tàu chiến Đức cập cảng đầu tuần này, Trung Quốc tiếp tục chỉ trích các nước bên ngoài khu vực đưa tàu đến Biển Đông tuần tra.

Trung Quốc nói gì sau khi từ chối cho tàu chiến Đức cập cảng? - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Ảnh: AFP).

Phản ứng với việc Bộ Ngoại giao Đức thông báo tàu hộ vệ tên lửa Bayern của nước này bị từ chối cập cảng Thượng Hải, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 16/9 nói rằng, các nước bên ngoài khu vực nên "tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định" và nên "đóng vai trò tích cực".

Ông Triệu cho biết thêm, Bắc Kinh coi trọng phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Đức, trong đó có hợp tác giữa quân đội hai nước, trên cơ sở tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, việc tạo ra môi trường thuận lợi cho sự hợp tác này hay không là phụ thuộc vào Đức.

Bình luận trên được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Đức thông báo, Trung Quốc đã từ chối cho tàu hộ vệ Bayern của nước này cập cảng ở Thượng Hải. Tàu hộ vệ tên lửa Bayern của Đức khởi hành từ Wilhelmshave hôm 2/8 trong đợt triển khai 6 tháng đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có hải trình qua Biển Đông. Sau khi bị từ chối cập cảng ở Thượng Hải, tàu Bayern đã thay đổi một chút hải trình, trong đó có kế hoạch cập cảng tại thành phố Darwin, miền bắc Australia.

Trước khi tàu Bayern khởi hành, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cho biết, mục tiêu của chuyến đi này là để thể hiện sự ủng hộ với các đồng minh của Đức trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer nói, Liên minh châu Âu muốn thiết lập hiện diện lâu dài ở khu vực. "Chúng ta sẽ cùng nhau bảo vệ các giá trị và lợi ích", Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer cho biết.

Tuy nhiên, quan chức này cũng khẳng định, chuyến đi không nhằm vào một quốc gia cụ thể nào và chỉ nhằm mục đích "duy trì đối thoại".

Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân (Trung Quốc), bình luận, gần một năm qua, chính phủ Đức đã nhiều lần đề cập đến việc phối hợp với đồng minh, thiết lập hiện diện chiến lược, bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đó có thể là lý do khiến Bắc Kinh tức giận.

Chuyên gia Shi cũng nhận định, việc Trung Quốc từ chối cho tàu Bayern cập cảng sẽ không tác động tiêu cực đến các khía cạnh khác trong quan hệ Trung Quốc - Đức nếu Berlin không có thêm những bước đi nào mà Bắc Kinh coi là tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố yêu sách chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. Mỹ và các đồng minh đã điều tàu quân sự đến khu vực thường xuyên hơn để thực hiện sứ mệnh mà Washington gọi là hoạt động tự do hàng hải, thách thức tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm