1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc nhận thêm "vố đau" khi "o bế" bất thành Chủ tịch ASEAN

Không phải là một cường quốc hải quân hay một nước có sức nặng ngoại giao, Myanmar dường như không phải là đích ngắm của Trung Quốc trong việc tìm kiếm một bệ đỡ cho tham vọng chủ quyền tại Biển Đông.

Thế nhưng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không bỏ qua cơ hội để “ve vãn” Myanmar khi Tổng thống Thein Sein có chuyến đi tới Bắc Kinh hồi cuối tuần qua, dự lễ kỉ niệm 60 năm ngày ra đời “5 nguyên tắc chung sống hòa bình” được Chủ tịch Mao Trạch Đông khởi xướng. Đơn giản là bởi Myanmar đang giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN.

Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Myanmar, ông U Zaw Htay tiết lộ: Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập đến vấn đề Biển Đông, nhưng nhà lãnh đạo Myanmar thể hiện thái độ quyết đoán, không chấp nhận đứng về phía Trung Quốc, đồng thời hối thúc cách tiếp cận phù hợp để giải quyết tranh chấp. "Myanmar đứng về ASEAN trong vấn đề này", U Zaw Htay trao đổi với phóng viên tờ New York Times (Mỹ) qua điện thoại.

Trung Quốc nhận thêm vố đau khi o bế bất thành Chủ tịch ASEAN
Tổng thống Myanmar Thein Sein tại một cuộc triển lãm ảnh nhân dịp kỉ niệm 60 năm ngày ra đời "5 nguyên tắc chung sống hòa bình". Ảnh: Pool

Trung Quốc muốn xử lý tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với các bên liên quan, ví dụ như Việt Nam và Philippines - hai nước thành viên ASEAN, theo phương thức riêng lẻ. Nhưng ASEAN đã luôn nỗ lực để tiến đến một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm loại trừ các xung đột quân sự; đồng thời khuyến khích việc xử lý tranh chấp tại vùng biển giao thương tấp nập nhất thế giới này qua cơ chế trọng tài quốc tế.

Có vẻ như thời điểm ông Tập Cận Bình đưa ra đề xuất với Tổng thống Thein Sein không được phù hợp. Trong tháng này, Myanmar sẽ tổ chức một cuộc họp giữa các nhà ngoại giao ASEAN với Trung Quốc, cuộc họp đầu tiên kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Cho đến nay, Myanmar đã đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và không có ý định bị xem là người đại diện cho lợi ích của Trung Quốc. Đáng chú ý, ngoài việc lấy lòng lãnh đạo Myanmar, nước mà Bắc Kinh từng tạo lập được ảnh hưởng vững chắc nhiều thập kỉ trước thông qua quan hệ mật thiết với chính quyền quân sự, Trung Quốc đang tìm cách xoa dịu phản ứng của người dân Myanmar.

Những luật sư Myanmar từng thành công trong chiến dịch phản đối các dự án khai khoáng và thủy điện lớn của Trung Quốc tại Myanmar đã được mời đến Bắc Kinh vào tháng tới. Ông U Thein Than Oo, thành viên của Mạng lưới Luật sư Myanmar, cho biết: Tổ chức hoạt động dân sự này sẽ có các cuộc gặp với Hiệp hội Luật sư Trung Quốc dưới sự bảo trợ của chính quyền Bắc Kinh và “đây là một chiến thuật mới của Trung Quốc”.

Người dân Myanmar tuần hành phản đối dự án thủy điện Myitsone. Ảnh: Reuters
Người dân Myanmar tuần hành phản đối dự án thủy điện Myitsone. Ảnh: Reuters

Dù vẫn là nhà đầu tư lớn nhất ở Myanmar, nhưng gần đây Trung Quốc đã bắt đầu nếm trải những “trái đắng”. Biểu hiện rõ nhất của tư tưởng bài Trung Quốc ở Myanmar là tại dự án xây đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉ USD, thuộc bang Kachin phía Bắc. Việc triển khai ồ ạt đã dẫn đến sự phản đối của công chúng hồi năm 2010, buộc chính quyền của Tổng thống Thein Sein dừng dự án này chỉ sau 6 tháng ông lên nắm quyền. Trên khắp đất nước Myanmar, những dự án dang dở do Trung Quốc đầu tư là điều không hiếm gặp.

Cùng lúc Myamar tìm cách đa dạng hóa thu hút đầu tư, chú trọng lôi kéo các đối tác của Mỹ và châu Âu và Nhật Bản. Thực tế cũng đã minh chứng rõ. Các số liệu do Cơ quan Thống kê Trung ương Myanmar công bố cho thấy: Nguồn vốn FDI từ Trung Quốc đổ vào Myanmar từ 4/2013-1/2014 chỉ là 46 triệu USD, bằng 12% so với cùng kì năm tài khóa trước và giảm mạnh so với con số 4,3 tỉ USD trong 2 năm trước.

Theo Hoài Thanh
Baotintuc.vn/NYT, Asian Review

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm