1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc nghĩ gì về tiềm lực quân sự Nhật Bản?

(Dân trí) - Lo ngại sức mạnh quân sự của Nhật Bản, Trung Quốc đã nhanh chóng đưa vào hoạt động lực lượng tuần duyên mới hùng hậu gồm 11 đội tàu và trên 1.600 quân. Vậy Tokyo mạnh đến cỡ nào trong con mắt của Bắc Kinh?

Đẩy mạnh xây dựng các hạm đội hải quân là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản hiện nay.
Đẩy mạnh xây dựng các hạm đội hải quân là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản hiện nay.

Tờ Đại công báo của Hồng Kông cho biết mới đây một cơ quan nghiên cứu Trung Quốc đã công bố “Báo cáo đánh giá sức mạnh quân sự năm 2012 của Mỹ, Nhật Bản”.

Theo đó, báo cáo nhận định mục đích chủ yếu của Nhật Bản khi đẩy mạnh xây dựng Lực lượng Phòng vệ mới là nhằm tăng cường khả năng phòng vệ trên đảo Tây Nam (Ryukyu Arc) vốn còn tương đối mỏng, yếu và ở xa lãnh thổ; chuẩn bị sẵn sàng cho “ba nước cờ” chiếm đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) và đảm bảo quân đội Mỹ có thể cấp tốc tham gia và chi viện trong trường hợp xảy ra xung đột. 

Xây dựng hải quân và không quân mạnh

Báo cáo cho rằng từ nay tới trước năm 2015, Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản sẽ có những điều chỉnh căn bản như: tăng số đội tàu ngầm từ 4 lên thành 6 đội, tăng số lượng tàu ngầm từ 6 lên 22 chiếc, phát triển các thế hệ tàu khu trục và tàu ngầm nhằm tăng cường khả năng phát hiện xung đột, cũng như tác chiến khi xảy ra xung đột.

Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Trên không của Nhật Bản sẽ được điều chỉnh theo hướng hình thành 4 hạm đội và 24 đội phòng vệ; lập 2 đội bay, xây dựng 1 hệ thống chống tên lửa đạn đạo Patriot-3 và bố trí 6 hệ thống chống tên lửa đạn đạo trên khắp cả nước.

Trước đó, trong năm 2012, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã mua 1 hệ thống tên lửa dẫn đường tầm ngắn, 2 hệ thống tên lửa đạn đạo mặt đất và trang bị tên lửa đạn đạo tầm trung cho một trung đội.

"Những động thái trên chủ ý nhằm tăng cường sức mạnh quân sự và khả năng bố trí phòng ngự ở phía Tây Nam nước này", báo cáo của Trung Quốc đánh giá.

Mạng People.com cũng cho rằng động thái tăng sắm binh bị và tái bố trí quân sự của Nhật Bản nhằm 3 mục đích: thứ nhất là tăng cường thu thập tin tức tình báo và khả năng tuần tra, giám sát; thứ hai là tăng cường khả năng tác chiến; và thứ ba là tăng cường khả năng cơ động, linh hoạt.

Bên cạnh việc điều chỉnh chính sách quốc phòng tổng thể và củng cố thực lực quân sự, báo cáo của Trung Quốc cũng cho biết Nhật Bản đã tăng mạnh ngân sách quốc phòng.

Ngân sách xây dựng đội tàu tăng 130% 

Theo báo cáo của Trung Quốc - có dẫn nguồn đăng trên Thời báo Hoàn cầu, ngân sách mua sắm trang thiết bị vũ khí của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong năm 2012 là 756,5 tỷ yên, chiếm 16% ngân sách quốc phòng. Trong đó ngân sách xây dựng đội tàu là 172,8 tỷ yên, tăng 130% so với năm trước. 

Sở dĩ có việc tăng mạnh ngân sách cho hoạt động xây dựng các đội tàu là vì Nhật Bản vừa muốn nâng cao năng lực phòng ngự và phản ứng nhanh ở phía Tây Nam, vừa muốn đẩy mạnh thực hiện “chiến lược 3 giai đoạn trên đảo Điếu Ngư’.

Theo đó, chính sách quân sự của Nhật Bản đối với đảo Điếu Ngư/ Senkaku được phân thành 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Sử dụng Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đánh trận mở màn và chiếm giữ thế trận;

- Giai đoạn 2: Điều động Lực lượng Phòng vệ ứng phó với các xung đột vũ trang cường độ thấp và vừa;

- Giai đoạn 3: Đảm bảo quân đội Mỹ có thể tham gia và chi viện trong trường hợp xung đột gia tăng.

Để thực hiện giai đoạn 3, Nhật Bản sẽ lấy liên minh quân sự Nhật - Mỹ làm cơ sở và coi đây là "hắc tinh" để răn đe, uy hiếp Trung Quốc.

Về vấn đề này, mạng People.com cho rằng các động thái quân sự của Nhật Bản đối với đảo Điếu Ngư nếu xét theo chiều dọc là kết quả của chính sách “phòng vệ Tây Nam”, còn xét theo chiều ngang thì có liên quan đến “hợp tác phòng vệ Nhật - Mỹ”, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang xuay trục trở lại châu Á-Thái Bình Dương.

Cũng theo mạng People.com và báo cáo của Trung Quốc, những động thái quân sự mới của Nhật Bản rõ ràng xuất phát từ việc Mỹ và Nhật Bản coi Trung Quốc là đối thủ quân sự.

Đối thủ quân sự của Mỹ-Nhật Bản 

Báo cáo đề cập việc Mỹ và Nhật Bản coi Trung Quốc là mối “uy hiếp” chủ yếu.

Trả lời phỏng vấn Thời báo Hoàn cầu, ông La Viện - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc - cho rằng báo cáo đã chỉ rõ xu hướng tăng số lần diễn tập quân sự, danh sách các nước tham gia, loại vũ khí được sử dụng cũng như mức độ tham gia của phía Mỹ.

Theo ông La Viện, việc tăng tần suất, quy mô và cường độ của các cuộc diễn tập quân sự Mỹ - Nhật trong bối cảnh cục diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện rất căng thẳng chỉ càng làm tình hình khu vực thêm sôi sục và ảnh hưởng đến hòa bình thế giới. 

“Mỹ và Nhật Bản cần duy trì vị trí lãnh đạo thế giới. Việc lo ngại Trung Quốc sẽ chỉ thách thức vị trí này của Mỹ và Nhật Bản”, Tướng La Viện nói thêm.

Từ góc độ muốn làm giảm vai trò và sức mạnh của Nhật Bản, ông La Viện cho rằng Mỹ nên tăng cường hợp tác với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, thay vì tìm cách củng cố liên minh quân sự với Nhật Bản và các đồng minh khác trong khu vực để đối phó với việc Trung Quôc tăng cường sức mạnh quân sự.

Ngược lại, Trung Quốc cũng cầu bày tỏ tin tưởng Mỹ trên nhiều phương diện và cùng nhau tìm kiếm lợi ích chung trong hợp tác để tìm được “ước số chung lớn nhất”.

Đức Vũ