1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc, Nga "tố" Mỹ kích động chạy đua vũ trang ở châu Á

(Dân trí) - Giới chức quốc phòng Trung Quốc và Nga ngày 11/10 đã chỉ trích kế hoạch triển khai Hệ thống tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở châu Á, đồng thời cho rằng việc này sẽ chỉ làm nảy sinh cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn quốc phòng Hương Sơn tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: SCMP)
Các đại biểu tham dự Diễn đàn quốc phòng Hương Sơn tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Trong cuộc họp báo bên lề Diễn đàn quốc phòng thường niên Hương Sơn lần thứ 7 tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 11/10, giới chức quốc phòng Nga và Trung Quốc cho biết Bắc Kinh và Moscow sẽ tiến hành tập trận phòng thủ tên lửa với các nội dung giả định mà máy tính lập trình. Cuộc tập trận này được tiến hành với mục đích chuẩn bị đối phó trước phương án triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Đông Bắc Á và châu Âu.

Thiếu tướng Cai Jun, Phó Chủ nhiệm Cục tác chiến Bộ tham mưu liên hợp Quân ủy trung ương Trung Quốc, đã chỉ trích kế hoạch triển khai THAAD của Mỹ và Hàn Quốc. Quan chức quốc phòng của trung Quốc cho rằng kế hoạch này "chỉ làm gia tăng chủ nghĩa đơn phương và xu hướng sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương", cũng như buộc các quốc gia khác phải chấp nhận rủi ro và "tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn".

Thiếu tướng Cai Jun nói: "Kế hoạch triển khai THAAD không chỉ tạo ra sự bất ổn định trong khu vực mà còn châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang và thậm chí mở rộng ra ngoài khu vực không gian".

Trong khi đó, Phó Cục trưởng thứ nhất Cục Chỉ huy tác chiến của Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga, Trung tướng Viktor Poznikhir, cho rằng kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu và Hàn Quốc là kiêu ngạo và xem thường các quốc gia khác.

Trung tướng Victor Poznihir nói: "Mỹ sử dụng lãnh thổ các nước khác để bảo vệ an ninh quốc gia của họ, trong khi Lầu Năm Góc nắm quyền kiểm soát toàn bộ các hệ thống phòng thủ tên lửa. Do vậy, họ có cái quyền quyết định ai cần được bảo vệ và khi nào phải bảo vệ. Toàn bộ dân số ở châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành lá chắn sống cho những động thái khó đoán của Mỹ về các hệ thống phòng thủ tên lửa".

Theo Tướng Poznikhir, viện cớ đối phó “mối đe dọa tên lửa” từ Triều Tiên và Iran, nhưng Mỹ từ lâu đã phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa để đối phó với tên lửa của Nga và Trung Quốc. Do đó, Nga buộc phải áp dụng các biện pháp trả đũa thích đáng để kế hoạch của Mỹ trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa không ảnh hưởng đến cân bằng vũ khí chiến lược hiện nay.

Ngoài ra, hai quan chức trên cũng chỉ trích việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM), qua đó cho phép Washington tiếp tục phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa. Theo các quan chức này, quyết định của Mỹ buộc Trung Quốc và Nga phải tiến hành các cuộc tập trận phòng thủ tên lửa chung.

Thiếu tướng Cai Jun khẳng định: "Tập trận chung chống tên lửa giữa Trung Quốc và Nga sẽ tăng cường năng lực chiến đấu chung của quân đội hai nước".

Ngọc Anh

Theo SCMP