1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP để đối phó Mỹ trong cuộc chiến thương mại?

(Dân trí) - Các quan chức Trung Quốc được cho là đang nghiên cứu khả năng nhằm đưa Bắc Kinh tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa với Mỹ đang leo thang căng thẳng.

11 quốc gia thành viên ký kết CPTPP ngày 8/3. (Ảnh: Reuters)
11 quốc gia thành viên ký kết CPTPP ngày 8/3. (Ảnh: Reuters)

SCMP dẫn nguồn thạo tin trong chính phủ Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang xem xét khả năng gia nhập CPTPP trong lúc căng thẳng giữa họ và nền kinh tế số 1 thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo giới quan sát, Trung Quốc có thể coi việc tham gia CPTPP là một kế sách nhằm đối phó chủ nghĩa bảo hộ cũng như chính sách “Nước Mỹ là trên hết” của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm ngoái, 11 nền kinh tế còn lại - gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam - đã tích cực đàm phán và đưa ra phiên bản mới CPTPP. Hiệp định này đã được ký kết tại Chile hồi đầu tháng 3/2018.

Cho đến thời điện hiện tại, Trung Quốc chưa công khai tín hiệu cho thấy họ muốn gia nhập CPTPP và trước đó, họ từng không đăng ký trở thành thành viên của hiệp định TPP.

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như đã âm thầm thay đổi quan điểm với CPTPP, khi các quan chức nước này trong một vài tháng qua được cho là đã nghiên cứu các khả năng, cũng như tìm kiếm các lời khuyên để tham gia vào hiệp định, nguồn tin cho biết.

Giới quan sát cho rằng việc tham gia CPTPP sẽ giúp Trung Quốc mở rộng các mối quan hệ thương mại và nâng cao tiềm năng tăng trưởng trong bối cảnh Trung Quốc đang đối diện với rủi ro có thể bị Mỹ cô lập về kinh tế.

Hồi cuối tháng trước, Mỹ, Canada và Mexico đã đàm phán thông qua những vướng mắc chính trong thỏa thuận USMCA, vốn được coi phiên bản sửa đổi và thay thế cho hiệp định NAFTA trước đó. Một điều khoản trong USMCA quy định rằng Mỹ có quyền phủ quyết thỏa thuận, nếu Canada và Mexico ký thỏa thuận thương mại tự do với một “nền kinh tế phi thị trường”, thuật ngữ dường như ám chỉ Trung Quốc.

“Nỗi quan ngại lớn nhất với Bắc Kinh có lẽ là việc Mỹ và các đồng minh thiết lập một hàng rào thương mại và đẩy Trung Quốc ra khỏi cuộc chơi”, ông Wang Huiyao, giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (Bắc Kinh), nhận định.

Ông Wang nói rằng việc tham gia CPTPP có thể gửi một thông điệp mạnh mẽ tới thế giới về tiến trình mở cửa và cải cách của nền kinh tế Trung Quốc. “Tham gia CPTPP có thể trở thành công cụ cho Trung Quốc nhằm đối phó Mỹ và giúp Bắc Kinh tạo ra mạng lưới thương mại mới ngoài “vành đai, con đường” và tổ chức hợp tác Thượng Hải. Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc những mạng lưới thương mại khác”, ông Wang cho hay.

Vào năm 2015, Trung Quốc từng tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của TPP. Trong khi đó, Mỹ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama lại bày tỏ quan điểm ủng hộ hiệp định, cho rằng đó là động thái nhằm giảm sự phụ thuộc của các nước thành viên hiệp định vào nền thương mại Trung Quốc và đưa họ tới gần hơn với Mỹ.

Các cuộc trao đổi về việc Bắc Kinh tham gia CPTPP có thể diễn ra khi Trung Quốc và Nhật Bản đang loại bỏ bớt đi một số rào cản trong quan hệ thương mại. Cuối tháng này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ thăm Trung Quốc và các hoạt động hợp tác kinh tế có thể sẽ chiếm vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự của 2 nhà lãnh đạo. Mặc dù vậy, việc ông Abe có đưa ra ý tưởng về việc đưa Trung Quốc gia nhập CPTPP hay không vẫn là một ẩn số.

Ông Abe đã mời Anh tham gia hiệp định và các quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines cũng bày tỏ sự quan tâm với CPTPP.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Chen Long, nhà kinh tế học thuộc Gavekal Dragonomics (Hong Kong), sẽ không dễ để Trung Quốc có thể tham gia CPTPP.

“Khả năng đàm phán gia nhập CPTPP của Trung Quốc là chưa rõ ràng do ảnh hưởng của Mỹ tới các nền kinh tế thành viên. Trung Quốc cũng có thể phải đối diện với những cuộc đàm phán khó khăn hoặc phải thay đổi các chính sách về công nghiệp và sở hữu trí tuệ nhằm tương thích với hiệp định”, ông Chen Long nhận định.

Đức Hoàng

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm