Trung Quốc mạnh tay cải tổ toàn diện quân đội
(Dân trí) - Trung Quốc hiện đang thực hiện kế hoạch cải tổ toàn diện quân đội với trọng tâm: thành lập lực lượng tên lửa hùng mạnh, trung tâm đầu não cho lục quân và lực lượng chi viện chiến lược với mục tiêu cải thiện năng lực của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong thời gian tới.
Từ trước tới nay, lục quân của Trung Quốc chưa có một trụ sở chung. Trước đây, 4 tổng cục của quân đội Trung Quốc, bao gồm: Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị, hoạt động với cấu trục như các "đầu não" và cùng kết hợp trong các chiến dịch chung. Giờ đây, quyết định thành lập Bộ Tổng tư lệnh lục quân sẽ thay đổi cấu trúc lấy lục quân làm trung tâm sang cấu trúc chỉ huy liên quân kiểu phương Tây, trong đó hải quân, lục quân và không quân có vai trò như nhau.
Giới quan sát đánh giá quyết định trên sẽ phát triển năng lực của quân đội Trung Quốc trong việc triển khai các hoạt động, điều rất cần thiết cho chiến dịch hiện đại, cũng như nâng cao năng lực của các đơn vị khi tham chiến ở nước ngoài trong tương lai.
Tiếp đó, quân đoàn pháo binh số 2, đơn vị kiểm soát các tên lửa chiến lược và kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, đã được tái cơ cấu và chuyển sang với tên gọi mới là lực lượng tên lửa. Sự chuyển đổi này cho phép lực lượng mới chuyển từ "một cánh tay độc lập" sang thành một lực lượng toàn diện, cùng phối hợp với không quân, hải quân và lần đầu tiên là với cả lục quân. Nhờ vậy, lực lượng này đóng vai trò quan trọng hơn khi đưa ra bất cứ quyết định nào.
Giờ đây, tất cả các "nhánh" thuộc "bộ ba hạt nhân" của quân đội Trung Quốc, bao gồm tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom chiến lược, được cho là đã quy về một mối dưới sự chỉ huy của lực lượng tên lửa mới. Đây là sứ mệnh mới mà quân đoàn pháo binh số 2 trước đây chưa từng đảm trách. Tướng Wei Fenghe, người từng là chỉ huy của quân đoàn pháo binh số 2, nay giữ chức Tư lệnh lực lượng tên lửa.
Bên cạnh đó, quyết định thành lập lực lượng chi viện chiến lược cũng được đánh giá là nét mới trong hệ thống quân đội Trung Quốc. Chi tiết về lực lượng này chưa được công bố song người phát ngôn quân đội Trung Quốc, ông Yang Yujun, miêu tả đây là một lực lượng kết hợp tất cả sự hỗ trợ "có tầm chiến lược mạnh mẽ, cơ bản và chi viện quan trọng".
Tuy nhiên, quyết định bổ nhiệm một viên tướng tới từ quân đoàn pháo binh số 2, người có lý lịch liên quan khá nhiều tới các vấn đề kỹ thuật, củng cố cho giả thuyết rằng lực lượng chi viện chiến lược sẽ không chỉ đơn giản là một cơ quan hậu cần như tên gọi mà có thể là một lực lượng phụ trách các chiến dịch công nghệ cao.
Giới quan sát đánh gía lực lượng chi viện chiến lược của quân đội Trung Quốc có thể hoạt động trong các lĩnh vực như vũ trụ, không gian mạng và tác chiến điện tử. Ngoài ra, cũng có khả năng lực lượng này sẽ hoạt động độc lập, qua đó tạo tiền đề để Trung Quốc thành lập lực lượng không gian vũ trụ.
Ngoài ra, kế hoạch cải tổ quân đội toàn diện được Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra còn bao gồm việc tái cấu trúc lại các quân đoàn. Từ 7 quân đoàn trước đây xuống còn 5 quân đoàn, gồm Đông, Bắc, Tây, Nam và Trung tâm. Tuy nhiên, chiến lược cải tổ quân đội có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến.
Năm tới, các vị trí chủ chốt trong quân đội Trung Quốc có thể thay đổi dựa trên kết quả của Đại hội đảng lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nếu các chỉ huy của lục quân, một lực lượng bị coi là cản trở với quá trình cải tổ, tiếp tục duy trì quyền lực và ảnh hưởng đáng kể, họ vẫn có thể giữ lại một số lợi ích, bất chấp chiến lược mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra.
Dù chiến lược cải tổ được công bố cuối năm 2015 tạo ra nhiều ấn tượng nhưng những thay đổi tới nay vẫn tập trung chủ yếu vào giới chức lãnh đạo cấp cao trong quân đội Trung Quốc. Bắc Kinh còn nhiều việc cần làm ở các cấp thấp hơn trong quân đội. Với việc thay đổi 4 cơ quan cấp Tổng cục và thành lập 15 cơ quan trực thuộc để tập trung quyền lực cho Quân uỷ Trung ương, nhiều khả năng quá trình thay đổi các quân đoàn theo kế hoạch được công bố trước đó sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Ngoài ra, trong báo cáo chỉ dẫn về chiến lược cải tổ quân đội của Quân uỷ Trung ương được công bố mới đây, quân đội Trung Quốc sẽ cắt giảm khoảng 300.000 lính, nâng cao trình độ học vấn và khả năng chiến đấu của binh sĩ, cũng như thay đổi lại các lực lượng an ninh trong nước.
Ngọc Anh
Theo Stratfor