1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc lo Mỹ cứng rắn khi thay Bộ trưởng Quốc phòng

An Bình

(Dân trí) - Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper bị sa thải đã gây ra những lo ngại tại Bắc Kinh về nguy cơ gia tăng xung đột bất ngờ, cũng như khả năng hành động cứng rắn của Lầu Năm Góc nhằm đối phó Bắc Kinh.

Trung Quốc lo Mỹ cứng rắn khi thay Bộ trưởng Quốc phòng - 1

Ông Christopher Miller  ngày 9/11 đã được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (Ảnh: Getty) 

Việc ông Mark Esper rời ghế Bộ trưởng Quốc phòng ngày 9/11 đã được dự đoán từ lâu vì trước đó ông đã mâu thuẫn với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng Bắc Kinh vẫn lo ngại các căng thẳng có thể gia tăng vì trước đây ông Esper được xem là sẵn sàng kết nối với Bắc Kinh. Việc bổ nhiệm ông Christopher Miller làm Quyền Bộ trưởng Quốc phòng đã gây lo ngại với Trung Quốc.

“Ông Miller có kinh nghiệm về đặc nhiệm rất vững vàng. Ông ấy từng tham gia lực lượng đặc nhiệm và chỉ huy lực lượng này, chuyên về các cuộc tấn công bất ngờ và các hoạt động mạo hiểm”, Bưu điện Hoa nam Buổi sáng dẫn lời chuyên gia quân sự Zhou Chenming.

Ông Zhou cho rằng Trung Quốc lo ngại về “các hoạt động mạo hiểm quân sự tiềm tàng” của Mỹ vì nước này đã tăng cường an ninh với Đài Loan và khu vực Biển Đông, các động thái khiến Trung Quốc đề phòng.

Ông Esper được xem là người ổn định và có thể kết nối, ông Zhou nhận định, nói thêm rằng kinh nghiệm của ông Miller trong lực lượng đặc nhiệm đã dẫn tới những đồn đoán rằng ông có thể quyết đoán hơn nhằm thực hành động quyết liệt hơn với Trung Quốc.

Chỉ mới cuối tháng trước, vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống, các quan chức quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí tăng cường các cuộc đàm phán trong một cuộc khủng hoảng tiềm tàng, cho thấy hai bên sẵn lòng ngằm ngăn chặn một cuộc xung đột tổng lực. Trong cuộc họp đầu tiên của Nhóm làm việc kết nối khủng hoảng, Lầu Năm Góc đã bác bỏ các tin đồn rằng chính quyền Trump có thể phát động tấn công các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngày 9/11, thủy quân lục chiến Mỹ đã bắt đầu chương trình tập trận kéo dài 4 tuần với Đài Loan, trong một hoạt động mà người đứng đầu lực lượng hải quân Đài Loan gọi là “huấn luyện hợp tác và trao đổi quân sự thông thường giữa Đài Loan và Mỹ nhằm cải thiện các khả năng chiến đấu của binh sĩ Đài Loan”.

Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh xem cuộc tập trận chung trên là “động thái nhằm thách thức giới hạn cuối cùng”, và rằng có nguy cơ xung đột ở Biển Đông.

 “Giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc lo ngại rằng nếu ai đó trong quân đội Mỹ mạo hiểm và gây các cuộc xung đột bất ngờ với quân đội Trung Quốc, đặc biệt ở Biển Đông, sau khi ông Esper ra đi”, nguồn tin nói.

Mỹ đã gia tăng các hoạt động quân sự tại các vùng biển ở Hoa Đông và Biển Đông, nơi Trung Quốc có các tranh chấp chủ quyền với các quốc gia trong khu vực. Bắc Kinh chỉ trích các hoạt động tự do hàng hải và các chuyến bay do thám gần bờ biển và các đảo nhân tạo của Trung Quốc, cáo buộc Mỹ “thách thức chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc”.

Trung Quốc lo Mỹ cứng rắn khi thay Bộ trưởng Quốc phòng - 2

Các tàu sân bay Mỹ hoạt động ở Biển Đông tháng 7/2020 (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Đã từng xảy ra các xung đột bất ngờ và suýt va chạm giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có một vụ việc vào tháng 4/2001 khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng khi chiếc máy bay chiến đấu J-8 của phi công này va chạm với một máy bay do thám EP-3 của Mỹ.

Đồng thời, Lầu Năm Góc đã cho phép các chỉ huy tàu chiến đưa ra quyết định về việc có khai hỏa hay không khi đối mặt với mối nguy hiểm hay không.

Chuyên gia quân sự Zhou Chenming cho rằng các hoạt động quân sự gia tăng của quân đội Mỹ và quy tắc giao chiến của họ đã làm gia tăng nguy cơ về các xung đột bất ngờ.

Ông Miller, 55 tuổi, từng tốt nghiệp Đại học George Washington và cũng có bằng Đại học chiến tranh hải quân và Đại học lục quân. Ông phục vụ trong quân đội từ 1983 đến 2014 và gần đây nhất giữ chức phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng về các chiến dịch đặc biệt và chống khủng bố.

Ông Miller cũng từng tham gia vào các hoạt động chiến đấu tại Afghanistan vào năm 2001 và cuộc chiến Iraq lần 2 vào năm 2003.

Tuy nhiên, Drew Thompson, một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết ông không nhận thấy nguy cơ gia tăng về một cuộc xung đột bất ngờ giữa quân đội 2 nước trước khi ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1/2021.

“Tôi không cho rằng ông Miller có thể làm điều gì đó quan trọng trong 2 tháng tới. Nhiệm vụ lớn nhất của ông ấy sẽ là đảm bảo sự chuyển giao êm thấm, phục vụ lợi ích quốc gia và giúp người kế nhiệm thành công”, Thompson.

Nhà bình luận quân sự tại Hong Kong Song Zhongping cũng cho rằng chính quyền Trump sẽ chú ý nhiều hơn tới các vấn đề đối nội. “Ông Trump không vui với kết quả bầu cử. Ông ấy sẽ không mất thời gian vào các vấn đề quan hệ Mỹ - Trung và sẽ để quân đội Mỹ tiếp tục các hoạt động và huấn luyện bình thường ở Thái Bình Dương”, ông nói.